Ngày càng có nhiều người già ở Nhật Bản bị con cái bỏ rơi - Ảnh: BBG News

 

"Khi nào con trai tôi đến?"

Đó là câu hỏi thường được một phụ nữ ở một viện dưỡng lão tại vùng Tohoku, miền Đông Bắc Nhật Bản lẩm bẩm một mình. Con trai của bà đã ngoài 40 tuổi, đang sống ở thủ đô Tokyo.

Lúc đầu, con trai của bà đến thăm mẹ 3 tháng/lần, sau đó là 6 tháng, rồi mỗi năm một lần. Lần gần nhất, anh ta đến thăm mẹ cách đây cũng đã 5 năm và hiện tại, không ai biết khi nào anh ta sẽ đến thăm mẹ của mình.

Tuần báo SPA đã thực hiện một cuộc khảo sát có sự tham gia của 300 người đàn ông ở độ tuổi 30-59 và đề cập về mối quan hệ của họ với cha mẹ. Chỉ có 74 người nói rằng, họ quan tâm đầy đủ đến đấng sinh thành của mình, trong khi 19 người thừa nhận không làm gì cả. 143 người cho biết họ thanh toán các hóa đơn cho cha mẹ nhưng không có động thái quan tâm, chăm sóc nào khác.

Tiền hay tình phụ tử?

"Điều đó đôi khi cũng chẳng dễ dàng gì với con cái", Yoshiyuki Kinoshita (không phải tên thật) đã nói vậy khi quyết định từ mặt bố đẻ để có thể "sống cuộc đời của chính mình". Thỉnh thoảng, anh ta vẫn bị dằn vặt bởi quyết định này.

Khi Yoshiyuki học tiểu học thì bố mẹ anh ly hôn. Yoshiyuki sống với mẹ và vẫn thường xuyên gặp bố. Cha của Yoshiyuki kinh doanh bất động sản nên có đủ điều kiện tài chính để sẵn sàng mua cho Yoshiyuki những gì anh thích.

Yoshiyuki học hành chăm chỉ, sau khi tốt nghiệp đại học, anh tìm được việc làm ổn định tại một ngân hàng địa phương. Năm 2008, nền kinh tế Nhật Bản bị suy thoái. Yoshiyuki vẫn giữ được việc làm nhưng bố anh đã rơi vào tình trạng phá sản. Ông lao vào uống rượu để giải khuây. Yoshiyuki chứng kiến cha mình biến chất, trở thành kẻ nghiện rượu và hay cáu gắt.

Yoshiyuki chia sẻ với tờ SPA rằng, bố anh thường xuyên gọi điện để xin tiền. "Bố không đủ tiền trả cước điện thoại di động. Cho bố vay 10.000 yen. Cho bố mượn 20.000 yen... Cứ thế, mọi chuyện cứ tiếp tục leo thang".

Bản thân Yoshiyuki chỉ kiếm được hơn 200.000 yen/tháng. Anh còn phải trang trải khoản vay từ thời sinh viên cho việc học tập. Để giúp đỡ cha, Yoshiyuki chấp nhận đi vay. Anh đã vay tới 5 triệu yen. Trong khi đó, anh còn có ý định kết hôn.

"Tôi không thể là máy ATM của bố mãi mãi", Yoshiyuki chia sẻ. Anh đưa ra tối hậu thư với bố của mình: "Con sẽ cho bố tất cả số tiền con đang có trong tay và chúng ta không còn quan hệ gì nữa. Hoặc bố đừng sống như vậy nữa. Con vẫn sẽ là con trai của bố. Bố chọn đi!". Cuối cùng, người cha đã chọn tiền. Yoshiyuki chuyển 150.000 yen vào tài khoản của ông và cắt đứt mọi liên hệ.

Đó là câu chuyện cách đây 3 năm. Hiện tại, Yoshiyuki đã kết hôn. Mẹ anh cũng đã "đi bước nữa". Yoshiyuki năm nay 34 tuổi, cha của anh thì đã 64 tuổi. Yoshiyuki không liên lạc với cha của mình, cũng không biết tình hình hiện tại của ông ấy ra sao.

Yoshiyuki nói: "Có thể ông ấy đã qua đời vì cô độc, không có ai chăm sóc hoặc vì đại dịch Covid-19. Nếu không có ai trông nom mộ bố tôi thì hãy cứ như vậy đi. Tôi có thể tàn nhẫn nhưng tôi cũng có cuộc sống riêng của mình".

Tờ SPA đặt ra câu hỏi, ở Nhật Bản hiện có bao nhiêu trường hợp như Yoshiyuki? Và nếu độc giả rơi vào tình cảnh như Yoshiyuki, họ sẽ giải quyết tình huống này như thế nào?

Nam Sơn (Nguồn: Theo japantoday.com)