leftcenterrightdel
 Một nạn nhân của nạn buôn người đứng bên ngoài một nơi trú ẩn cho những người sống sót sau nạn buôn người ở Lagos, Nigeria. Ảnh: Caelainn Hogan/AP

Ngay khi vừa đặt chân khi đến thành phố Bouaké, Bờ Biển Ngà, những cụm từ tiếng Pháp đầu tiên mà cô thiếu nữ người Nigeria Sara học được là những từ nhạy cảm để bắt đầu phục vụ cho hoạt động tình dục.

Sara cho biết, em ra đi là từ lời ngon ngọt của con gái người bạn thân nhất của mẹ em. Người này đã nói với em rằng khi đến thành phố Bờ Biển Ngà, em sẽ bán kem dưỡng da.

Nhưng khi đến nơi, em được giao cho một người phụ nữ lớn tuổi - "bà chủ" này đã trả tiền cho chuyến đi của em và mỗi tối gửi em đến các nhà thổ.

Sara cho biết em được trả từ 3.000–5.000 Franc Trung Phi (CFA) – khoảng 5-8USD cho mỗi người đàn ông mà em sẽ "đi trong thời gian ngắn” và 25.000 CFA cho một đêm nghỉ. Số tiền này được chia làm 3: Nhà thổ, Sara và bà chủ.

3 tháng sau khi đến Bouaké, Sara vẫn đang chờ kiếm đủ tiền để trả hết khoản nợ 2,5 triệu CFA cho bà chủ với những chi phí được cho là đi lại, quần áo, thức ăn và tiền hối lộ cho các tay môi giới.

“Bà ta đã lấy thẻ sim Nigeria của tôi khi tôi đến đây, vì vậy tôi không thể gọi điện cho gia đình ở nhà trong tháng đầu tiên”, Sara (hiện có tên là Sugar), cho biết.

Nhiều cô gái và phụ nữ bị buôn bán làm việc trong các nhà thổ trong rừng gần biên giới Mali, nơi được công nhân nhập cư sử dụng trong các trại khai thác mỏ. Ảnh: Eromo Egbejule
Nhiều bé gái và phụ nữ bị bán vào làm việc trong các nhà thổ trong rừng gần biên giới Mali - Ảnh: Eromo Egbejule

Buôn người là một cuộc khủng hoảng lớn ở Nigeria, với khoảng 750.000 đến 1 triệu người bị ép phải đi ăn xin, mại dâm, làm nô lệ trong gia đình.

Sara là một trong số hàng ngàn gái mại dâm Nigeria rải rác khắp các thị trấn và thành phố ở Bờ Biển Ngà.

Các cô gái và phụ nữ chủ yếu bị buôn bán bởi những kẻ môi giới lợi dụng tình trạng thất nghiệp kỷ lục ở Nigeria và hoạt động dưới vỏ bọc cung cấp việc làm.

Do nền kinh tế ổn định và mại dâm là hợp pháp, Bờ Biển Ngà đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động mại dâm. Một số nạn nhân tiếp tục trở thành "má mì" cung cấp các cô gái khác, để lấy lại số tiền họ đã chi và giành lại tự do cho chính họ.

Trên khắp Nigeria, các nhóm buôn người thường đăng tải tuyển dụng trong các nhóm cộng đồng nông thôn hoặc đăng bài trong các nhóm tìm việc trên Facebook với những lời rao về "việc nhẹ, lương cao".

Những cô gái trốn thoát tại văn phòng của một nhóm cộng đồng người Nigeria ở Treichville, Abidjan, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Eromo Egbejule
Những cô gái trốn thoát các động mại dâm đang tìm giúp đỡ tại văn phòng của một nhóm cộng đồng người Nigeria ở Bờ Biển Ngà. Ảnh: Eromo Egbejule

Không giống như Sara, hầu hết những người hành nghề mại dâm bị buôn bán từ Nigeria đều sống sâu trong rừng rậm Bờ Biển Ngà, tránh xa vòng kiểm soát của luật pháp.

Ở Tengréla, cách biên giới Mali 7km có một số trại thợ mỏ thủ công được những người đàn ông từ Mali, Burkina Faso và Guinea sử dụng để kiếm tiền trước khi trở về nước. Những người hành nghề mại dâm Nigeria trong độ tuổi từ 14-38 cũng ở đây trong những khu định cư nhỏ gồm những chiếc lều tạm bợ làm bằng nylon đen được buộc lại với nhau bằng que.

Tại các maquis – tên gọi những quán bar nhỏ ở châu Phi nói tiếng Pháp – do các "má mì" trong khu định cư làm chủ, cả hai nhóm người nhập cư đều giao du với nhau, đầu tiên là công khai và sau đó là riêng tư.

“Có một niềm tin kỳ lạ ở một số vùng khai thác vàng rằng tình dục giúp bạn tìm thấy vàng. Điều này lại thúc đẩy nhu cầu buôn bán tình dục”, một cựu quan chức Nigeria trước đây từng làm việc tại Bờ Biển Ngà cho biết.

Hiện tại, có hàng trăm cô gái và phụ nữ trong rừng, một số chỉ mới 15 tuổi. Một số người trong số họ nói rằng họ đã bị bỏ đói vì từ chối làm việc hoặc bị đánh đập bởi những tên ma cô. Nhiều người chia sẻ họ không biết nói tiếng Pháp và cũng không biết cách nào để có thể trốn thoát.

Các quan chức Nigeria đã cố gắng hồi hương những cô gái bị lừa làm gái mại dâm. Thậm chí họ cho biết có những cô gái chỉ mới 13 tuổi ở vùng sâu vùng xa.

“Nhiều cô gái chúng tôi tìm thấy đều tự nhận mình đã trên 18 tuổi và tự nguyện làm nghề mại dâm, nhưng nhìn vào ngoại hình của họ, bạn biết họ không phải vậy,” cựu quan chức Nigeria cho biết.

Bờ Biển Ngà có luật hình sự hóa nạn buôn người, nhưng luật này hầu như không được thực thi.

Rất nhiều lần cảnh sát Bờ Biển Ngà đốt cháy một số khu định cư nơi bọn buôn người hoạt động nhằm dẹp bỏ nạn mại dâm nhưng những khu định cư mới vẫn tiếp tục mọc lên.

Đối với Sara, việc chờ đợi để trở về nhà vẫn tiếp diễn. Cô đã học trung học cơ sở ở Port Harcourt, Nigeria, trước khi bỏ học để đi du lịch đến Bờ Biển Ngà. “Tôi thực sự không thích công việc tôi đang làm ở đây. Tôi muốn về nhà, tôi nhớ mọi người ở nhà lắm” - em nói.

Theo phụ nữ TPHCM