Khởi nghiệp bằng tình yêu văn hóa

Với Tuệ Mẫn và Thiện Toàn, board game (người chơi tương tác với nhau thông qua một bàn cờ) không chỉ là đam mê, mà còn là cuộc sống của họ. Mê board game, thích tìm tòi văn hóa Việt, cả hai nảy ra ý định làm board game lấy cảm hứng từ cội nguồn dân tộc.

“Trong một lần tìm kiếm các tựa game Việt trên BoardGameGeek - cộng đồng board game lớn nhất thế giới, mình chỉ thấy duy nhất hai trò, mà lại là chủ đề chiến tranh. Tụi mình khá buồn và tự hỏi: khi kể về đất nước mình, chỉ có mỗi chiến tranh thôi sao? Thế là những ý tưởng đầu tiên bắt đầu, và văn hóa là chủ đề tụi mình lựa chọn” - Mẫn chia sẻ.


 Tuệ Mẫn và Thiện Toàn, cặp đôi chăm chỉ của làng board game Việt


Bộ board game đầu tiên ra đời, mang tên Lên Mâm. Các món ăn ba miền Bắc - Trung - Nam trong dịp tết được tập hợp đưa vào trò chơi. Vì cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên việc tìm kiếm thông tin khá khó khăn, phải nhờ các bà, các mẹ trong gia đình hỗ trợ. Trong Lên Mâm, tất cả người chơi sẽ là một gia đình, cùng vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa. Người chiến thắng là người nấu được nhiều món nhất trên mâm cỗ.

Cuối 2018, trong chuyến du lịch Hội An, ý tưởng làm game lại trỗi dậy. Dù Lên Mâm lỗ, nhưng cả hai vẫn tiếp tục đầu tư cho game thứ hai mang tên Hội Phố. Trò chơi lấy cảm hứng từ câu chuyện Hội An từng là thương cảng sầm uất, quan trọng của khu vực. Nguồn tư liệu hai bạn trẻ tham khảo chủ yếu từ cuốn sách Xứ Đàng Trong. Với Hội Phố, người chơi sẽ hóa thân là các thương nhân từng đến Hội An. Đây là câu chuyện về cuộc đua tranh giành hợp đồng của triều đình giữa các thương gia ở Hội An thế kỷ XVII. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội Phố là trò chơi cả hai ưng ý nhất và được mọi người đón nhận nhiều nhất.

Tiếp đà thành công của Hội Phố, cả hai quyết định đến với dự án Kinh Lược. Không chỉ là một trò chơi, đây còn là tự sự của hai bạn trẻ về mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Vì sách vở liên quan đến Sài Gòn khá nhiều nên việc khảo cứu của họ có phần thuận tiện. Kinh Lược lấy cảm hứng từ quá trình khai hoang mở cõi của dân tộc. Năm 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh chúa Nguyễn tiến vào khai hoang vùng đất phương Nam. Với Kinh Lược, người chơi sẽ vào vai một vị quan cai bộ quy hoạch, tính toán xây dựng những khu vực rộng lớn giúp người dân an cư lạc nghiệp. 

Hiện Tuệ Mẫn và Thiện Toàn đã tạo ra được bốn board game và đang ấp ủ một dự án lấy cảm hứng từ gốm Chu Đậu - một dòng gốm nổi danh ở hải ngoại nhưng lại vô danh ở Việt Nam.


Các món ăn Việt được đưa vào bộ board game Lên Mâm


Không chỉ làm board game cho trẻ em

Theo Toàn, board game suy cho cùng chỉ là sở thích của một nhóm người. Cả hai chỉ sắp xếp đưa vào nhiều câu chuyện văn hóa nhất, chứ không cố gắng làm ra một sản phẩm toàn dân. Một trong những yếu tố quan trọng họ luôn cân nhắc chính là vấn đề tạo hình. Ít ai biết được những ngày chập chững làm game, cả hai đều không biết tí gì về mỹ thuật, đồ họa. Họ chỉ tạo ra những sản phẩm vẽ tay đơn sơ trên một chiếc iPad.

 “Mình luôn chú ý vẽ sao cho đúng với những tạo hình hay câu chuyện từ sách vở, tránh vết xe đổ tạo hình của một trò chơi khác lấy cảm hứng lịch sử từng gây tranh cãi trong cộng đồng board game Việt. Tụi mình chưa dám đưa lịch sử vào game cũng vì lý do đó. Nhóm chỉ muốn tạo ra nhiều cách chơi chứ không muốn sáng tạo lịch sử” - Toàn chia sẻ.

Thuyết phục mọi người chơi game của mình là một trong những khó khăn lớn nhất của hai bạn trẻ. Tuy nhiên, thử thách ấy lại là động lực để Mẫn và Toàn hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Hơn nữa, board game còn khá mới mẻ ở Việt Nam, người trẻ biết đến board game nhờ những tên game du nhập từ nước ngoài nên khó tránh khỏi sự so sánh khi giới thiệu sản phẩm.


Một trong những giai đoạn khó nhất khi làm board game chính là mời mọi người chơi thử


Toàn cho biết, mỗi bộ board game thường có thời gian chơi lý tưởng là từ 30 đến 45 phút. Do đó, người chơi, đặc biệt là trẻ em sẽ không phải ngồi hàng giờ với một ván game. Dù đã làm được bốn board game, nhưng họ chưa có ý định đưa các sản phẩm của mình trở thành ứng dụng chơi game. Mẫn cho rằng, dù đi ngược sự phát triển của internet, nhưng với cách chơi game truyền thống là quây quần bên nhau, cô muốn người chơi thật sự gắn kết và không còn lệ thuộc vào điện thoại. Nhất là không còn cảnh bố mẹ giao cho đứa trẻ chiếc điện thoại quá sớm.

Mẫn và Toàn đều mơ đến việc làm game xuất khẩu và cố gắng đưa board game Việt đến thánh địa board game thế giới ở Essen (Đức). Mới đây, cả hai còn cùng chắp bút cho cuốn sách Vòng quanh thế giới board game - cuốn sách đầu tiên giới thiệu về board game ở Việt Nam. 

Theo phunuonline.com.vn