1. Học phí

Hầu hết cơ sở giáo dục đại học ở Pháp được tài trợ bởi nhà nước, do đó sinh viên thường chỉ phải đóng góp một khoản phí nhỏ tùy thuộc vào bậc học.

Các trường đại học công lập ở Pháp tính phí trung bình 170 euro mỗi năm cho chương trình cử nhân, 243 euro cho thạc sĩ, 380 euro cho tiến sĩ và 611 euro để theo học một trường kỹ thuật.

Đối với sinh viên quốc tế bậc đại học, học phí sẽ là 2.770 euro mỗi năm, nghiên cứu sau đại học là 3.770 euro.

Để theo học tại một trong những trường đại học tư thục có chọn lọc cao của Pháp, sinh viên có thể trả 500- 600 euro mỗi năm, một số trường học phí lên đến 10.000 euro (258 triệu đồng).

Ảnh: Campus France

Ảnh: Campus France

2. Chi phí chỗ ở

Chỗ ở tại Pháp nhìn chung rẻ hơn nhiều nước châu Âu khác, nhưng cũng phụ thuộc vào từng thành phố. Sinh viên có một vài lựa chọn như ký túc xá sinh viên, ở chung căn hộ hay homestay (ở nhà của người bản xứ).

Giá thuê trung bình một căn hộ studio (cho một hoặc hai người) là 575 euro mỗi tháng, 660 euro cho căn hộ một phòng ngủ, 200-800 euro cho homestay (tùy thuộc vào địa điểm và đã bao gồm ít nhất một bữa ăn mỗi ngày).

Các trường đại học ở Pháp cung cấp chỗ ở có tên cités-U với giá rẻ (một số chỉ khoảng 120 euro mỗi tháng) và chúng được quản lý bởi Trung tâm phục vụ sự nghiệp đại học và giáo dục phổ thông khu vực (CROUS). Do giá rẻ, nhu cầu sinh viên ở đây rất cao và các trường sẽ lựa chọn sinh viên vào ở dựa trên các tiêu chí xã hội hoặc dành cho sinh viên theo diện trao đổi, học bổng.

Ngoài ra, một số tổ chức tư nhân cung cấp các khu nhà ở cho sinh viên như Résidences Estudines, CLEF và ADELE.

Sinh viên có thể nộp đơn xin trợ cấp từ Quỹ hỗ trợ gia đình (Caisse d’Allocation Familiale - CAF) địa phương để nhận một khoản hỗ trợ tiền thuê nhà. Có thể không phải lúc nào bạn cũng đủ điều kiện được nhận nhưng cứ đăng ký vì không mất phí và nếu được chấp nhận, bạn có thể nhận lại tới 35% tiền thuê nhà hàng tháng.

3. Các chi phí thiết yếu khác

Ngân quỹ dành cho điện, gas, Internet trung bình hàng tháng là 60 euro và chi phí kết nối Internet trung bình 25 euro mỗi tháng, phân chia cho những người thuê nhà.

Sách và các tài liệu học tập khác có thể 50-100 euro một tháng. Nộp tiền vào quỹ tương hỗ bảo hiểm y tế rất được khuyến khích và phí là 20-50 euro mỗi tháng, tùy thuộc loại bảo hiểm.

Hóa đơn điện thoại hàng tháng trung bình 25 euro nhưng một số giao dịch trực tuyến chỉ là 10 euro mỗi tháng.

Một lít xăng khoảng 1,65 euro và thẻ đi phương tiện công cộng theo tháng khoảng 70 euro. Cho thuê xe đạp một chặng phổ biến ở nhiều thành phố của Pháp. Sinh viên có thể thuê xe đạp thông qua hệ thống Vélib. Còn chi phí trung bình cho một hành trình khứ hồi trên TGV (tàu tốc hành) đến một thành phố khác là 25 euro, khi đặt trước.

Luôn luôn đáng để nghiên cứu các lựa chọn thẻ đi lại dành cho sinh viên, chẳng hạn ở Paris, Carte Imagine R không giới hạn dành cho sinh viên là 38 euro mỗi tháng, rẻ hơn 32 euro so với những người không phải sinh viên.

4. Chi phí sinh hoạt không bắt buộc tùy theo lối sống

Chi phí mua sắm trung bình 60-250 euro mỗi tháng. Một bữa ăn ở Pháp trung bình 12 euro và vé xem phim thường là 9 euro, dù luôn có giá vé rẻ hơn cho sinh viên - khoảng 6 euro.

Một chiếc Big Mac (hamburger) giá 8 euro với một vại bia 5 euro. Chi phí thành viên phòng tập thể dục trung bình hàng tháng là 37 euro.

Hầu hết sinh viên nên dành ra 600-800 euro mỗi tháng để trang trải cho ăn uống, đi lại và nhà ở, tại thành phố lớn như Paris thì phải dành nhiều hơn một chút.

Theo luật của Pháp, bất kỳ sinh viên nước ngoài nào muốn học tập tại quốc gia này phải chứng minh được họ có đủ nguồn lực tài chính: 615 euro mỗi tháng hoặc 7.318 euro mỗi năm, để tự trang trải cuộc sống mà không cần phải làm việc. Con số này chỉ là ước tính. Thực tế, một số khu vực cần mức cao hơn, chẳng hạn ở Paris phải 1.100 euro một tháng.

Tuy nhiên, nếu lập ngân sách cẩn thận, một sinh viên có thể sống với 600 euro một tháng. Một điều tuyệt vời cho sinh viên là hệ thống nhà ăn của trường đại học phục vụ các bữa ăn giá chỉ 3 euro.

Pháp được biết đến là một trong những quốc gia giảm giá tốt nhất cho sinh viên nên việc giảm giá luôn là điều đáng hỏi, cho dù bạn đang ở nhà hàng, cửa hàng quần áo, phòng trưng bày hay bảo tàng. Nhiều phòng trưng bày và bảo tàng hoàn toàn miễn phí cho người dưới 26 tuổi.

Theo vnexpress