leftcenterrightdel
Nhiều sinh viên Trung Quốc vừa tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm việc làm. Ảnh: EPA-EFE 

Sau khi gửi đơn ứng tuyển vào hơn 50 vị trí trên nhiều cổng thông tin việc làm khác nhau, Connie Xu (sống tại Quảng Đông) cuối cùng cũng có cơ hội phỏng vấn vị trí thực tập sinh tại công ty ở một thành phố lớn của Trung Quốc.

Cô gái 22 tuổi, tốt nghiệp trong tháng 6 với tấm bằng ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, tự xem mình là ứng viên sáng giá cho vị trí này với những kỹ năng cần thiết và kinh nghiệm có được khi làm dự án ở trường đại học. Vì vậy, cô vượt quãng đường 90 phút di chuyển cho cuộc phỏng vấn, dự đoán đây có thể là cơ hội để có được một công việc tốt.

Tuy nhiên, sự việc diễn ra không như cô kỳ vọng, theo South China Morning Post.

“Họ nói tôi là người chưa có kinh nghiệm. Theo lời người phỏng vấn, tôi là một tờ giấy trắng không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào”, cô kể, đành tiếp tục tìm kiếm nơi khác.

Xu không phải là trường hợp hiếm hoi đang gặp khó khăn khi tìm việc làm, đặc biệt là trong số các sinh viên vừa tốt nghiệp tầm tuổi. Trong năm nay, có 11,58 triệu người như Xu gia nhập lực lượng lao động ở Trung Quốc.

Khó khăn

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi ở quốc gia tỷ dân tiếp tục tăng trong tháng 5, lên mức cao nhất mọi thời đại là 20,8%, mức kỷ lục trước đó là 20,4% vào tháng 4.

Phần lớn sinh viên tốt nghiệp năm nay gần như không thể học trực tiếp và thực tập.

“4 năm đại học và chúng tôi bị mắc kẹt trong khuôn viên trường trong 3 năm”, Xu than thở.

Miriam Wickertsheim, sống tại Thượng Hải, nhà tuyển dụng cho các công ty nước ngoài, cho biết những sinh viên khóa 2019-2023 mới tốt nghiệp mà cô nói chuyện gần đây có vẻ kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà tuyển dụng do kiếm được bằng cấp online.

“Những người phỏng vấn nói họ chỉ học từ xa nên có ít hoạt động xã hội và ít cơ hội làm việc trực tiếp hơn để phát triển tinh thần đồng đội và kỹ năng xã hội. Các nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo”, cô cho hay.

leftcenterrightdel
Nhiều sinh viên Trung Quốc vừa tốt nghiệp thiếu kinh nghiệm thực tế do dịch bệnh. Ảnh: Reuters 

Wickertsheim nói thêm rằng nhiều công ty tư nhân nhỏ ở Trung Quốc, vốn thường là bến đỗ đầu tiên cho nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, đã phải chịu thiệt hại trong đại dịch và vẫn đang cố gắng phục hồi.

“Ngay cả khi các công ty đăng tin tuyển dụng, thì đó cũng là những vị trí thay thế chứ không phải mở rộng. Phải mất khá nhiều thời gian và nguồn lực để một công ty tuyển dụng một sinh viên vừa tốt nghiệp và đào tạo họ đến ngưỡng giúp gia tăng giá trị kinh tế cho công ty”, cô nói.

“Hiện, khi môi trường kinh doanh đầy thách thức, rất nhiều công ty không muốn thực hiện các loại đầu tư đó, đặc biệt là khi những sinh viên vừa tốt nghiệp thường có tỷ lệ nghỉ việc và biến động cao”.

Đồng thời, Wickertsheim nhận định rất nhiều người trẻ hiện có những bằng cấp không cần thiết.

“Những sinh viên tốt nghiệp cách đây một thập kỷ học về kỹ thuật, tài chính hay kế toán, bởi đó là những gì cha mẹ hoặc giáo viên khuyên họ nên học. Vì thế, họ chắc chắn có thể tìm được việc làm. Giờ đây, nhiều người lớn lên trong một nền kinh tế đang phát triển và có nhiều tự do hơn trong việc học thứ bản thân thấy hứng thú. Điều này có thể khiến việc tìm việc trở nên khó khăn hơn một chút”.

Hy vọng

Trong bối cảnh cứ 5 người thuộc nhóm 16-24 tuổi lại có 1 người không thể tìm được việc làm, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ có cách giải quyết.

Vào ngày 1/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố chiến dịch 100 ngày trên toàn quốc nhằm “hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp chủ động tìm kiếm việc làm và giúp nhiều sinh viên tìm được việc càng sớm càng tốt, trước và sau khi rời ghế nhà trường”.

leftcenterrightdel
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Ảnh: Global Times 

Tuy nhiên ngay cả với sự giúp đỡ của trường đại học, sinh viên chưa chắc đã tìm được việc.

Mo Haonan, sinh viên chuyên ngành kỹ thuật xây dựng ở Hàng Châu, đã tìm được cơ hội thực tập thông qua một đợt tuyển dụng do trường đại học tổ chức.

Tuy nhiên, công việc của Mo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chàng trai 21 tuổi bị công ty sa thải vài tuần sau khi hỗ trợ xong một dự án.

“Họ chỉ coi chúng tôi là lao động không cần thiết. Sau khi hoàn thành một dự án, công ty không thể kiếm được khách hàng nào nữa nên sa thải chúng tôi mà chẳng bồi thường bao nhiêu", anh kể.

leftcenterrightdel
Nhiều người trẻ Trung Quốc đang chờ đợi cơ hội việc làm. Ảnh: Reuters 

Song, theo Eddie Cheng, chuyên viên tuyển dụng cho các công ty Trung Quốc, vẫn có một chút tia sáng dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp. Ông cho biết những vị trí quản lý cấp trung kém hiệu quả hoặc không thiết yếu thường là những vị trí đầu tiên bị cắt giảm, trong khi các công ty có thể mở thêm nhiều vị trí quản trị viên tập sự.

“Một số công ty thực sự sa thải các vị trí cấp trung hoặc cấp cao và thuê sinh viên mới tốt nghiệp vì họ rẻ hơn. Họ sẵn sàng trả ít tiền hơn để thuê một sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo họ trong một vài năm. Chi phí thuê một giám đốc điều hành có thể tương đương lương cho hơn 30 sinh viên mới tốt nghiệp".

Với tấm bằng trong tay, Xu đã kiệt sức vì hành trình săn việc không hồi kết. Trong tương lai gần, cô tin rằng những người không có kinh nghiệm thực tập sẽ tiếp tục là nhóm đầu tiên bị loại hồ sơ sớm trong quá trình nộp đơn. Ngay cả nhiều người bạn của cô có bảng điểm xuất sắc cũng chưa tìm được việc làm.

“Khóa sinh viên chúng tôi đã bị kẹt trong trường trong ba năm, chúng tôi lấy kinh nghiệm trong ngành từ đâu?".

Theo Zingnews