Vatican
Tại Vatican, giống như Tuần Thánh năm 2020, các lễ nghi diễn ra trong đền thờ Thánh Phêrô rất vắng vẻ. Đức Thánh Cha chủ lễ ở khu vực trước bàn thờ Ngai Tòa phía đầu thánh đường. Tại đây có tòa của thánh Phêrô trong tư cách là Giám Mục Roma. Hai bên có 4 pho tượng lớn của 4 vị thánh Tiến sĩ Hội Thánh là thánh Ambrosio và Augustino của Giáo Hội Latinh, Atanasio và Gioan Kim Khẩu của Giáo Hội đông phương.
Năm 2020, tham gia buổi lễ chỉ có khoảng 30 người làm nhiệm vụ trong thánh lễ, như 6 Đức Ông phụ giúp Đức Thánh Cha, ban giúp lễ, ca đoàn thu nhỏ gồm 6 người và những người đọc sách thánh. Năm 2021, giống như trong thời gian qua, số người tham dự sẽ nhiều hơn năm ngoái nhưng không đáng là bao, để tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng ngừa dịch bệnh.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha không chủ sự lễ Làm phép dầu vào sáng thứ Năm Tuần thánh và chỉ cử hành thánh lễ ban chiều, tưởng niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể. Nhưng năm nay ngài đã thực hiện cử hành Lễ phép dầu lúc 10 giờ rưỡi sáng thứ Năm. Thánh Lễ lúc 6 giờ chiều do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự và không có sự hiện diện của Đức Thánh Cha.
Nghi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay với Đức Thánh Cha diễn ra không khác biệt so với năm ngoái, gồm buổi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu lúc 6 giờ chiều và sau đó, lúc 9 giờ tối, ngài sẽ chủ sự buổi Đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại Quảng trường Thánh Phêrô. Buổi ngắm Đàng Thánh giá sẽ được truyền đi qua hệ thống truyền hình thế giới, Mondovisione.
Cộng hòa Slovak
Trong số những nơi chính quyền còn cấm ngặt nghèo các buổi lễ tôn giáo vì đại dịch, có Cộng hòa Slovak, quốc gia có 5 triệu dân, đa số là tín hữu Công giáo. Hôm 17/3 vừa qua, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài tình trạng giãn cách xã hội thêm 40 ngày nữa, kể cả những ngày lễ Phục Sinh. Vì thế, các Giáo Hội Kitô: Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống và nhiều thành phần trong xã hội dân sự Slovak đã thỉnh cầu Tòa Bảo hiến cứu xét việc chính phủ nước này hoàn toàn cấm các buổi lễ tôn giáo nhân danh việc chống sự lan lây của Covid-19.
Chính phủ Slovak đang ở trong tình trạng chia rẽ nội bộ nên đã không giải quyết vấn đề, khiến các Giáo Hội phải phản ứng chống lại sự vi phạm các quyền của người dân. Ông Jan Figel, thuộc đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo, cựu ngoại trưởng của Liên hiệp Âu Châu, đã khởi xướng việc đệ đơn lên tòa bảo hiến để kiện chính phủ.
Philippines
Tại Philippines, chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte, đứng trước sự tái gia tăng lây nhiễm Covid-19, đã ra lệnh cấm các cuộc tụ họp công chúng, kể các các buổi lễ tôn giáo. Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Mục phụ tá kiêm Giám quản Tông tòa tổng giáo phận Thủ đô Manilla, đã công bố thư mục vụ khẳng định rằng, các buổi lễ có số ít tín hữu có thể được cử hành bên trong các nhà thờ. Trong thư Đức Cha nhấn mạnh quyền phụng tự và ấn định số tín hữu dự lễ chỉ là 10% so với với sức chứa tối đa của nhà thờ.
Thư của Đức Cha Pabillo có đoạn viết: "Chúng ta đã có một năm kinh nghiệm với các thủ tục bảo vệ an ninh y tế trong các nhà thờ của chúng ta... Ngoài ra từ "tập hợp đông đảo" mà chính phủ sử dụng để cấm đoán có định nghĩa không rõ ràng". Đức Cha cũng phê bình chính phủ thiếu sự cộng tác với các tổ chức tôn giáo khi đề ra các biện pháp liên hệ tới các tôn giáo.
Phản ứng lại, Tổng thống Duterte nói rằng chính phủ sẽ đóng cửa các nhà thờ địa phương nếu các Linh Mục cử hành thánh lễ công cộng bất chấp lệnh của nhà chức trách y tế.
Vương quốc Bỉ
Tại Bỉ, chính phủ cũng hạn chế các buổi lễ tôn giáo như vậy để thắt chặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Nhưng Giáo Hội Công Giáo đã kiện lên tòa án tối cao và tòa đã đáp ứng phần nào yêu cầu của các Giáo Hội. Dầu vậy chính phủ Bỉ vẫn giới hạn và chỉ cho tối đa 15 người dự lễ, bất luận đó là thánh đường lớn hay nhỏ. Lễ an táng thì được tối đa 50 người tham dự.
Cộng hòa Liên bang Đức
Tại Đức, hôm 22/3, bà Thủ tướng Angela Merkel đã ra lệnh giới nghiêm ngặt nghèo từ ngày 1 đến 5/4 trùng vào những ngày Tuần Thánh và Phục sinh, khiến Hội đồng giám mục Đức mạnh mẽ phản đối. Đức Cha Baetzing, Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, nói rằng "Hồi lễ Giáng Sinh chúng tôi đã chứng tỏ có thể cử hành thánh lễ an toàn về y tế. Phục Sinh là lễ quan trọng nhất đối với chúng tôi, chúng tôi không muốn từ bỏ lễ Phục Sinh. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với các chính quyền tiểu bang".
Các giám mục khác cũng hợp tiếng phản đối, khiến bà Merkel phải lên tiếng xin lỗi và nói rằng quyết định của bà là điều sai lầm và bà rút lại quyết định đó.
Scotland
Tại Scotland, hôm 24/3, một tin vui đã đến với các Giáo hội Kitô khi tòa án tối cao nước này tuyên bố lệnh chính phủ cấm ngặt các buổi lễ tôn giáo là bất hợp pháp. Đơn kiện lên tòa án tối cao do 27 vị lãnh đạo tôn giáo đệ trình. Trước đó, chính phủ Scotland tuyên bố các buổi lễ công cộng có thể mở lại từ ngày 26/3 với số tối đa 50 người tham dự.
Linh mục Kinh sĩ Công Giáo Tom White, hạt trưởng ở thành phố Glasgow, 1 trong 27 người đã kiện chính phủ, tuyên bố: "Tôi rất vui mừng vì phán quyết của tòa án tối cao. Điều này chứng tỏ tòa đã hiểu nhu cầu thiết yếu cần bảo vệ không những sức khỏe thể lý và vật chất của xã hội chúng ta, nhưng cả những nhu cầu tinh thần, vì vậy tòa đã lật ngược lệnh cấm bất hợp pháp đối với các buổi lễ tôn giáo".
Các nơi khác
Tại Italy và nhiều nước khác, không có tình trạng chính phủ hạn chế ngặt nghèo như những trường hợp nói trên, nhưng các Giám mục không quên lên tiếng nhắc nhở các tín hữu nghiêm túc tuân giữ các biện pháp an ninh y tế để phòng ngừa lan lây Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét, bỏ một số nghi lễ biểu tượng như: đi rước lá, rửa chân chiều thứ Năm tuần thánh, hôn kính Thánh giá chiều thứ Sáu tuần thánh….
NA