Người biểu tình tuần hành chống lại làn sóng thù hận người châu Á trên Quảng trường Thời đại ở New York hôm 20/3 - Ảnh: BI/Getty Images

 

Các tình nguyện viên - một số người biết ngôn ngữ của người châu Á - tiến hành tuần tra các khu dân cư “nhạy cảm” trong thành phố New York, trong đó có khu phố Tàu, và cung cấp dịch vụ hộ tống cho bất kỳ ai yêu cầu họ giúp đỡ.

Theo kênh truyền hình Pix11 News, sáng kiến được tổ chức SafeWboards NYC triển khai từ tháng Giêng năm nay, sau một loạt các vụ tấn công phụ nữ trên tàu điện ngầm.

Các tình nguyện viên phát tờ rơi và đeo dây an toàn sáng màu, mỗi ca làm việc kéo dài hai giờ. Ngoài ra, chiến dịch gây quỹ hỗ trợ sáng kiến SafeWboards trên GoFundMe đã quyên góp được khoảng 17.000 USD kể từ tháng Hai.

"Chúng ta cần thể hiện tính nhân văn của mình. Chúng ta không thể để người ta làm tổn thương những người lớn tuổi trong cộng đồng", nữ tình nguyện viên Lisa Gold nói với Pix11 News.

Bạo lực chống người châu Á tiếp tục gia tăng

Trong những tuần gần đây, đã xảy ra nhiều vụ tấn công chống lại người châu Á ở thành phố New York.

Đầu tuần này (29/3), một phụ nữ châu Á 65 tuổi đã bị hành hung và sỉ nhục ngay trên vỉa hè New York. Kẻ tấn công - Brandon Elliot, 38 tuổi - đã đá bà ngã xuống đất và liên tục đạp vào đầu bà trong khi hai người gác cửa một căn hộ sang trọng chỉ đứng theo dõi, theo đoạn phim an ninh do cảnh sát công bố. Khi Elliot đi khỏi, những người gác cửa đã đóng sập cánh cửa căn hộ trước mặt nạn nhân.

Trên bình diện toàn quốc, những câu chuyện liên quan đến bạo lực chống người châu Á xảy ra gần đây cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm.

Hai tuần trước, cảnh sát đã bắt giữ gã đàn ông liên quan đến một loạt các vụ xả súng giết chết 8 người tại ba tiệm spa ở khu vực Atlanta, 6 trong số 8 nạn nhân là phụ nữ châu Á. Kẻ xả súng - Robert Aaron Long, 21 tuổi đến từ Woodstock (Georgia) - khai với cảnh sát rằng các vụ tấn công là do chứng nghiện tình dục và không có động cơ chủng tộc.

Nhiều nghiên cứu xác định số lượng tội phạm và bạo lực chống lại người châu Á đã tăng đột biến trong năm ngoái.

Người biểu tình tuần hành chống lại làn sóng thù hận người châu Á ở thành phố New York - Ảnh: Getty Images

 

Một phân tích của Trung tâm nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan (CSHE) tại Đại học California cho thấy tội phạm thù hận về tổng thể giảm 7% trong năm 2020, trong khi đó, tội phạm thù hận nhắm đến người châu Á tăng khoảng 150%.

Stop AAPI Hate, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi tình trạng bạo lực đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, đã công bố một báo cáo xác định gần 3.800 trường hợp phân biệt đối xử chống người châu Á chỉ riêng trong năm 2020. Stop AAPI Hate nhận định con số này còn rất thấp so với thực tế.

Thông cáo báo chí của Stop AAPI Hate cho biết: "Chúng ta làm chưa đủ để bảo vệ người Mỹ gốc Á khỏi các biểu hiện thù ghét, phân biệt đối xử và bạo lực ngày càng tăng. Cần phải có hành động cụ thể ngay từ bây giờ để ngăn chặn các hành động đó trong cộng đồng".

Theo phunuonline