Năm nay đã gần 30 tuổi, nhưng Aya vẫn bị cấm rời khỏi nhà ở Amman, Jordan. Giống như nhiều phụ nữ khác ở nước mình, Aya không thể đi ăn trưa với bạn bè và không thể quyết định nơi sống, làm việc hoặc học tập.
|
|
Một phụ nữ trên đường phố ở Amman, Jordan, một trong những quốc gia các quyền tự do của phụ nữ vẫn bị hạn chế. |
Câu chuyện của Aya phổ biến khắp Trung Đông và Bắc Phi, nơi các quốc gia bao gồm Jordan, Iran và Ả Rập Xê Út vẫn có luật yêu cầu phụ nữ phải “tuân lệnh” chồng hoặc xin phép chồng để được rời khỏi nhà, nơi làm việc hoặc đi du lịch.
“Tôi là một tù nhân ở nhà. Nếu tôi ra ngoài mà gia đình không biết, họ sẽ nhốt tôi trong phòng và đánh đập tôi rất đau đớn trong nhiều tháng. Tôi bị dọa chết. Có rất nhiều cô gái như tôi" - Ay nói.
Luật pháp ở 15 quốc gia trong khu vực - bao gồm cả Israel, phụ nữ có thể bị mất quyền cấp dưỡng từ chồng nếu rời khỏi gia đình chung sống, đi làm hoặc đi du lịch mà không có sự đồng ý của chồng. Hơn nữa, ở Jordan, Kuwait, Qatar và Ả Rập Xê Út, phụ nữ có thể bị bắt, giam giữ hoặc buộc phải quay về nếu người giám hộ nam báo cáo rằng họ vắng mặt ở nhà.
“Điều quan trọng là phải hiểu rằng bạo lực đối với phụ nữ không chỉ bao gồm bạo lực thể xác; nó cũng bao gồm các hạn chế đối với việc di chuyển, đi lại" - Rothna Begum, nhà nghiên cứu cấp cao về quyền phụ nữ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cho biết.
"Có rất nhiều phụ nữ bị kiểm soát như một số người bị hạn chế vì giờ giới nghiêm, những phụ nữ khác thậm chí không thể gặp bạn bè của họ tại quán cà phê. Phụ nữ không có khả năng để có một cuộc sống của mình, họ thường bị trầm cảm; một số cảm thấy bị kiểm soát đến mức có ý định tự tử" - Rothna nói thêm.
Lina năm nay 24 tuổi, làm việc xa nhà ở Amman vì cha cô không cho phép cô ra khỏi nhà. Mặc dù kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ ai trong gia đình (2.400 USD/tháng) nhưng Lina không biết cách tiêu vì cô không thể ra ngoài. Gần đây, Lina đã từ chối một cơ hội thăng tiến vì cô cảm thấy không đủ năng lực.
"Tôi không nghĩ mình có kỹ năng xã hội tốt vì tôi không thể ra ngoài và giao lưu như các anh trai của mình” - cô nói.
Cha của Lina không cho phép cô theo học tại một trường đại học tổng hợp, mặc dù em trai 18 tuổi của cô dự định vào trường này.
Lina cầu xin cha cô cho phép cô đăng ký vào một trường đại học trực tuyến nơi chỉ cần có mặt trực tiếp 2 lần một tháng cho các kỳ thi; cuối cùng người cha nhượng bộ với điều kiện chính ông sẽ đưa cô và đón cô.
|
|
Nhiều phụ nữ đòi được quyền đi du lịch mà không có "người giám hộ" là nam theo cùng |
“Mọi người sẽ cố nói với bạn rằng điều này không tồn tại ở Jordan. Bạn có thể nhìn thấy những người phụ nữ ở nơi công cộng. Nhưng bạn không thể nhìn thấy bên trong nỗi niềm của tất cả phụ nữ" - Lina tâm sự.
"Nếu tôi kết hôn tôi sẽ rời khỏi Jordan, rồi ly hôn và gia đình tôi sẽ không biết. Sau đó, tôi có thể được tự do” - cô nói.
Jordan có tỷ lệ phụ nữ biết chữ cao nhất trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi với gần 98%; 56% sinh viên đại học ở Jordan là phụ nữ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Một phụ nữ 26 tuổi ở Amman yêu cầu giấu tên vì sự an toàn của cô cho biết: “Rất nhiều cô gái buồn lòng và thèm khát khi nhìn anh em trai mình ra ngoài trong khi bản thân bị giam cầm ở nhà. Chúng tôi cảm thấy tan vỡ. Cảm giác như tôi đang đánh mất tương lai của mình vậy. Tôi biết rằng cuộc sống của tôi không bình thường. Chúng tôi phải đứng yên trong khi cả thế giới tiếp tục di chuyển".
Theo phụ nữ TPHCM