Trong một video đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày gần đây, cô Phan ở Chiết Giang, Trung Quốc kể, sau 8 năm chung sống và 2 năm ở nhà làm nội trợ, khoảng cách của cô và chồng ngày càng lớn.

Khi kết hôn, cô có bằng thạc sỹ và chồng là cử nhân, cả hai đều có thu nhập năm 200.000 tệ (760 triệu đồng). Sinh đứa con đầu, sau nghỉ thai sản, lương cô vẫn vậy, trong khi chồng đã tăng gấp đôi. Sinh đứa con thứ hai, cả hai đều nghỉ việc, chỉ khác Phan phải ở nhà làm nội trợ toàn thời gian, còn chồng có công việc tốt hơn.

Có người bạn khen, Phan giỏi chọn chồng. Nhưng người phụ nữ này nhận ra, mình ngày càng thụt lùi. Cuối video, Phan nói: "Để không thấy bản thân mất giá trị, tôi đã tìm công việc mới dù đó chỉ là việc nhỏ, lương không cao. Nhưng tôi mong truyền cảm hứng cho phụ nữ cùng hoàn cảnh. Một khi có thu nhập riêng, bạn sẽ ngay lập tức kiểm soát được cuộc sống của mình".

Sau khi xem video, nhiều người nhận mình giống Phan. "Điều phụ nữ sợ nhất không phải nghèo khó hay sự hy sinh, mà là không tìm được giá trị bản thân trong những năm tháng dành toàn thời gian cho gia đình. Bởi tất cả những ước mơ nghề nghiệp trước đó, đều phải dừng bước khi có con", một người để lại bình luận.

Thời gian sẽ chứng minh, phụ thuộc về kinh tế và quanh quẩn trong xó bếp sẽ là điều sai lầm nhất mà một người vợ lựa chọn. Ảnh minh họa: Istock

Có một bài báo về điều kiện sống của một số phụ nữ nội trợ toàn thời gian tại Nhật trong đại dịch Covid-19. Do trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp nên nhiều phụ nữ trung niên tham gia vào các ngành dịch vụ cơ bản bị thất nghiệp. Hai người trong số này nói: "Tôi rất muốn ly hôn nhưng không có việc làm, giờ chưa dám rời bỏ chồng mình"; "Tôi không đi làm kể từ khi kết hôn, không có kinh nghiệm gì. Vậy tôi có thể tìm việc ở đâu?" Theo đánh giá bản thân, họ tự nhận mình là người "vô dụng", khó tìm được công việc kiếm ra tiền. Một trong hai người phụ nữ này chia sẻ, trong đầu cô lúc nào cũng văng vẳng câu: "Tôi là ai, tôi có thể làm gì, giá trị của tôi ở đâu..."

                     Kim ji young gặp rất nhiều khủng hoảng sau khi có con. Ảnh: netflix.com

Trong bộ phim điện ảnh Hàn Quốc "Kim Ji-young: Born 1982", điều khiến nhân vật chính họ Kim lo lắng nhất không phải là chăm con cái mà đối phó với những người cho rằng cô nhàn hạ. Điều kiện gia đình Kim không tệ. Tuy nhiên tiền bạc không thể bù đắp cho sự trống rỗng trong tâm hồn.

Sau khi kết hôn, người phụ nữ này phải từ bỏ công việc, ở nhà để chăm con và gia đình. Mỗi ngày, đủ thứ việc dồn lên đầu cô, dọn dẹp, nấu cơm, chăm sóc cho con cái, rửa bát, giặt là,... Ở ngoài xã hội, nhiều người cũng dễ dàng nhìn vào và đánh giá những người phụ nữ như Kim. Ai cũng tưởng rằng chồng đi làm vất vả, để vợ ở nhà nghỉ ngơi tiêu xài thoải mái, không phải làm gì. Chẳng ai biết rằng, Kim Ji Young hay những người phụ nữ khác, thực sự họ đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Chưa kể đến chuyện người chồng có thể coi thường thế nào, bản thân người vợ không kiếm ra tiền cũng dễ đánh mất đi sự tự quyết. Hơn nữa, họ sẽ bị căn bếp, quanh quẩn việc dọn nhà, chợ búa, con cái... mài mòn đi sự nhạy bén và tầm nhìn trong cuộc sống.

Từng là một sinh viên giỏi, đi làm được cấp trên đánh giá cao, nhưng sau đó cô tự nhận bản thân là phụ nữ vô dụng, vì không kiếm được tiền. Người chồng dù thành đạt đến đâu, kinh tế gia đình giàu có mức nào nhưng Kim vẫn không thể nguôi ngoai nỗi mất mát về giá trị. "Chồng thăng tiến tới tấp, con cái lớn lên từng ngày, chỉ có tôi vẫn ở nguyên một chỗ", cô nói.

Những người như Kim hiểu rằng trong thời đại ngày nay, nếu ngừng học hỏi, ngừng công việc vài năm thôi, đã có thể tụt hậu tới mức không ngờ tới.

Có nhiều phụ nữ, ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời sẽ có những việc quan trọng hơn khiến bản thân phải nhượng bộ. "Hy sinh cho gia đình thực sự không phải là thứ các bà mẹ sợ nhất. Mà đó là khi chúng ta không còn là chính mình, không còn cảm giác về giá trị", Kim nói.

Có một câu hỏi trên mạng xã hội hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc, Zhihu: Tại sao số đông người bán hàng online ở nước này đều là nội trợ toàn thời gian?

"Nhiều người làm việc này không phải vì kinh tế mà họ tìm kiếm chút tự tin khi đối diện với chồng và thế giới bên ngoài. Họ kiếm tiền để tự chủ cuộc đời mình, để sống không phải nhìn sắc mặt người khác", câu trả lời nhận được nhiều sự tán đồng nhất.

Với phụ nữ, trở thành một người vợ, người mẹ ắt hẳn có nhiều việc phải làm. Sẽ có sự trả giá nhưng cũng có nhiều thành tựu, có đau đớn nhưng vẫn có niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, đằng sau ý thức hy sinh đó, quan trọng là người mẹ không được từ bỏ chính mình, sẵn sàng quay lại làm việc bất cứ lúc nào. Thời gian sẽ chứng minh, phụ thuộc về kinh tế và quanh quẩn trong xó bếp sẽ là điều sai lầm nhất mà một người vợ lựa chọn.

Đừng trở thành một "bà nội trợ" chuyên nghiệp trong hôn nhân. Ngay cả khi chúng ta không thể ở đỉnh cao của sự nghiệp, miễn là tiếp tục chạy, ánh sáng vẫn luôn ở phía trước.

Theo vnexpress