Tuy nhiên tới giờ, cô đã hiểu vì sao họ lại như vậy. Hai đứa con nằm hai bên đã ngủ, cô mới có thời gian thở nhẹ một tiếng. Vậy là một ngày dài như mọi ngày đã kết thúc. Cô phải tranh thủ đi tắm rửa và ngủ sớm, nếu không chỉ vài tiếng nữa thôi, đứa nhỏ sẽ dậy đòi ăn. Chồng của cô vẫn đi trực chưa về, bát đũa còn vứt trong bồn… Cô thấy cuộc đời này thật mệt mỏi.
Sau khi cô sinh bé thứ hai, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Hiện con lớn của vợ chồng cô được gần 5 tuổi, con gái nhỏ gần 1 tuổi. Mặc dù, 2 vợ chồng đã yêu và bên nhau gần chục năm, tưởng như đã hiểu nhau tới chân tơ, kẽ tóc, ấy vậy mà lại trở nên xa cách, không hiểu nhau đến thế. Các trận cãi nhau xảy ra như cơm bữa, hầu như là sự giày vò, chỉ trích và vô tâm. Có chồng giỏi giang, chỉ biết kiếm tiền, sớm tối đều ở bên ngoài, không cùng vợ chăm sóc con cái, liệu có ích gì?
Chồng của cô là một người chăm chỉ, đi làm cách nhà gần 30km nhưng vẫn chọn cách di chuyển đi đi về về trong ngày. Cô biết anh ấy rất cố gắng, vất vả và mệt mỏi. Nhưng sự thật, cô mong có được sự chia sẻ, cảm thông từ anh ấy. Sau khi sinh đứa thứ hai, cô hầu như không còn thời gian cho bản thân. Một mình cô xoay xở chăm sóc con nhỏ và chịu đựng sự bướng bỉnh, mè nheo của con lớn với hàng trăm việc không tên mỗi ngày. Không người giúp việc, không có ba mẹ giúp vì một bên ba mẹ ở xa, một bên thì ba mẹ già yếu quá rồi… Cô chỉ quanh quẩn trong căn chung cư hơn 40 mét vuông, hằng ngày chăm con, đợi chồng về. Cô đã từng nghĩ tới cái chết để giải thoát bản thân.
Từ lúc sáng sớm ngủ dậy đến lúc tối muộn, cô không được nghỉ ngơi lúc nào. Nhiều lúc, cô phải vừa bế con vừa nấu nướng, thậm chí đi vệ sinh cũng không yên. Cho 2 con vào cái cũi nhỏ để tự chơi, mẹ thì lúi húi quét nhà. Em tranh đồ, thằng anh sẽ đánh luôn không thương tiếc. Vậy là hai đứa lại khóc lóc, lại tức giận và trách phạt nhau. Căn nhà lúc nào cũng ồn ào đến stress.
Cô đọc các loại sách hướng dẫn cách nuôi dạy con. Sau đó, chính bản thân cô tạo cho mình áp lực phải làm khoa học như trong sách. Nếu thời gian biểu không đúng, cô sẽ tự trách bản thân là một người mẹ không ra gì. Sách dạy không được đánh mắng con cái, sách dạy phải luôn chơi và nói chuyện cùng con, sách dạy cha mẹ phải sạch sẽ để làm gương, làm gì cũng phải nề nếp… Và thực sự, 2 đứa con đã rút hết năng lượng của cô mỗi ngày. Thậm chí, mỗi lần các con mè nheo, bướng bỉnh, năng lượng của cô bị "âm" và rơi vào trạng thái không kiểm soát được.
Đến tối khi chồng về, cô chỉ còn lại 1 người vợ xác xơ, kiệt quệ cả vẻ ngoài lẫn tinh thần. Cô cáu gắt, trách giận chồng, hoàn toàn quên rằng anh ấy cũng có những mệt mỏi và vất vả. Vợ chồng thường xuyên cãi nhau, làm tổn thương nhau. Chồng cô đi làm cả ngày, có khi trực cả tuần mới về vài lần, nên anh ấy không thể hiểu cô đã làm gì ở nhà để nuôi được 2 đứa con. Cô cũng chẳng có thời gian để lắng nghe anh tâm sự chuyện gì.
Hôm qua, anh nói muốn ly thân. Từ mai anh ấy sẽ vào cơ quan ở. Anh không muốn đi làm vất vả, về đến nhà lại phải nghe cô cằn nhằn và trách cứ. Cô đã rất cố gắng để chăm sóc con thật tốt… Cô cần chồng bên cạnh có gì là sai?... Nhưng giờ, hai người không còn tiếng nói chung nữa.
Thanh Tâm mong muốn truyền cho cô gái suy nghĩ lạc quan và vui vẻ lên. Bất kì gia đình nào cũng đều có những thời điểm khó khăn. Vợ chồng cô đang thiếu sự liên kết, sẻ chia. Cả 2 đều đang gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong đó có cả sự cô đơn. Chồng không hiểu những vất vả của vợ còn vợ không hiểu áp lực của chồng thì cả 2 dần xa nhau là điều đương nhiên.
Ly thân không phải là ly dị. Vợ chồng hãy cùng thay đổi và đặt mình vào vị trí của đối phương để cảm nhận và suy nghĩ. Thanh Tâm tin rằng, cuộc hôn nhân của họ sẽ sửa chữa được nếu biết nghĩ đến người kia.
Thanh Tâm