"Chúng tôi biết mình còn nhiều việc phải làm", Facebook cho biết trong thông cáo đăng hồi tuần trước sau khi hơn 100 nhãn hàng lớn dừng quảng cáo trên mạng xã hội này, nhằm hối thúc Facebook xây dựng nền tảng an toàn hơn. Đồng thời ép mạng xã hội này phải đưa ra chính sách quyết liệt ngăn phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây phẫn nộ.
Chiến dịch #StopHateForProfit dường như đã có tác dụng khi Mark Zuckerberg hứa sẽ kiểm duyệt nội dung, gắn nhãn bài đăng có nội dung thù địch, phân biệt chủng tộc. Facebook cũng cam kết thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ người nhập cư, người tị nạn khỏi những bài viết, quảng cáo thể hiện sự khinh miệt hoặc những ngôn từ có thể gây tổn thương.
"Chúng tôi biết mình còn nhiều việc phải làm" dường như là câu cửa miệng của các lãnh đạo trong thời đại mạng xã hội, được thốt lên mỗi khi doanh nghiệp của họ hứng chịu chỉ trích từ công chúng. Nó cũng thể hiện thái độ phòng bị được Facebook áp dụng từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi mạng xã hội này trở thành nền tảng cho nhiều tin tức giả mạo.
Câu nói vừa mang nghĩa hứa hẹn vừa là sự né tránh. Nó kêu gọi niềm tin rằng công ty đang có tiến bộ và cần thêm thời gian, trong khi bác bỏ những chỉ trích và khẳng định họ biết những gì đã làm là chưa đủ và sẽ có thêm nhiều bước đi trong tương lai.
Trong trường hợp của Facebook, "Chúng tôi biết mình còn nhiều việc phải làm" lại gây nguy hiểm khi bỏ qua những điểm yếu mang tính căn bản của mạng xã hội này. Cấu trúc mạng xã hội, trong đó thuật toán đề cao tương tác hơn mọi yếu tố khác, sẽ khiến những nội dung gây chia rẽ hoặc thao túng cảm xúc ngày càng phát triển.
Facebook thường lấy lượng nội dung khổng lồ làm lý do giải thích việc họ không có nhiều hành động. "Chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến, nhưng mỗi ngày có đến 115 tỷ thông điệp được gủi trên hệ thống của chúng tôi. Phần lớn đều mang tính tích cực", phát ngôn viên Facebook Nick Clegg nói.
Tuy nhiên, phát biểu này cũng là sự thừa nhận rằng Facebook quá lớn để có thể kiểm soát một cách hiệu quả. "Sẽ luôn có nhiều việc cần làm hơn bởi thiết kế của Facebook luôn tạo ra nhiều nội dung thù ghét hơn khả năng giám sát. Làm sao bạn có thể cải cách nó? Bạn không thể làm điều đó", ký giả Charlie Warzel của New York Times cho hay.
Bất chấp những cuộc tranh luận về chính sách kiểm soát nội dung và hàng loạt thay đổi về điều khoản sử dụng, hàng loạt vấn đề vẫn tồn tại với Facebook. Mọi dấu hiệu đều cho thấy một hệ thống không có khả năng thay đổi.
"Bạn thấy rất nhiều người hy vọng về nền tảng xã hội mới và nhân đạo, trong đó coi trọng sự riêng tư và cắt giảm những thuật toán mang tính cưỡng ép. Nhưng thực sự những đề xuất đó sẽ khiến các nền tảng không còn là mạng xã hội", Siva Vaidhyanathan, Giáo sư ngành truyền thông ở Đại học Virginia (Mỹ), nêu quan điểm.
Nói cách khác, cấu trúc mạng xã hội chính là vấn đề. "Mạng xã hội vốn gây ảnh hưởng xấu tới con người. Chúng ta không nên cố tưởng tượng đến phương án sửa chữa hoặc tái xây dựng một ý tưởng xấu", giáo sư Vaidhyanathan nói thêm.
Ifeoma Ozoma, chuyên gia xây dựng chính sách cộng đồng tại Pinterest, Facebook và Google, nhấn mạng rằng cấu trúc thiếu sót của Facebook có liên quan chặt chẽ với lãnh đạo tập đoàn. "Chúng ta sẽ không thấy những thay đổi thật sự nếu chỉ đòi hỏi điều chỉnh bề ngoài. Nền tảng này sẽ phản ánh giá trị của những người đưa ra quyết định", Ozoma nói.
Ozoma là người thiết kế những thay đổi chính sách nhằm hạn chế lan truyền tin giả trong lĩnh vực y tế và phát biểu gây thù ghét trên mạng xã hội. Bà từng công khai chỉ trích nhiều lãnh đạo mạng xã hội vì mức lương không tương xứng, cáo buộc nhiều quản lý gây khó khăn cho công việc của người da màu.
"Ngay cả khi có khuôn khổ nhằm tái cấu trúc nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ không thấy chúng được ứng dụng vào thực tế. Bạn sẽ không bao giờ thấy lãnh đạo Facebook thừa nhận họ đã làm sai và gây hại trong hơn 10 năm qua", Ozoma nói thêm.
Ít người tin rằng Mark Zuckerberg sẽ cải cách toàn diện Facebook hoặc nới lỏng quyền kiểm soát ban lãnh đạo, cho rằng điều này chỉ có trong tưởng tượng. Facebook sẽ không thay đổi, nhưng hàng loạt điều chỉnh nhỏ cho thấy cách mạng xã hội này đáp ứng những yêu cầu từ công chúng.
Chiến dịch #StopHateForProfit là một trong những thay đổi đó. Giáo sư Vaidhyanathan cho rằng mọi người nên ngừng suy nghĩ về cách kiểm soát Facebook và nên tập trung vào phương án sống chung với mạng xã hội này.
Theo vnexpress