Giới chuyên gia lo ngại đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu sẽ khiến những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ trở lại mốc cách đây hàng thập kỷ, theo The Guardian.
Trong thời gian dịch bệnh tấn công hàng loạt quốc gia, những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi về nhiều mặt, từ công việc cho đến ở nhà. Một mặt, họ phải đảm đương nhiều nhiệm vụ gia đình hơn như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái. Mặt khác, họ đối diện với nguy cơ bị các công ty sa thải với lý do cắt giảm nhân sự.
Mặc dù phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng lao động thiết yếu mùa dịch, họ không được đối xử và nhận mức lương tương xứng. Ảnh: AP.
47% các bà mẹ có nguy cơ mất việc, 14% trải qua cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn kể từ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe diễn ra, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Tài chính và Viện Giáo dục UCL.
“Nhiều người phụ nữ đã dẫn đầu cuộc chiến đẩy lùi virus corona, song hàng triệu người phụ nữ khác đang mắc kẹt trong các công việc có mức lương rẻ mạt, không đảm bảo điều kiện an toàn và có thể bị bắt thôi việc bất cứ lúc nào”, Frances O’Grady, thư ký của UCL, nói.
Hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khách sạn và bán lẻ, khiến tương lai cho phái nữ càng bấp bênh hơn khi lực lượng nữ giới tham gia vào ngành nghề này chiếm đông đảo.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến chính phủ Anh không còn bắt buộc các công ty phải nộp dữ liệu thống kê chênh lệnh tiền lương theo giới tính trong năm nay. Cuối cùng, chỉ có một nửa số doanh nghiệp tự nguyện nộp báo cáo, theo Business in the Community.
Charlotte Woodworth, giám đốc chiến dịch Equality Trust, thể hiện sự thất vọng và cho biết đây là dấu hiệu đáng lo ngại về thái độ đối với bình đẳng giới trong cuộc khủng hoảng.
Ngoài ra, không hiếm trường hợp nhân viên đang mang thai cũng bị điều động lao vào cuộc chiến chống lại virus. Trong khi đó, hàng loạt nhân viên nữ bị sa thải.
Phụ nữ ở London tham gia cuộc biểu tình toàn cầu chống bạo lực tình dục và phân biệt đối xử tại nơi làm việc vào năm 2019. Ảnh: The Guardian.
“Trong thời kỳ khó khăn, các nhà tuyển dụng có xu hướng trở lại các cách làm việc thông thường. Phụ nữ mang thai bị coi là gánh nặng cản trở công việc, còn nhân viên nữ trong thai kỳ thường làm việc kém hiệu quả, mất tập trung. Khả năng gắn bó dài hạn của họ với công ty cũng bị đặt dấu hỏi”, Joeli Brearley, người sáng lập của dự án bảo vệ các bà mẹ sinh con khi đi làm văn phòng Pregnant Then Screwed, cho biết.
Các chuyên gia cũng dự đoán việc chăm sóc trẻ em cũng gặp phải nhiều khó khăn hơn tưởng tượng khi 150.000 nhà cung cấp cho dịch vụ này ngưng hoạt động.
“97% lực lượng lao động của dịch vụ chăm sóc trẻ em là nữ, khiến rủi ro tăng lên gấp đôi, nhất là khi công ty, doanh nghiệp có khả năng đóng cửa vĩnh viễn”, Joeli nói.
Chưa kể, tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ bị bạo hành gia tăng đáng kể trong những tháng đầu năm do lệnh cách ly xã hội, ở yên trong nhà. Đường dây, website trợ giúp nạn nhân bị chồng đánh đập tại Anh nhận được số cuộc gọi, lượng truy cập đề nghị sự giúp đỡ tăng gấp 10 lần trong vòng 2 tuần.
Trong gói cứu trợ trị giá 67 triệu bảng Anh cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chính phủ Anh cho hay sẽ dành 27 triệu bảng Anh cho những phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, Lucy Hadley, người phụ trách chính sách của tổ chức Women’s Aid cho hay số tiền này vẫn ở mức ít ỏi. Theo cô, riêng vấn đề này cần đến 393 triệu bảng Anh mỗi năm chỉ riêng ở xứ sở sương mù.
Theo Zing