leftcenterrightdel
Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sơ tán tới khu lều tạm ở ngoại ô Quetta, Pakistan, ngày 16/9/2022. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Khi những cơn gió mùa kéo đến tại Pakistan, Shamila, 14 tuổi và em gái Amina, 13 tuổi đã kết hôn để đổi lấy tiền sính lễ, một quyết định được cha mẹ họ đưa ra để giúp gia đình sinh tồn khi những đợt mưa lũ tàn khốc chuẩn bị kéo đến.

“Tôi đã rất vui khi nghe tin mình sắp kết hôn. Tôi nghĩ cuộc sống của mình sẽ trở nên dễ dàng hơn,” Shamila nói sau khi kết hôn với một người đàn ông gấp đôi tuổi mình, với hy vọng sẽ có một cuộc sống sung túc hơn. “Nhưng tôi cũng vẫn không có thêm gì cả. Và khi những cơn mưa tới, tôi sợ rằng mình còn mất mát nhiều hơn.”

Tỷ lệ tảo hôn tại Pakistan đã giảm dần trong những năm gần đây. Nhưng sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022, những nhà hoạt động xã hội cảnh báo rằng những cuộc hôn nhân như của Shamila đang gia tăng trở lại do tình trạng bất ổn kinh tế vốn là hậu quả của biến đổi khí hậu. Những cơn mưa vào mùa Hè, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9, rất quan trọng đối với sinh kế của hàng triệu nông dân cũng như tình hình an ninh lương thực.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến những cơn mưa này to hơn và kéo dài lâu hơn, làm tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt và gây những thiệt hại lâu dài trong trồng trọt, chăn nuôi.

Nhiều ngôi làng ở vành đai nông nghiệp của Sindh, đông nam Pakistan vẫn chưa phục hồi sau trận lũ năm 2022, đã nhấn chìm một phần ba đất nước, làm hàng triệu người phải đi sơ tán và phá hủy hết mùa màng.

Tình trạng này đã dẫn đến một xu hướng mới là ‘cô dâu mùa lũ’,” Mashooque Birhmani, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Sujag Sansar nhằm chống lại nạn tảo hôn, cho biết. “Các gia đình sẽ tìm mọi cách để sinh tồn. Cách đầu tiên và rõ ràng nhất là gả con gái của họ để đổi lấy tiền.”

Birhmani lưu ý rằng kể từ trận lũ năm 2022, nạn tảo hôn đã tăng đột biến ở các ngôi làng thuộc quận Dadu, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bị ngập sâu trong nước lũ trong nhiều tháng. Tại làng Khan Mohammad Mallah, nơi Shamila và Amina kết hôn trong một buổi lễ chung vào tháng 6, 45 bé gái vị thành niên đã kết hôn kể từ đợt gió mùa cuối cùng.

“Trước khi xảy ra trận lụt năm 2022, con gái ở vùng tôi không cần phải kết hôn sớm,” bà Mai Hajani, 65 tuổi, già làng cho biết. “Họ sẽ làm việc trên đồng, làm dây thừng, làm giường gỗ, còn đàn ông thì bận rộn với nghề đánh cá và nông nghiệp. Luôn có việc phải làm.”

Các bậc phụ huynh cho biết họ đã vội vã gả con gái để cứu chúng thoát khỏi cảnh nghèo đói, thường là để đổi lấy tiền.

Mẹ chồng của Shamila, Bibi Sachal, cho biết họ đã trả 200.000 rupee Pakistan (720 USD) cho cha mẹ cô dâu trẻ - một số tiền đáng kể ở một khu vực mà hầu hết các gia đình chỉ chi tiêu khoảng 1 USD một ngày.

leftcenterrightdel
Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở Hyderabad, Pakistan ngày 19/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Najma Ali ban đầu rất hào hứng khi trở thành vợ khi cô kết hôn ở tuổi 14 vào năm 2022 và bắt đầu sống với gia đình chồng. “Chồng tôi đã đưa cho bố mẹ tôi 250.000 rupee để làm đám cưới. Nhưng đó là khoản vay của bên thứ ba mà giờ anh ấy không có cách nào trả lại được,” cô cho biết.

“Tôi nghĩ mình sẽ mua được son môi, đồ trang điểm, quần áo và đồ gốm sứ,” cô nói, ôm lấy đứa con sáu tháng tuổi của mình. “Nhưng bây giờ tôi trở về nhà với một người chồng và một đứa con và chúng tôi không có gì để ăn.”

Ngôi làng của họ, nằm trên bờ kênh ở thung lũng Nara, rất cằn cỗi. Cá không thể sống được trong nguồn nước ô nhiễm, mùi hôi thối bao trùm cả khu vực. “Chúng tôi từng có những cánh đồng lúa tươi tốt, nơi các cô gái có thể làm việc,” Hakim Zaadi, 58 tuổi, người quản lý làng và là mẹ của Najma cho biết. “Chúng tôi trồng nhiều loại rau, nhưng giờ tất cả đều chết hết vì nước bị nhiễm độc. Điều này trở nên nghiêm trọng kể từ năm 2022.”

“Trước đây, các cô con gái không phải là gánh nặng của chúng tôi. Nhưng giờ ở độ tuổi mà đáng lẽ bây giờ mới kết hôn, thì chúng đã có 5 đứa con và trở về sống với cha mẹ đẻ vì chồng của chúng không có việc làm.”

“Tôi muốn đi học”

Dildar Ali Sheikh, 31 tuổi, đã lên kế hoạch gả cô con gái lớn Mehtab khi họ đang phải sống trong trại cứu trợ sau khi sơ tán vì lũ lụt. "Khi ở đó, tôi tự nhủ 'chúng ta nên gả con gái để ít nhất con bé có thể ăn và có những tiện nghi cơ bản'," người bố làm công việc tay chân theo ngày này cho biết trên AFP.

“Đêm tôi quyết định gả con bé đi, tôi không ngủ được,” mẹ cô, Sumbal Ali Sheikh, người đã kết hôn khi đủ 18 tuổi, cho biết.

Tuy nhiên, may mắn, một sự can thiệp từ Sujag Sansar đã khiến đám cưới bị hoãn lại, và Mehtab đã được ghi danh vào một xưởng may, cho phép cô kiếm được một khoản thu nhập nhỏ trong khi vẫn tiếp tục việc học của mình.

Nhưng khi những cơn mưa theo gió mùa rơi xuống, cô vẫn vô cùng lo sợ rằng đám cưới đã được định trước của mình rồi cũng sẽ đến.

“Tôi đã nói với cha tôi rằng tôi muốn đi học,” cô nói. “Tôi thấy những cô gái đã kết hôn xung quanh tôi có cuộc sống rất khó khăn và tôi không muốn điều này xảy ra với mình"./.

Theo vietnamplus