Thu Trang có 7 năm kinh nghiệm kết nối thương mại đầu tư quốc tế và khởi nghiệp tại Việt Nam, 4 năm quản lý trong chuỗi cung ứng tại Mỹ và Trung Quốc. Trang từng giành học bổng thạc sĩ ngành chuỗi cung ứng tại Mỹ và hiện bảo vệ luận án tiến sĩ cùng ngành tại Đại học Tennessee (Knoxville), bang Tennessee.

Ngoài công việc nghiên cứu ở đại học, nữ thạc sĩ ngoài 30 tuổi đang chuẩn bị ứng cử cho vị trí giáo sư dự khuyết tại các trường nghiên cứu hàng đầu thế giới. Bận rộn nhưng Trang vẫn hỗ trợ một số ứng viên tiềm năng tìm kiếm học bổng và viết luận để xin hỗ trợ tài chính tại Mỹ. Trang chỉ ra 5 lỗi phổ biến khi viết bài luận.

Nhầm lẫn bài PS, SOP và SAI

Ba bài này giống nhau về mặt tổng quan nhưng điểm nhấn của từng bài lại khác nhau. PS (Personal Statement - Bài luận giới thiệu bản thân) tập trung nhiều hơn về cá tính, con người bạn, thường được viết dưới dạng những câu chuyện cá nhân, qua đó thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo, sự trưởng thành của bạn.

Trong khi đó, SOP (Statement of Purpose - Bài luận thể hiện động lực học tập) đi vào định hướng 5 năm, 10 năm của bạn. Khi yêu cầu ứng viên nộp SOP, các trường thường muốn thông qua đó tìm hiểu sự trưởng thành trong tư tưởng và suy nghĩ của ứng viên.

"Bài luận này yêu cầu về cá tính thì ít mà muốn bạn viết nhiều hơn về động lực phát triển bản thân, giải thích xem động lực đó khiến bạn muốn là ai, ở đâu sau 10 năm nữa. Sau đó, ứng viên phải nói rõ tại sao học ở trường bạn đang ứng tuyển là một bước để bạn tiến gần hơn đến hình ảnh 10 năm tới", Trang giải thích.

SOP cũng là câu chuyện nhưng phải dẫn đến động lực và mục tiêu 10 năm. Trong PS, bạn có quyền làm người mộng mơ (dreamer) vì đó là cá tính, nhưng với SOP, bạn phải nói đến hành động (actionable plan) để hiện thực hóa giấc mơ đó.

Thu Trang hiện bảo vệ luận án tiến sĩ ngành chuỗi cung ứng tại Đại học Tennessee (Knoxville), Mỹ. Ảnh: NVCC.

Bài luận SAI (Statement of Academic Intent - Bài luận về ý định học tập) dùng nhiều hơn khi ứng tuyển bậc học tiến sĩ, nhưng với một số trường, ứng viên thạc sĩ nghiên cứu (không phải MBA) cũng phải viết bài này.

Các trường muốn thông qua SAI để tìm hiểu sự hiểu biết, đam mê và nỗ lực tìm tòi của bạn về một ngành hẹp. Do đó, câu chuyện trong SAI thường ít đất hơn cho động lực nói chung mà dành nhiều thời gian để thảo luận về một vấn đề hoặc một rắc rối xảy ra trong quá trình bạn làm việc.

Trong rắc rối đó, bạn phải nêu đã tìm hiểu, đọc thêm về ngành hoặc phát triển quan hệ để học hỏi từ người có chuyên môn hơn như thế nào. Khi giải quyết được rắc rối đó, bạn cảm thấy cần đi học và cụ thể việc học tại trường đang ứng tuyển, sẽ giúp bạn cải thiện được phần nào trong kiến thức của mình.

"SAI không hẳn là đề xuất chủ đề nghiên cứu (Research Topic Proposal) cho bậc học tiến sĩ mặc dù nhiều trường hỏi chủ đề mà bạn muốn nghiên cứu trong phần này. SAI thực sự là một bài luận để tìm hiểu đam mê và sự tìm tòi trong ngành của bạn", Trang chia sẻ.

Diễn xuôi CV

Đây được xem là lỗi phổ biến, đặc biệt với những bạn quá ít hoặc quá nhiều kinh nghiệm. Các ứng viên ít kinh nghiệm thường nghĩ bài luận là chỗ để diễn giải những kinh nghiệm này một cách rõ ràng và hay ho. Tuy nhiên, nếu viết không khéo sẽ thành ra bạn quá ít kinh nghiệm nên phải nhắc đi nhắc lại.

"Thà bạn viết về một kỷ niệm nào đó ngoài việc đi làm (ví dụ làm từ thiện, tổ chức họp lớp) đã tạo nên con người và cá tính của bạn thì tổng chung bài luận làm cho hồ sơ của bạn mạnh hơn nhiều so với việc diễn giải cụ thể bạn đã làm gì trong những kinh nghiệm ít ỏi của mình", Trang khuyên.

Bạn cũng có thể chọn kể về một thất bại trong công việc gần đây, bạn đã phục hồi từ thất bại đó thế nào và sau khi phục hồi tại sao bạn lại quyết tâm đi học. Cách này khá mạo hiểm vì nếu viết dở sẽ làm hỏng hồ sơ. Nếu chọn viết về thất bại, bạn nên tìm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm viết và sửa hồ sơ.

Trường hợp có quá nhiều kinh nghiệm, các bạn thường có suy nghĩ bài luận là chỗ để nhấn vào những kinh nghiệm giá trị và qua đó thể hiện mình là một ứng viên xuất sắc, đáng được mọi thể loại học bổng. Điều này đúng vì kinh nghiệm của bạn là một trong những cái thể hiện sự xuất sắc nhưng nếu muốn đọc kinh nghiệm, hội đồng tuyển sinh đọc CV chứ không đọc bài luận.

Trang khuyên không nên diễn xuôi CV, hãy kể một câu chuyện mà từ đó bạn có thể dẫn tới bàn luận về tương lai tươi sáng, không phải quá khứ huy hoàng.

Giải thích quá nhiều hoặc đưa ra nhiều lý do

Một số bạn có điểm yếu trong hồ sơ nên hơi nhạy cảm về nó. Trang ví điểm yếu đó như "bị mụn". "Cái mụn" có thể là bạn từng học một bộ môn thạc sĩ tương tự trước khi ứng tuyển cho chương trình thạc sĩ này hoặc học đại học ở một trường có vị trí xếp hạng hơi thấp. "Mụn" này người khác không để ý lắm nhưng bạn lại mất tự tin.

Trong bài luận, bạn cố gắng giải thích cho "cái mụn" đó mà quên mất trường nhìn về tương lai nhiều hơn. "Việc giải thích này lợi bất cập hại vì có thể chẳng ai để ý đến cái mụn của bạn nhưng bạn giải thích thì tự dưng nó thành tâm điểm sự chú ý", Trang nói.

Nếu bạn giải thích không khéo, trường sẽ nhìn điểm này như là "lý do chỉ để hợp lý hóa cho lựa chọn sai lầm" của bạn. Trường hợp này, Trang đưa ra vài cách sửa như sau:

Cách thứ nhất: Nghĩ ra một câu chuyện mà "cái mụn" đó biến thành một bước hợp lý trong kế hoạch lâu dài cho tương lai của bạn.

Cách thứ hai: Thật thà nói rằng "cái mụn" đó là một thất bại và từ thất bại đó bạn trưởng thành hơn và lần này bạn định hướng được chính xác hơn cho mình.

Cách thứ ba: Bỏ qua "cái mụn" đó và nói về những cái khác thú vị hơn. Nếu họ có hỏi, bạn hãy tự tin nói rằng đúng là một quyết định hơi sai một chút nhưng bạn đã vượt qua nó và trưởng thành rồi nên sẽ không lặp lại lỗi lầm đó nữa.

Giọng văn tiêu cực

Các ứng viên thường được khuyên rằng khi viết bài luận cho trường Mỹ phải làm sao để bài luận thật cá nhân và lôi kéo được cảm xúc của người đọc. Nhiều bạn hiểu lầm rằng điều này có nghĩa là viết những từ mang tính chất cảm xúc cao để họ đồng cảm với mình và dễ cho bạn học bổng hơn.

"Tôi đồng ý với việc dùng những từ cảm xúc cao tích cực, ví dụ enthusiastic, nhưng lại đặc biệt phản đối những từ mang tính chất tiêu cực, ví dụ frustrated", Trang cho hay.

Theo Trang, những từ tiêu cực cũng thể hiện tiêu cực về bạn. Vậy nên, bạn có thể chuyển đổi cảm xúc tiêu cực thành hành động tích cực và dùng thái độ trung tính với những chuyện tiêu cực.

Cách viết bài luận thể hiện bạn hiểu sai về ngành đang ứng tuyển

"Nếu bạn ứng tuyển thạc sĩ chuyên môn và bậc học tiến sĩ, đây là lỗi chết người nhất", Trang cho biết.

Bạn ứng tuyển ngành chuỗi cung ứng nhưng bài luận lại trình bày "operations efficiency - hiệu suất hoạt động" của ngành quản lý công nghiệp (industrial engineering, operations management) hoặc phân tích hoạt động doanh nghiệp (business analytics) chứng tỏ bạn không có hiểu biết sâu sắc về ngành muốn học.

Gần đây nhất Trang xem một bài ứng tuyển cho ngành Văn hóa chính trị phương Đông, nhưng trong bài những câu chuyện cá nhân mà ứng viên kể lại thể hiện rằng bạn không hiểu về lý thuyết Nho giáo.

Theo Trang, ứng viên cần đọc nhiều nghiên cứu về ngành mình học trước khi ứng tuyển để xem bạn có hiểu đúng về ngành không. Một bài luận mạnh có thể cứu cánh điểm SAT, GRE và GMAT không đạt chuẩn. Tuy nhiên, để có một bài luận như vậy, bạn phải thực sự hiểu bản thân và lưu ý những lỗi sai trên.