Nữ diễn viên Yumi Ishikawa khởi xướng chiến dịch phản đối mang giày cao gót nơi công sở và nhanh chóng được sự ủng hộ của hơn 21.000 người dùng trực tuyến - Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters ngày 8-11 cho biết hashtag "glasses are forbidden" (mắt kính bị cấm) đang trở thành xu hướng tìm kiếm thông tin sau khi một chương trình truyền hình của Nhật vạch trần sự thật kỳ dị: các doanh nghiệp đang ép buộc nữ nhân viên không đeo kính.

"Đây là những quy định đã lỗi thời" - một người dùng Twitter viết kèm theo hashtag trên. Trong khi một người dùng khác cho rằng những lý do cấm cản của các nhà tuyển dụng thật "ngu ngốc".

Một nữ nhân viên phục vụ nhà hàng ở Nhật chia sẻ trên Twitter rằng cô bị bắt không được đeo kính vì trông "khiếm nhã" và không phù hợp với chiếc kimono truyền thống mà cô mặc khi làm việc.

Dòng Tweet kể thực tế của nữ nhân viên này đã có gần 13.000 lượt chia sẻ lại trên Twitter.

"Nếu các quy định chỉ cấm phụ nữ đeo kính thì đây là sự phân biệt đối với phụ nữ" - Kanae Doi, giám đốc tại Nhật của Tổ chức toàn cầu Human Rights Watch, nói với Hãng tin Reuters.

Vào đầu năm nay, ở Nhật đã rộ lên chiến dịch yêu cầu các công ty Nhật ngừng ép buộc nữ nhân viên mang giày cao gót khi đi làm. Đã có hơn 21.000 chữ ký trực tuyến hưởng ứng lời kêu gọi của một nữ diễn viên Nhật vào đầu năm 2019 để phản đối quy định này.

Phản hồi lại, Bộ trưởng Y tế Nhật Takumi Nemoto cho rằng những quy định như mang giày cao gót nơi công sở ở các công ty là "phù hợp và cần thiết". Tuy nhiên ông Nemoto cũng nói thêm rằng vấn đề sẽ trở thành "bắt nạt nơi công sở" nếu chủ sử dụng lao động ép nữ nhân viên bị thương ở chân phải mang giày cao gót.

Theo báo cáo "Khoảng cách giới tính toàn cầu" mới nhất tại Diễn đàn kinh tế thế giới thì Nhật đứng hạng 110/149 quốc gia về vấn đề này.

Theo tuoitre