mình.

Du học sớm khi còn nhỏ có phải là nguyên nhân dẫn đến những stress, trầm cảm? Chìa khóa nào để du học thành công?

 
leftcenterrightdel
 

Du học sinh lớp 10 ngày đầu tiên đến trường và làm thủ tục nhập học tại một trường của Mỹ

BẢO THẮNG

Nước mắt người mẹ

Chúng tôi gặp chị K. trong một sự kiện tại TP.HCM. Cô bé M. (13 tuổi), con chị rất xinh xắn, hoạt bát. Không ai ngờ rằng cô bé qua Anh du học từ năm 9 tuổi ấy đã trải qua một thời gian rất khó khăn, tưởng không thể du học tiếp, mẹ phải đi tìm khắp các trường tại TP.HCM xin học trở lại cho con.

“Như nhiều phụ huynh khác, tôi nghĩ rằng cho con đi học ở nước ngoài càng sớm càng tốt để có thể tiếp thu kiến thức tốt, hòa nhập với môi trường sống mới. Nhưng nếu được chọn lựa lại, không bao giờ tôi cho con một mình du học khi còn quá nhỏ như vậy”, chị K. kể. Theo lời người mẹ, xa gia đình khi mới 9 tuổi, những khác biệt về văn hóa, môi trường sống khiến bé M. có lúc bị cô lập. Ở nội trú, sự căng thẳng, sợ hãi của đứa trẻ càng tăng cao khi M. không biết chia sẻ với ai. Muốn mẹ luôn yên tâm, tự hào về mình, nghĩ rằng mẹ đã vất vả kiếm tiền cho mình đi học, cô bé càng không dám kể, mẹ gọi điện cũng không bao giờ khóc.

Quan điểm của tôi khi con còn nhỏ, các con phải có cha mẹ ở cùng. Và chắc chắn con phải rành về tiếng mẹ đẻ, hiểu về nguồn gốc, văn hóa của mình trước khi muốn khẳng định bản thân ở nền văn hóa khác.

Chị Nguyễn H.T (trú Q.7,TP.HCM)

“Một đợt, con về thăm nhà và tôi thấy con như một người khác. Con thích ở một mình, ngủ cũng nằm co rúm người, quay mặt vào bức tường và luôn sợ hãi khi tôi chạm vào người. Muốn ôm con, tôi phải xin phép. Trong lòng tôi đau đớn vô cùng. Một buổi tối, tôi trò chuyện với con, bảo con thương mẹ thì xin đừng giấu mẹ bất kỳ điều gì, con bất ngờ ôm chầm lấy tôi và òa khóc nức nở nói: “Mẹ ơi, con muốn ở VN luôn. Mẹ cho con ở nhà với mẹ. Mẹ đừng bắt con quay trở lại trường nữa”, chị K. xúc động. Người mẹ còn đau đớn hơn khi nhìn thấy những vết sẹo trên tay con - dấu vết của những lần con lấy dao tự rạch tay mình.

Chị K. đưa con đến bác sĩ để khám, điều trị trầm cảm. Chị cũng tìm trường ở TP.HCM, xác định cho con học trong nước, nhưng cuối tháng 10 vừa qua, khi đã ổn định tâm lý trở lại, bé M. đã lên đường trở lại Anh, kèm lời dặn dò của mẹ “bất cứ khi nào con gặp khó khăn và muốn trở về, thì mẹ sẽ luôn chờ con. Điều quan trọng nhất với mẹ là con”.

Cho con du học khi tiểu học, THCS

Không phải đợi tốt nghiệp lớp 12, cho con du học ở độ tuổi tiểu học, THCS là lựa chọn của nhiều phụ huynh. Anh P.N (trú Q.1, TP.HCM) cho con du học Úc từ năm 10 tuổi.

Anh P.N quan niệm nếu xác định cho con học ĐH và đi làm ở nước ngoài thì nên để con qua đó du học sớm, từ đó sự thích nghi cả về ngôn ngữ, văn hóa cũng sẽ nhanh nhạy hơn.

 
leftcenterrightdel
 
Một du học sinh lớp 10 có ba mẹ và em trai đưa đến tận trường làm thủ tục nhập học

BẢO THẮNG

Tuy nhiên, anh P.N cho biết khi xác định cho con du học lúc còn nhỏ, anh và vợ đã phải tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng để vợ anh đi cùng con qua Úc, vừa làm việc vừa chăm sóc, nuôi dạy con. Anh P.N ở VN nhưng thường xuyên trao đổi, chia sẻ cùng con. “Bây giờ bé hòa nhập rất nhanh ở môi trường mới, luôn có kết quả học tập tốt, hoạt động ngoại khóa năng nổ ở trường. Trẻ vị thành niên sẽ có những thay đổi lớn về tâm sinh lý nên không thể nào tách rời khỏi cha mẹ, người thân ruột thịt của con ngay”, anh nói.

Theo anh P.N, quan điểm của anh là nếu không có người thân bên cạnh, thì độ tuổi lý tưởng để con du học là trung học. Và bạn trẻ đó cần phải được chuẩn bị, rèn luyện để có được tâm sinh lý vững vàng, sự độc lập, chủ động được trong cuộc sống, có thể tự lo được cho bản thân từ những sinh hoạt đời thường cho tới chủ động trong việc kết nối, giao lưu với bạn bè, thầy cô…

Cũng xác định cho con du học sớm, thời gian qua, gia đình chị Nguyễn H.T (trú Q.7, TP.HCM) đã chuẩn bị nhiều thứ để hai con trai (8 và 11 tuổi) du học Úc thời gian tới. Ba của 2 bé sẽ đi cùng các con.

“Bên cạnh việc học tiếng Anh từ mẫu giáo, tôi cho hai con học những thứ mà các con thích như piano, trống, xe đạp biểu diễn và còn học thêm tiếng Việt để viết - nói trôi chảy. Con học trường quốc tế từ nhỏ, vốn tự lập, xung quanh có các bạn đến từ nhiều quốc gia nên quen thuộc với môi trường đa văn hóa. Tuy nhiên, quan điểm của tôi khi con còn nhỏ, các con phải có cha mẹ ở cùng. Và chắc chắn con phải rành về tiếng mẹ đẻ, hiểu về nguồn gốc, văn hóa của mình trước khi muốn khẳng định bản thân ở nền văn hóa khác”, chị Nguyễn H.T nói.

 Du học sớm dễ bị trầm cảm?

Thế nào là “sớm”? Và cứ du học sớm thì dễ trầm cảm, khó thành công? Tiến sĩ Lê Bảo Thắng cho rằng không có cột mốc du học “sớm” hay “muộn” mà là thời điểm phù hợp với mỗi người, mỗi gia đình.

Tiến sĩ Thắng còn nhớ hơn 10 năm trước anh đã hỗ trợ một cậu học trò du học Mỹ năm 11 tuổi - trường hợp hiếm hoi đạt visa du học Mỹ độ tuổi này. Trong khi ba mẹ còn khóc đỏ mắt ở sân bay, cậu bé khoác một chiếc ba lô, dù bịn rịn nhưng cậu đi thẳng tới chỗ ba mẹ nói “thưa ba mẹ con đi” rồi một mạch bước tới cửa an ninh. “Hình ảnh đó rất đáng yêu, giờ tôi vẫn nhớ. Cậu bé vẫn giữ liên lạc với tôi. Nay cậu ấy đã 22 tuổi, đi làm và sống ở một tiểu bang khác, rất thành công”.

“Tuy nhiên cũng có một bạn du học năm 18 tuổi, khi mới qua bị căng thẳng kéo dài và trầm cảm, bỗng một ngày bạn lao ra đường lúc 1 giờ sáng, may là được hỗ trợ kịp thời. Gia đình ở VN được báo tin thì hốt hoảng, cha mẹ bạn đã khóc rất nhiều và cầu cứu tôi làm sao cho bạn về VN ngay. Tôi trấn an gia đình và nhờ những người bạn của mình đang sống tại Mỹ, họ lái xe tới chỗ bạn và trò chuyện, động viên, thường xuyên trao đổi cùng bạn. Nhờ vậy, bạn đã vượt qua giai đoạn khó khăn, dần dần hòa nhập tốt”, tiến sĩ Thắng kể.

Chị Nguyễn Thị Bích Hậu, người mẹ có con du học Mỹ bằng học bổng từ trung học, tác giả nhiều cuốn sách như Đồng hành du học cùng con; Du học cho con nhà nghèo; Du học đừng để tiền mọc cánh…, cho biết việc du học sinh gặp khó khăn ở nước ngoài, lo âu, trầm cảm không chỉ gặp ở các bạn nhỏ, mà ngay cả người trưởng thành. Và việc trầm cảm cũng không nhất thiết chỉ đến khi vừa tới đất nước mới, mà còn có thể xảy ra vào giữa hay cuối của thời gian học.

Có con gái du học Mỹ khi vừa học xong lớp 10 tại TP.HCM, tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, cho hay ở góc độ một người cha, anh yên tâm khi con du học ở độ tuổi trung học vì lúc này con có thể tự lập, chủ động trong cuộc sống ở ký túc xá nhà trường, bản lĩnh vững vàng hơn, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả về thể chất, tinh thần.

Tuy nhiên, cậu con trai đang học lớp 6 của anh cũng rất mong được du học Mỹ sớm, vì từng qua đây du lịch và rất thích. Có lần một trường của Mỹ về VN tổ chức hội thảo, anh Thắng cho con đến, bạn đứng lên hỏi liệu mình có cơ hội học tại đây không. Khi được nói trường chỉ nhận du học sinh từ lớp 8, bạn đứng lên nói dõng dạc bằng tiếng Anh “em biết là em nhỏ tuổi, nhưng thầy có thể cho em một cơ hội được không. Em sẽ chứng minh thầy không sai khi chọn em”.

“Tôi có niềm tin ở con trai mình, từ nhỏ con đã rất tự lập, bản lĩnh, biết quan tâm tới mọi người, nên dù con đang 11 tuổi, nếu tìm được một ngôi trường thật sự tốt, tôi sẽ cho con du học”, tiến sĩ Thắng chia sẻ.

Theo Thanh niên