Những vườn dừa ở Bến Tre


Ở Bến Tre, những vườn dừa bạt ngàn tập trung ở các huyện phía tây như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm. Toàn tỉnh có tới hơn 70.000 hecta đất trồng dừa, cho năng suất gần 600 triệu trái mỗi năm, dẫn đầu cả nước. Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre có sự phát triển khá nhanh với những sản phẩm đa dạng, tiêu thụ khoảng 85% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn. Về Bến Tre thấy dừa và các sản phẩm từ dừa hiện diện khắp các làng quê

Cơ sở sản xuất kẹo Đất Dừa của anh Tám Trung nằm ở ấp Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Nơi đây, anh cùng với các thành viên trong gia đình tự tay nấu kẹo dừa theo phương pháp thủ công. Bên chiếc lò đun cơm dừa đang sôi sùng sục là một dãy bàn dài nơi những người thợ đang thoăn thoắt gói kẹo dừa. Chị Trần Thị Hường, vừa liên tục gói kẹo, vừa giới thiệu về các công đoạn làm kẹo dừa: "Trước tiên là mình lấy cơm dừa rồi xay dừa, ép lấy cốt rồi mới cho lên chảo đánh khoảng 45 phút rồi lấy xuống, để cho nguội rồi mình mới chà. Chà xong thì xắt ra từng viên nhỏ  rồi gói lại, vào khuôn, vô bịch. Làm thủ công tất cả".

Hằng ngày, cơ sở sản xuất kẹo Đất Dừa đón hàng trăm khách du lịch nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu cách làm kẹo dừa và mua sản phẩm. Những lúc đông khách, anh Tám Trung, nhiệm vụ chính là phải coi sóc toàn bộ hoạt động của cơ sở, nhưng vẫn không rời mắt khỏi lò đun cơm dừa đang tỏa nhiệt. Vừa đảo cơm dừa trên bếp, anh Tám Trung vừa cho biết: "Vùng đất Bến Tre này chủ yếu là cây dừa. Cây dừa mình sử dụng được hết toàn bộ luôn, từ trái, thân cho đến lá. Thân thì mình làm đồ mỹ nghệ. Trái thì mình dùng cơm dừa làm kẹo, gáo thì làm than hoạt tính, nước dừa thì làm nước mầu, xác dừa thì ép lấy làm dầu dừa hoặc làm thức ăn cho cá".

Tại cơ sở làm kẹo dừa của anh Tám Trung còn bày bán vô vàn đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa như: giỏ để trồng hoa, đồ giữ nóng để bình trà, đồng hồ, những con thú ngộ nghĩnh như khỉ, voi, heo, gà, chim cánh cụt... Những sản phẩm này do người dân ấp Tân Thạnh xung quanh đó làm ra. Ông Tư Đằng, người làm ra những bức tượng từ thân cây dừa, cho biết: "Nói chung là trồng dừa thì xưa kia thu nhập kinh tế không cao lắm nhưng được cái nó ổn định. Bởi vì các sản phẩm từ dừa thì mình đều có sử dụng hết như ngày xưa thì củi cũng sử dụng củi dừa, lá dừa thì để nhóm lửa. Hoặc dừa còn để làm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm cũng làm từ dừa. Nhưng mà dừa mà để làm được thủ công mỹ nghệ đó thì phải là cây dừa cỡ 40 năm tuổi".

Đối với những người như anh Tám Trung, ông Tư Đằng, chị Thu Nguyệt, cây dừa gắn bó thiết thân với cuộc sống của họ tự thuở nào. Cây cầu dừa mộc mạc bắt nhịp đôi bờ, kết nối tình xóm giềng, se duyên cho đôi lứa. Rồi từ mái lá dừa, gáo dừa múc nước đơn sơ, dừa đi vào thơ ca, dừa lập nên chiến tích oai hùng của một thời chiến tranh khói lửa giữ nước. Cây dừa ẩn hiện dáng vóc của người Bến Tre, lúc hiền hòa, lãng mạn, lúc rắn rỏi hiên ngang. Chị Nguyệt cho biết: "Nói chung là cây dừa rất hiền hòa, rất gần gũi với người dân địa phương. Ta thường nghe bài hát “Dáng đứng Bến tre” thì đó là dáng đứng cây dừa. Dáng cây dừa thể hiện truyền thống, bản chất của người dân xứ dừa, rất là hiền hòa, rất là thân thiện, mến khách".Chị Phan Thu Nguyệt cũng làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Chị khẳng định: "Cuộc sống của người dân ở đây được cải thiện rất tốt nếu làm hàng thủ công mỹ nghệ này. Ví dụ họ tận dụng thời gian rảnh rỗi đan những cọng dừa làm lồng đèn trang trí rất đẹp. Hoặc họ cũng có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Họ có thể mài, đục đẽo để làm ra các sản phẩm".

Đồ mỹ nghệ từ dừa

Không biết cây dừa đã làm nên Bến Tre hay Bến Tre đã làm nên cây dừa. Dẫu thế nào thì từ trước đến nay, dừa đã là một phần thân thuộc trong cuộc sống của người dân miệt vườn Bến Tre.Trò chuyện với anh Tám Trung, ông Tư Đàng, mới biết tỉnh Bến Tre có cả một ngành công nghiệp sau dừa. Cây dừa được người Bến Tre sử dụng hữu ích. Từ rễ dừa, cây dừa, gáo dừa, củ hủ dừa, xơ dừa, lá dừa…cho đến đuông dừa, chuột dừa cũng có giá trị xuất khẩu và ẩm thực. Những sản phẩm dừa tại Bến Tre có mặt tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng năm đem về cho tỉnh 200 triệu USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Theo VOV5