leftcenterrightdel
 Rani Miranti (phải) luyện tập võ thuật với Rizal Zulmi, một võ sĩ MMA chuyên nghiệp, tại công viên ở Jakarta, Indonesia - Ảnh AP

Cuộc hôn nhân đầy bạo lực về thể chất lẫn tinh thần kéo dài 11 năm đã khiến Rani Miranti quyết định học võ. Cô tham gia lớp Muay Thái ở Jakarta.

Tại Indonesia, Ủy ban quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ, còn được gọi là Komnas Perempuan, đã ghi nhận 289.111 vụ phụ nữ bị bạo lực vào năm 2023.

Ủy ban cho rằng dữ liệu mới nhất chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" về bạo lực trên cơ sở giới, số vụ việc thực tế được cho là cao hơn đáng kể.

Ủy ban cho biết, một số lượng lớn các vụ việc không được báo cáo vì nạn nhân hạn chế tiếp cận dịch vụ khiếu nại, hệ thống ghi chép yếu kém và mức độ kỳ thị xã hội cao đối với nạn nhân bị bạo lực.

Quốc hội Indonesia đã thông qua một đạo luật sâu rộng vào năm 2022, trong đó nêu rõ hình phạt đối với bạo lực tình dục, đảm bảo các điều khoản, bồi thường hoặc các biện pháp khắc phục khác cho nạn nhân và người sống sót.

Luật này được thông qua một tuần, sau khi tòa án cấp cao Indonesia tuyên án tử hình 1 hiệu trưởng trường nội trú Hồi giáo, vì tội cưỡng hiếp ít nhất 13 học sinh trong 5 năm và khiến một số em có thai. Các nạn nhân đều là bé gái từ 11 đến 14 tuổi và bị cưỡng hiếp trong nhiều năm.

Với số vụ bạo lực ngày càng gia tăng, nhiều phụ nữ và trẻ em gái Indonesia đang tìm cách tự bảo vệ mình.

Huấn luyện viên nữ của Miranti, Rahimatul Hasanah, cho biết ngày càng nhiều phụ nữ muốn học võ thuật. Hầu hết phụ nữ tham gia lớp học của cô đều nhút nhát, một số từng bị lạm dụng trong quá khứ.

Ngoài học võ để tự vệ, nhiều phụ nữ Indonesia coi đó là cách giảm căng thẳng hiệu quả.

Rangi Wirantika Sudrajat (31 tuổi), bác sĩ đa khoa tại tổ chức Bác sĩ không biên giới, người từng đến một số trại tị nạn ở Pakistan, Yemen, Nam Sudan, Bangladesh và Sierra Leone, cho biết võ thuật không chỉ giúp cô tự tin, tăng cường sức mạnh thể chất mà còn giúp cô kiểm soát căng thẳng.

Theo phụ nữ TPHCM