leftcenterrightdel
 

Một ngày sau khi đạt thành tích chạy 1.000 km từ Thái Lan đến Singapore, Natalie Dau trông có vẻ thoải mái lạ thường. Chân của Dau bị sưng tấy nhưng trông cô có vẻ thoải mái.

Cuối cùng, người phụ nữ 52 tuổi đã hoàn thành được mục tiêu lớn của mình. Cô đã được ngủ 7 tiếng thay vì chỉ 2 tiếng như những ngày trước đó, và nghỉ ngơi trong căn phòng có điều hòa thay vì ở ngoài thời tiết nóng hơn 39 độ C.

Hành trình "điên rồ"

Thành tích chạy bộ đã giúp Dau giành được kỷ lục Singapore cho người "Chạy Ultramarathon 1.000 km Thái Lan- Singapore nhanh nhất". Cô đang chờ đợi để được chính thức xác nhận Kỷ lục Guinness Thế giới cho thành tích của người "Đi băng qua Bán đảo Malaysia nhanh nhất".

Thông qua hành trình này, Dau cũng quyên góp được 50.000 SGD (tương đương 37.000 USD) cho GRLS, một tổ chức từ thiện ủng hộ quyền phụ nữ và trẻ em gái thông qua thể thao, cũng như giúp họ phát triển kỹ năng lãnh đạo.

"Rất nhiều người không tin tôi có thể làm được", cô nói với CNA hôm 6/6.

Là một vận động viên chạy siêu marathon, Natalie Dau đang muốn làm được điều gì đó "điên rồ" một chút, mang tính cá nhân nhiều hơn là đăng ký một giải chạy thông thường.

leftcenterrightdel
Để hoàn thành 1.000 km, mỗi ngày Dau phải chạy quãng đường tương đương 2 chặng marathon.  

Để chạy 1.000 km qua 3 quốc gia trong 12 ngày, mỗi ngày cô phải chạy tương đương quãng đường của 2 cuộc thi marathon (cự ly của một cuộc chạy marathon là 42 km).

Dau, một thường trú nhân Singapore, cho biết: "Khi nói với chồng tôi điều đó, anh đáp rằng: 'Đây là cơ hội tuyệt vời để nâng cao nhận thức về thứ gì đó em đam mê và quyên góp một số tiền'".

Dau nói thêm rằng cô có chung lý tưởng với tổ chức từ thiện GRLS. "Niềm đam mê của tôi là hướng tới sự khỏe mạnh và cân đối, tôi cũng nỗ lực truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ. Tôi thấy đó là sự phù hợp hoàn hảo".

Dau thường chạy 100-150 km mỗi tuần nhưng trong quá trình chuẩn bị cho đợt chạy này, cô không tăng quãng đường chạy hàng ngày. Thay vào đó, cô tập trung chạy vào buổi sáng và tối để làm quen với thời gian chạy kéo dài, đồng thời tập ăn trong khi chạy để xem cơ thể phản ứng thế nào.

Vận động viên 52 tuổi nói rằng phải kết hợp chặt chẽ với nhóm của mình để đảm bảo công tác hậu cần trong quá trình tiến tới mục tiêu lớn. "Lên kế hoạch cho cuộc chạy là một cơn ác mộng, nó khó hơn và mệt mỏi hơn so với tập luyện thông thường".

Dau bắt đầu hành trình của mình vào ngày 25/5, được hỗ trợ bởi một nhóm 6 người chia ra 2 xe tải, quản lý của cô là Arthur Tong bám theo bằng xe đạp và có một cảnh sát Thái Lan hộ tống.

leftcenterrightdel
 Dau có một đội hỗ trợ đi theo trong hành trình chạy từ Thái Lan sang Singapore. 

Ngày đầu tiên rất khó khăn, đến mức cô tưởng chừng mình sẽ bỏ cuộc sau khi bị đau ở hông - một kiểu chấn thương cô chưa từng gặp trước đây.

"Đây là ngày đầu tiên và vẫn còn 920 km nữa mới đến đích, tôi không thể đi bộ suốt những ngày còn lại. Đó là khoảnh khắc đáng sợ với tôi", cô kể.

Dau đã gọi điện cho bác sĩ trị liệu và được massage. Ngày hôm sau thức dậy, cô có chút sợ hãi nhưng may mắn sức khỏe đã ổn định và cô có thể chạy tiếp.

Thử thách khắc nghiệt

Trong hành trình tại Thái Lan, Dau chạy qua những con đường cao tốc nhộn nhịp, tới những con đường yên bình ở làng quê. Một vấn đề lớn cô gặp phải là nắng nóng và nhiệt độ quá cao, ước tính lên tới 39 độ C.

"Tôi phải ở dưới cái nắng chói chang cả ngày và chẳng thể nào thoát khỏi sức nóng. Ở Singapore khi đó đang mưa, tôi ước gì người ta có thể gửi sang cho mình một chút mưa mát mẻ", cô kể.

Có thời điểm ở Thái Lan, đế giày của cô đã chảy nhựa.

"Chúng tôi có thể vượt qua 60 km đầu tiên mỗi ngày khá dễ dàng, nhưng 25 km cuối cùng thật khó, cảm giác như tôi phải chạy thêm 60 km nữa vậy".

leftcenterrightdel
 Dau về đích hôm 5/6. 

Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, Dau đã bắt đầu ngày chạy sớm hơn. Cô đẩy thời gian chạy sang nửa đêm, lúc 0h15 thay vì 5h sáng.

Đôi khi, điểm chạy cuối ngày cách khách sạn gần 1 tiếng lái xe và hôm sau cô phải trở lại điểm đó để bắt đầu. Như vậy, cô mất thêm 2 tiếng để ngủ mỗi ngày. "Có lúc tôi đi ngủ lúc 21 giờ rồi phải dậy lúc 23h30 tối cùng ngày".

Một ngày của Dau thường bắt đầu với bánh sandwich bơ đậu phộng và mứt vào khoảng 3h sáng, sau đó là bữa sáng vài giờ sau đó. Vào lúc 10h, cô có thể uống protein lắc, một lon cà phê hoặc ăn một thanh sô-cô-la để nạp thêm năng lượng.

"Khi trời mát mẻ, tôi nạp vào càng nhiều calo càng tốt. Vì tới lúc nắng nóng, tôi không làm sao ăn nhiều được. Phần lớn thời gian còn lại trong ngày, tôi nạp calo chủ yếu bằng chất lỏng".

Suốt hành trình, Dau chủ yếu nhìn thấy quang cảnh của những đồn điền trồng cọ và thỉnh thoảng đi qua bờ biển. Dù được cảnh báo trước về tình hình an ninh ở miền Nam Thái Lan, nhưng những gì cô nhận được đều là nụ cười hiếu khách và sự niềm nở.

Trên đường chạy 1.000 km cũng có những sự cố không vui. Có hôm lúc 3h sáng, cô bị đàn chó dữ đuổi theo và đã phải nhảy lên ôtô một lúc để tránh.

leftcenterrightdel
Hoàn thành mục tiêu, Dau cũng quyên góp được số tiền lớn cho quỹ từ thiện.  

Dau cũng phải vật lộn với việc bị viêm đường tiết niệu trong 7 ngày. "Khá đáng sợ vì tôi đã đi tiểu ra máu suốt một tuần. Tôi không nói chuyện đó cho nhóm của mình vì sợ họ lo lắng và ngăn tôi lại", cô kể, cho biết thêm đang dùng thuốc điều trị.

Những vết phồng rộp cũng là thứ Dau phải làm quen khi cô đã phải thay tới 4 đôi giày.

"Mỗi sáng thức dậy, tôi phải lấy băng dán hết các ngón chân lại. Đến cuối ngày, tôi không còn cảm giác ở lòng bàn chân mình nữa".

Dau đã hân hoan vượt qua vạch đích tại Westin Singapore vào ngày 5/6, và mong muốn truyền cảm hứng cho những ai đang muốn theo đuổi ước mơ.

"Không nhất thiết phải là 1.000 km, bạn chỉ cần đi bộ 1 km để bắt đầu. Mọi người đều khác nhau. Đừng để mục tiêu của người khác ảnh hưởng đến suy nghĩ về việc bạn xứng đáng với điều gì. Hãy làm những gì mang đến niềm vui và thách thức chính bạn".

Theo lifestyle.znews