Trần Thanh Nhân Đức, 26 tuổi, quê Bình Định, là du học sinh theo học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus tại châu Âu. Tháng 8 năm nay, Đức sẽ trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Virginia (top 25 Mỹ) theo học bổng toàn phần 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) trong 5 năm. Từ trải nghiệm bản thân và kinh nghiệm làm cố vấn cho nhiều ứng viên, Đức đưa ra một số lý do khiến ứng viên bị từ chối hồ sơ du học.

Kể câu chuyện chung chung

Năm 2021, tôi làm mentor cho hai người nước ngoài, một ở Pakistan và một ở Mỹ Latin, giúp họ giành học bổng Erasmus Mundus ngay trong năm. Một năm trước đó, họ trượt cả ba chương trình Erasmus Mundus. Khi xem hồ sơ, tôi thấy cả hai mắc lỗi giống nhau: dùng một bộ hồ sơ với câu chuyện chung chung.

Hồ sơ du học thạc sĩ Erasmus Mundus yêu cầu có Motivation Letter (Thư động lực). Ứng viên chia sẻ lý do muốn du học, định hướng sau khi tốt nghiệp. Motif thường được chọn là kể khổ, tôi đi học về và sẽ giúp đất nước. Theo tôi, công thức này chưa đủ ấn tượng. Bạn nên có câu chuyện riêng cho từng trường hợp, cho thấy bạn vừa hiểu bản thân, vừa hiểu ngành hoặc chương trình đang ứng tuyển.

Năm 2020, tôi trúng tuyển hai chương trình Erasmus Mundus là "Tin học thủy văn và quản lý tài nguyên nước" (Hydroinformatics and Water Management), "Môi trường biển" (Marine Environment). Từng học ngành Xây dựng công trình thủy tại Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), kiến thức nền của tôi tương thích với ngành thứ nhất và gần như lệch hoàn toàn với ngành sau. Vì thế, tôi phải làm hai bộ hồ sơ khác biệt.

Với "Tin học thủy văn và quản lý tài nguyên nước", tôi tìm bảng điểm ở bậc đại học, chọn ra năm môn điểm cao và sẽ được học chuyên sâu ở bậc thạc sĩ. Sau đó, tôi tìm liên kết giữa chương trình đại học và chương trình đang apply để làm nổi bật sự hấp dẫn của ngành, đồng thời chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết và khả năng ứng dụng kiến thức sắp được học tại Việt Nam. Với câu chuyện này, tôi cho hội đồng tuyển sinh thấy mình đã tìm hiểu về chương trình, những gì họ có, khả năng học những môn họ đào tạo, hiểu được kiến thức sắp học sẽ giúp giải quyết vấn đề gì.

Còn chương trình "Môi trường biển", tôi phải làm theo hướng khác. Tôi lên một số trang như Cousera, Linkedin tìm khóa học ngắn hạn, liên quan đến các môn sẽ được dạy trong chương trình này. Sau khi hoàn thành, tôi được cấp chứng chỉ và đưa vào hồ sơ.

Ở Thư động lực, tôi thẳng thắn thừa nhận ngành mình đã học không liên quan đến chương trình sắp tới (nếu trúng tuyển). Sau đó, tôi đề cập đến việc học thêm chứng chỉ và nhận ra một số vấn đề cần giải quyết liên quan đến ngành này, cũng như cho thấy khả năng chủ động học hỏi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Liệt kê dàn trải

Ứng viên người Mỹ Latin mà tôi tư vấn, học về tài nguyên nước ở đại học và muốn tiếp tục bậc thạc sĩ ngành này. Trong thời gian đợi xin học bổng, bạn đi dạy tiếng Anh và đề cập phần này trong kinh nghiệm làm việc.

Đây là lỗi chung của nhiều người. Trong lúc apply, bạn có thể làm thêm, nhưng chỉ nên liệt kê những gì liên quan đến ngành sắp học và giúp ích cho quá trình xin học bổng. Không phải lúc nào viết hết thành tích, kinh nghiệm cũng tốt, nhất là khi nó không liên quan đến ngành bạn nhắm tới.

Thay vào đó, cần xem kỹ chương trình yêu cầu gì, giáo sư ở lĩnh vực đang nghiên cứu đề tài nào. Trong hàng trăm hồ sơ, nếu giáo sư bắt gặp ứng viên có cùng mối quan tâm hoặc có công trình liên quan đến những gì đang nghiên cứu, họ sẽ chú ý hơn.

Trước khi làm hồ sơ xin học bổng tiến sĩ, tôi có năm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí, hội nghị, đều liên quan đến nước mặt. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về các công trình nghiên cứu của giáo sư tại Đại học Virginia (Mỹ) - nơi dự định apply, tôi thấy các đề tài đều xoay quanh nước ngầm. Đây cũng là hướng tôi dự định theo đuổi chuyên sâu. Do đó, ngay ở kỳ II của chương trình thạc sĩ, tôi đã đăng ký các môn học liên quan, là nền tảng để nghiên cứu về nước ngầm như Quản lý tài nguyên nước (Water and Aquatic Environment Management), Mô hình số cho nước ngầm (Groundwater modelling).

Hồ sơ của tôi thể hiện được hai yếu tố: duy trì việc viết và công bố nghiên cứu đều đặn, cho thấy khả năng chủ động học về một mảng hoàn toàn mới nếu cần thiết. Đây là chiến thuật để tôi thuyết phục giáo sư và trường cho học bổng, thay vì liệt kê dàn trải các thành tích khác.

Đức Trần đang trong thời gian làm thực tập sinh thạc sĩ tại Đại học Virginia, Mỹ, nơi cậu sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ vào tháng 8 năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Trần đang trong thời gian làm thực tập sinh thạc sĩ tại Đại học Virginia, Mỹ, nơi cậu sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ vào tháng 8 năm nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiết kế CV ngẫu hứng

Yếu tố này thuộc về kỹ năng mềm và nó rất có giá trị. Trước khi apply một học bổng, bạn nên tìm hiểu phong cách thiết kế hoặc mẫu CV phổ biến tại lĩnh vực hoặc quốc gia đó.

Chẳng hạn, với học bổng Erasmus Mundus, bạn nên thiết kế CV theo phong cách châu Âu, nhưng không phải mẫu mới nhất mà là mẫu sử dụng trong giai đoạn 2003-2010. Bởi những tiến sĩ, giáo sư của hội đồng tuyển sinh đã quen với mẫu CV này trong nhiều năm. Khi đọc một thứ quen thuộc, họ sẽ dễ dàng nắm bắt thông tin, đồng thời cảm thấy gần gũi. Tôi biết điều này trong quá trình trao đổi với các giáo sư ở bậc thạc sĩ. Hiện các thầy người Pháp và Ba Lan ở trường đại học của tôi vẫn dùng CV theo chuẩn châu Âu 2003-2010.

Để thiết kế CV trực tuyến, bạn có thể truy cập địa chỉ Europass. Tuy nhiên, mẫu hiện dùng trên trang này là mẫu mới. Do đó, sau khi hoàn thành CV, bạn cần đầu tư thời gian một chút: tải về bản pdf, chuyển sang word và chỉnh sửa theo mẫu cũ bằng cách tham khảo hình ảnh mẫu cũ trên Google.

Không chuẩn bị kỹ các câu trả lời phỏng vấn

Tùy chương trình và bậc học, bạn sẽ trải qua một cuộc phỏng vấn. Đây thường là bước cuối cùng, quyết định xem bạn có trúng tuyển hoặc nhận được học bổng hay không. Bạn nên phản hồi ngay khi nhận được email, có mặt đúng giờ và trang phục lịch sự.

Theo tôi, trừ những ngành liên quan đến y dược, nếu được chọn phỏng vấn, khoảng 70-80% là bạn đã trúng tuyển. Thông qua buổi trò chuyện này, hội đồng tuyển sinh sẽ cân nhắc việc cấp học bổng. Do đó, họ thường hỏi "Nếu được chấp nhận nhưng không có hỗ trợ tài chính, bạn có học không?".

Nếu trả lời "Có, tôi sẽ tự trả tiền học", khả năng cao họ sẽ không hỗ trợ tài chính. Vì vậy, nếu thật sự cần học bổng, không nên trả lời theo cách này. Nếu là tôi, tôi sẽ cảm ơn vì nhận được lời đề nghị, nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép, tôi đành từ chối và sẽ apply lại vào năm sau.

Câu hỏi phổ biến thứ hai: "Học xong bạn sẽ làm gì?". Nếu phân vân giữa hai ứng viên nhưng chỉ còn một suất, hội đồng tuyển sinh thường hỏi câu này. Đây cũng là câu hỏi mở, đòi hỏi sự khôn khéo.

Trước buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu về tiểu sử, lý lịch của giáo sư sắp phỏng vấn cùng những công trình, đề tài nghiên cứu mà họ làm chính trong 2-3 năm gần đây. Sau đó, liên kết với những gì đã viết trong Thư động lực, đề cập đến vấn đề bạn quan tâm (chính là vấn đề xuất hiện trong nghiên cứu của giáo sư), liên hệ với thực trạng tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn khắc phục.

Nhìn chung, để giành học bổng, ngoài năng lực, bạn cần làm được hai việc: hiểu bản thân và hiểu chương trình mình nộp.

Theo vnexpress