Chị Nguyễn Thị Nga

Xuất thân từ gia đình nghèo, học đến lớp 4, chị Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã phải nghỉ học để đi làm thuê. Trong quá trình làm thuê trồng kiểng cho các gia đình trong vùng, chị Nga đã nảy sinh niềm đam mê với cây hoa kiểng và học hỏi được nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hoa từ các vị cao niên.
 
Năm 2007, chị mạnh dạn bàn với chồng phá bỏ hết vườn tạp, chuyển qua trồng kiểng lá, hoa tre; đồng thời mang sổ đỏ ra ngân hàng để vay 30 triệu đồng để sản xuất. “Lúc đó, tại xứ hoa kiểng Cái Mơn, chưa ai dám trồng loại này vì không biết thị trường như thế nào. Nếu thất bại, hai vợ chồng chắc phải đi xứ khác làm thuê kiếm sống”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga áp dụng quy tắc sản xuất từng bước, quy mô sản xuất ban đầu nhỏ sau tăng dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cần cù, chịu khó, năng động, nhạy bén nắm bắt thị trường, chị luôn săn tìm giống mới lạ, nhập về rồi nhân giống.
 
Sản phẩm của chị Nga luôn phong phú về chủng loại, số lượng sản phẩm bán ngày một tăng. Cùng với đó, chị Nga đã đến các cơ sở đặt làm các giỏ hoa bằng gáo dừa, vỏ ốc... để cho ra đời các sản phẩm hoa treo trông bắt mắt hơn, thân thiện với thiên nhiên.
 
Giai đoạn đầu tiên, chị Nga bán ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm/năm. Đến nay, mỗi năm, chị cung cấp ra thị trường hơn 500.000 sản phẩm, lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng/năm.
 
Sau 12 năm sản xuất, từ 3.000m2 đất, đến nay, diện tích đất sản xuất của gia đình đã tăng lên 15.000 m2. Chị còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 4,2 triệu đồng/người/tháng.
 
Bên cạnh đó, chị Nga còn hỗ trợ cho các hộ nông dân về kỹ thuật, cách làm, hỗ trợ giống để các hộ nông dân trong xã có thể tự làm tại nhà...
 
Trong thời gian tới, chị sẽ sắp xếp lại nơi sản xuất, mở lối đi để đón du khách đến tham quan miễn phí tại vườn, giới thiệu mọi người biết đến xứ sở “Vương quốc hoa kiểng, cây giống Cái Mơn” của huyện Chợ Lách.
 
Năm 2017, chị Nga là phụ nữ duy nhất trong 7 người được tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc”.

Huỳnh Phúc Hậu