IMF cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trên diện rộng, nhưng các số liệu tổng thể cho thấy sự tụt dốc nghiêm trọng vẫn đang diễn ra ở một số quốc gia.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath, cho biết: “Triển vọng kinh tế của nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đang tối đi đáng kể do tác động của đại dịch ngày càng tồi tệ”.

IMF cho biết ưu tiên chính sách chính để khôi phục tăng trưởng kinh tế phải là đảm bảo vắc xin Covid-19 được triển khai trên toàn thế giới.
IMF cho biết ưu tiên chính sách để khôi phục tăng trưởng kinh tế phải là đảm bảo vắc xin COVID-19 được triển khai trên toàn thế giới
Bà cảnh báo sự phân chia bất bình đẳng vắc xin sẽ tác động đến việc khôi phục mức sống và một đợt suy thoái đại dịch kéo dài "có thể làm giảm GDP toàn cầu lên đến 5.300 tỷ USD tích lũy trong 5 năm tới".
Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với "triển vọng ngắn hạn khó khăn hơn... một phần do sự gián đoạn nguồn cung".

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF, sự gián đoạn nguồn cung có nguy cơ đẩy giá lên cao hơn, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tăng trưởng năm nay sẽ chậm hơn so với dự đoán trước đó.

Báo cáo cho biết sản lượng trên toàn thế giới toàn thế giới sẽ tăng 5,9% trong năm 2021, chỉ thấp hơn một chút so với dự báo vào tháng 7. Nhưng làn sóng dịch bệnh lây lan rộng rãi từ biến thể Delta, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các quốc gia đang phát triển cùng với tắc nghẽn nguồn cung, đã làm chậm lại hoặc đẩy lùi sự phục hồi kinh tế ở nhiều nước.

"Sự phân hóa nguy hiểm về triển vọng kinh tế giữa các quốc gia vẫn là một mối quan tâm lớn" - bà Gopinath cho biết.

Các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ phục hồi kinh tế vào năm 2022, tuy nhiên, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần thêm thời gian để quay trở lại trạng thái trước đại dịch.

Theo phunuonline.com.vn