leftcenterrightdel
 Bà ngoại tác giả bên ruộng đậu già

“Mấy đứa đâu hết rồi, ra ăn đậu phộng bây!”. Giữa khoảng sân đầy đất cát, ngoại ngồi trên cái chõng tre vang đều tiếng kẽo kẹt, tay khuấy cơi trầu, miệng nhai nhóp nhép. Tụi trẻ con nghe tiếng ngoại vội phủi phủi chân cho rớt mấy hạt cát len trong đôi dép nhựa, đứa ngồi chồm hổm, đứa xếp bằng ngay ngắn, có đứa một chân trên chõng, một chân còn dưới đất mà mắt đã ngước lên, tập trung vào nồi đậu phộng còn vấn vương mùi rơm hương củi.

Tháng Chạp về đâu chừng mười ngày nửa tháng, nhà nhà bắt đầu gieo từng hạt giống cho vụ đông xuân, chăm sóc tựa em bé cho đến lúc vươn cành ngăn ngắn với đám lá tròn tròn xanh xanh. Sau gần 2 tháng đậu trổ hoa, nhìn xa xa như ai đó đang dệt hoa rực sắc vàng; lại gần, hương thơm tỏa ra từ hoa đậu thật dịu dàng.

Bẵng đi chừng già tháng nữa, qua bao ngày xuống nước, nhổ cỏ chen chân, đám đậu xanh non ngày nào rục rịch trở mình, lá bắt đầu đốm vàng rồi trở dần sang nâu, rũ xuống. Hạt đậu được bao bọc bởi lớp vỏ rắn chắc, có hạt còn lém lỉnh nhô lên cả mặt đất. Khi ấy, đậu náo nức báo hiệu cho mùa thu hoạch đến. Để cho chắc, cứ vài ba hôm ngoại sẽ nhổ 1 gốc đậu lên, đứng giữa vườn cắn thử. Thấy ngoại gật gật đầu là tôi biết mùa đậu bội thu đã cận kề. Đậu vừa rời đất mẹ có vị ngon ngọt đến mức ai đã một lần thử sẽ chẳng bao giờ quên.

Đó cũng là thời điểm hè sang nên đám trẻ trong làng đứa nào cũng háo hức ra ruộng nhổ đậu phộng. Nhà không trồng đậu chúng cũng í ới nhau ra đồng, vừa phụ việc vừa hòa cùng niềm vui chung của những ngày thu hoạch. Chốc chốc có đứa hét to “Mẹ ơi, con sâu cắn con” rồi kéo ống quần lên chạy thật xa mới dám ngoảnh đầu lại nhìn xem con sâu có đuổi theo không.

Hình ảnh đi mót đậu lấp lánh bao nụ cười thơ trẻ trong ký ức tôi. Trẻ con tay cầm thúng cầm bao đi dọc đi ngang khắp các ruộng đậu để thu hoạch, đứa nào quần cũng ống thấp ống cao, đầu tóc loe ngoe óng ánh mấy sợi vàng, nhanh chân lẹ tay như sợ đứa đằng trước sẽ được phần béo bở. Cả đám tranh thủ nhà nào vừa giũ xác cây đậu về ủ phân thì lân la lại gần. Mấy hạt già hôm qua còn vương dưới gốc nay đã ráo hơn, chúng tôi vội lặt lấy đem về phơi để dành.

Đậu phộng dân dã mà làm được bao nhiêu là món. Nào là luộc, rang, nấu canh, chiên mắm rồi làm cả kẹo. Hồi đó chưa có điện, cả nhà thường ngồi quây quần bên chiếc đèn dầu be bé, rổ đậu phộng vừa luộc nghi ngút khói bay lên như làn mây trắng ngà ngà. Không biết rổ đậu ngon vì chắc hạt hay ngon vì không khí xóm giềng cùng bao thế hệ gia đình bên những câu chuyện ngắn dài xoay quanh mùa đậu.

Giữa những đêm ngắm trăng tròn, tự nhiên nỗi nhớ tuổi thơ cứ theo nhau ùa về. Và trong muôn ngàn nỗi nhớ ấy, đậu phộng luộc với vị béo béo, bùi bùi như món ăn kết nối tình thân. Chợt như đâu đó vang vọng bên tai tôi câu hát nặng nghĩa tình “Miền Trung đất bồi phù sa. Người miền Trung gian khó nhiều đời qua”. Ừ, miền Trung - quê hương tôi đó. Tôi khắc ngóng trông ngày về mà nhớ da diết mùa đậu già. Trăng cứ dần lên cao, giọng người cười nói năm xưa ngỡ như lời ru đám trẻ vào giấc ngủ đêm hè.

Theo phụ nữ TPHCM