Lan Anh và các du học sinh khác trong trường.

Ngày 10/10, Lan Anh, 19 tuổi, bắt đầu cuộc sống sinh viên tại Đại học Khoa học Ứng dụng Trung - Đức ở Thiên Tân, Trung Quốc. Điều đặc biệt là trước khi cô gái quê ở Thường Tín, Hà Nội này theo học, ngôi trường không có sinh viên Việt Nam.

"Ban đầu em không chọn học ở đây nhưng đã đổi ý khi biết chưa có người Việt nào theo học. Em muốn nâng cao khả năng ngôn ngữ nhanh hơn, nếu không có người Việt thì em sẽ không giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều", Lan Anh cho biết trong cuộc phỏng vấn với VnExpress

"Khi là người Việt đầu tiên đến học, em sẽ được đại diện cho đất nước và sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân", cô nói thêm.

Sự ngưỡng mộ với công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã thổi bùng đam mê của Lan Anh với ngành Logistics (Hậu cần). Tuy nhiên, Đại học Thương mại ở Hà Nội - ngôi trường cô theo học, không có ngành này. Lan Anh quyết định đi du học để theo đuổi đam mê và học thêm ngoại ngữ mới ngoài tiếng Anh.

Tìm hiểu về Đại học Khoa học Ứng dụng Trung - Đức thông qua một trung tâm du học, cô đã xin được học bổng miễn phí tiền học và chi phí ở ký túc xá. Người ứng tuyển phải tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm 6,5 trở lên và phải gửi kèm theo bảng điểm thi đại học.

Lan Anh gặp nhiều khó khăn trong hai tuần đầu tiên ở Trung Quốc. Cô tự làm mọi thứ, từ làm sim điện thoại cho đến tìm hiểu cách đi tàu điện ngầm, cách mua hàng trên trang mạng hay đi mua thiết bị phát wifi và tự cài đặt. Cô còn đánh rơi điện thoại ở cửa hàng tiện lợi của trường nhưng may mắn được trả lại.

Cô chưa học tiếng Trung trước khi sang Trung Quốc, vì vậy, ngôn ngữ là rào cản rất lớn. "Khi đi mua cục phát wifi, em nói bằng tiếng Anh nhưng không ai hiểu, em phải tìm hình ảnh để cho họ biết em muốn mua gì", cô cho biết. Nhà trường sau đó cử một sinh viên Trung Quốc để hỗ trợ nữ sinh Việt. 

Lan Anh chỉ học tiếng Trung trong năm đầu tiên và sang năm thứ hai mới học môn chuyên ngành. Tuy nhiên, cô đã được học thử một số môn như xác suất thống kê và nghe giải thích những khái niệm cơ bản của ngành.

"Thầy cô vừa giảng bằng tiếng Anh vừa giảng bằng tiếng Trung và cố gắng nói một cách dễ hiểu nhất. Dù vậy, vấn đề ngôn ngữ vẫn là trở ngại lớn", cô nói. "Do xem phim nhiều nên em có thể nghe nói tiếng Trung với trình độ tương đương các bạn học HSK3 (HSK là kỳ thi khảo sát trình độ tiếng Trung gồm 6 cấp độ) còn đọc viết thì em đang học từ từ".

Đại học Khoa học Ứng dụng Trung – Đức được thành lập vào năm 1985 với tên gọi Trung tâm Dạy nghề Trung – Đức. Trường này chuyển thành bậc đại học vào năm 2015, khiến nó trở thành đại học khoa học ứng dụng đầu tiên của Trung Quốc. Sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gợi ý việc xây dựng trung tâm dạy nghề ở các nước tiểu vùng sông Mekong, trường đã được giao đảm đương dự án xây dựng trung tâm dạy nghề Mekong – Lan Thương ở Campuchia, với mục tiêu hoàn thành cơ sở hạ tầng vào năm sau.Nữ sinh đã quen với đồ ăn nhiều dầu mỡ ở Trung Quốc nhưng chưa quen với thời tiết lạnh giá trong mùa đông ở đây. Cô thường xuyên phải dùng miếng dán giữ nhiệt để chống chọi với cái lạnh.

Năm 2017, trường có 54 sinh viên quốc tế đến từ Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Kazakhstan, học các ngành quản lý logistics, kỹ thuật cơ điện tử, quản lý du lịch và kỹ thuật âm thanh. Sau khi Lan Anh trở thành sinh viên Việt đầu tiên tại đại học này, trường đã đón thêm một nữ sinh Việt khác là Thảo Linh, sinh năm 1996, quê ở Thanh Hóa.

Lan Anh đã kết bạn với nhiều sinh viên bản xứ và quen tất cả du học sinh tại trường. Áo dài, Tết và cách cưới hỏi của người Việt là những chủ đề cô đã chia sẻ với bạn bè quốc tế. Bạn cùng trường biết chỉ có hai sinh viên Việt tại đây nên càng quan tâm và giúp đỡ họ nhiều hơn.

Niềm đam mê với ngành học khiến Lan Anh ấp ủ hoài bão lớn cho tương lai sau này. "Sau khi tốt nghiệp, em muốn mở một công ty vận chuyển, buôn bán hàng hóa lớn qua các nước", cô nói.

Theo VNExpress