Đưa du khách Nhật Bản, Đài Loan trở về từ cõi chết

Tháng 2/2019, khi đang trên đường đi du lịch tại Hà Nội, một nam du khách 67 tuổi quốc tịch Nhật Bản đột ngột mất ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê. Bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao, không bắt được mạch, chân phải và tay bị thiếu máu.

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân người Pháp bị chấn thương chân ngày 26/4. Ảnh: SK&ĐS

Các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp, nếu không được can thiệp kịp thời, khả năng tử vong là gần như 100%.

Sau khi nhận được sự đồng thuận của gia đình bệnh nhân tại Nhật, công ty du lịch Việt Nam và Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, ca phẫu thuật đã được tiến hành.

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Tú, một trong những người trực tiếp tham gia ca mổ, đây là trường hợp có diễn biến nặng và phức tạp nhất trong 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạnh chủ loại A ông từng thực hiện.

Bệnh nhân Nhật Bản được chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: SK&ĐS

“Quá trình phẫu thuật diễn ra hết sức cam go, căng thẳng, kéo dài hơn 10 giờ, với hầu hết các kĩ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở, như: hạ thân nhiệt sâu (xuống 24 độ C), ngừng tuần hoàn tạm thời nửa người dưới, cấp máu não chọn lọc cả hai bên, sửa van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên bằng mạch nhân tạo, tưới máu chi chọn lọc rồi lấy huyết khối động mạch và mở cân cho chân phải để cố bảo tồn chi”, TS. Vũ Ngọc Tú cho biết.

Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, trưởng kíp mổ, sau phẫu thuật và hồi sức, bệnh nhân đã chuyển biến tích cực qua từng ngày. Tri giác đã cải thiện, có thể nhận biết người thân, chức năng thận phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt, không cần thở máy hỗ trợ, được rút ống nội khí quản. Gia đình bệnh nhân đã từ Nhật sang thăm và vô cùng xúc động, biết ơn các bác sĩ Việt Nam đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Trước ca phẫu thuật của bệnh nhân Nhật Bản, Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực bệnh viện Việt Đức cũng đã cứu sống một trường hợp nguy kịch đến từ Đài Loan. Đó là ông Hsu Tse Sheng, 73 tuổi.

Tương tự như trường hợp du khách người Nhật, ông Hsu có khả năng tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Sau khi trao đổi với người thân bệnh nhân và phía y tế Đài Loan qua đường ngoại giao, bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ca mổ.

Trải qua ca phẫu thuật Hybrid cấp cứu với nhiều công đoạn phức tạp như bắc cầu động mạch cảnh phải – cảnh trái – dưới đòn trái, nút gốc động mạch dưới đòn trái, phẫu thuật nội soi lấy máu cục trong khoang màng phổi,..., sau hơn 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã giành lại được sự sống cho bệnh nhân cao tuổi.

Vốn là một tỉ phú, sau khi xuất viện trở về quê nhà, ông Hsu đã ủng hộ 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỉ đồng) cho bệnh viện Việt Đức để hỗ trợ việc đào tạo bác sĩ lĩnh vực ghép tạng tại Đài Loan.

Chăm sóc người bệnh ngoại quốc, vun đắp tình hữu nghị

Trong thời gian qua, hàng trăm bệnh nhân nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Nam Phi, Lào, Trung Quốc đã được các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức cấp cứu thành công. Nhiều ca khó đã được can thiệp kịp thời tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực, Khoa thần kinh II,...

Tháng 1/2019, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã cứu chữa thành công cho kỹ sư Philippines bị nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh: BV Bãi Cháy

Ngay trong ngày hôm qua (26/4), bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu cho hai trường hợp người ngoại quốc đến từ Trung Quốc và Pháp bị chấn thương chân do tai nạn giao thông.

Không chỉ riêng bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh viện trung ương và địa phương của Việt Nam như bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh,... cũng đã cấp cứu kịp thời, hiệu quả cho các bệnh nhân đến từ Ý, Pháp, Estonia, bị tai biến tim mạch, tai nạn,...

Cuối tháng 2 vừa qua, nhiều người hâm mộ đã vô cùng bất ngờ và vui mừng khi bắt gặp Huấn luyện viên Park Hang-seo tới khám sức khỏe tại bệnh viện E Hà Nội.

Điều này đã chứng tỏ năng lực hệ thống y tế chuyên sâu của Việt Nam, có tiềm năng lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, nhất là trong bối cảnh lượng du khách quốc tế, người nước ngoài tới Việt Nam công tác, sinh sống đang tăng đáng kể, kéo theo sự gia tăng của nhu cầu chăm sóc về y tế.

Nếu tận dụng được lợi thế này, cộng thêm việc phát triển cơ sở hạ tầng y tế, đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên, trong tương lai không xa, ngành y tế sẽ không chỉ có vai trò cải thiện sức khỏe người dân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn sẽ góp phần tích cực vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

                                                                                                                                                                               Theo Thời Đại