Minh họa

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế” ngày 27/12 tại Hà Nội. Hội thảo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.

Năng lực còn yếu

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong cải tiến sản phẩm, song với trên 90% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, phần đông đều thiếu năng lực và kinh nghiệm phát triển thương hiệu. Thực trạng này là yếu tố không tích cực trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, trong xu thế hội nhập, để giữ vững được thương hiệu của mình, bà Ánh cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa từ công nghệ, trình độ quản trị, để không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà tiếp tục vươn ra thế giới.Đánh giá về 8 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận định, Cuộc vận động đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Người tiêu dùng đã quan tâm hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam; năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên và tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành phù hợp với người tiêu dùng.

Đại diện cho khối doanh nghiệp ngành bán lẻ, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long thừa nhận một thực tế rất nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa hấp dẫn được người tiêu dùng các nước do các doanh nghiệp chưa chú trọng về xây dựng về hình ảnh và thương hiệu.

“Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để hàng hóa, nông sản Việt Nam tham gia các tuần hàng tại các nước, đơn cử như Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam, chúng tôi thấy rằng các sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn yếu vì chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh bao bì chưa bắt mắt. Công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là với những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ”, ông Dũng lấy dẫn chứng.

Để không bị “hòa tan”

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị “hòa tan” trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Việt Nam.

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, bà Nga cho hay, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, đặc biệt đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt. “Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị đã lên đến hơn 70%. Tại một số siêu thị lớn như Big C, Coopmart, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90%”, bà Nga dẫn chứng.

Chia sẻ về giải pháp để doanh nghiệp hội nhập thành công, TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, không có giải pháp nào có thể phù hợp với mọi doanh nghiệp, với mọi loại hình kinh doanh mà từng cá nhân, từng doanh nghiệp cần chiến lược của riêng mình, con đường đi của riêng mình.Về lâu dài, để kết nối cung cầu tốt hơn, bà Nga cho rằng doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Vũ Bá Phú, với vai trò là cơ quan thường trực ​Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, Cục sẽ có nhiều hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp đề ra một số giải pháp hữu hiệu và các chương trình hành động nhằm đứng vững trong bối cảnh hội nhập.

Những thông tin nóng hổi từ Hội nghị và Triển lãm quốc tế về bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 18 (APRCE 18) mới được tổ chức tại Kuala Lumpur Malaysia tháng 10/2017 đã cho thấy có rất nhiều cơ hội và thách thức đang đợi chờ các nhà bán lẻ Việt Nam. “Chúng ta sẽ làm gì để chuyển đổi, sáng tạo và vượt xa hơn trong một thế giới năng động, biến đổi không ngừng và cạnh tranh mạnh mẽ?”, bà Loan đặt câu hỏi.

Qua nghiên cứu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Loan nhận định, để thay đổi ngành bán lẻ, nhất thiết phải có chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này và cần tập trung vào các vấn đề: Thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo; Tăng năng suất làm việc qua áp dụng công nghệ trong ngành phân phối – bán lẻ; Xây dựng một lực lượng lao động bán lẻ năng suất cao và sẵn sàng cho tương lai; Hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị trường để có thể kết nối với khách hàng mới từ khối ASEAN, và khắp thế giới…

Theo Thế giới và Việt Nam