Những phiên chợ nổi được hình thành như một thói quen di chuyển trên sông nước của người dân ĐBSCL, từ Ngã Năm, Ngã Bảy xuôi dọc sông Tiền qua sông Hậu rồi chảy dài tận miệt thứ Cà Mau, các phiên chợ nổi sầm uất giúp giao thương từ nông thôn ra thành thị. Những sản vật đặc trưng của vùng đất chín rồng màu mỡ cứ lênh đênh theo ghe, vỏ lãi hay những chiếc xuồng ba lá mà xuôi theo con nước lớn ròng qua từng kênh, rạch để đến với mọi người.

Một số chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây được biết đến nhiều như: chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Bảy ở Hậu Giang, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Long Xuyên ở An Giang, chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Phong Điền ở Cần Thơ. Trong đó, chợ nổi Cái Răng đông đúc hơn cả...

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 1.

Bình minh trên chợ nổi Cái Răng. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 2.

Ghe thuyền tấp nập trong màn sương buổi sớm. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 3.

Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao. BÙI VĂN HẢI

Truyền thống giao thương tại chợ nổi Cái Răng vẫn tiếp tục được gìn giữ, nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh xáng Xà No. Từ ngày mới lập chợ hơn trăm năm trước, ghe tàu tập trung mua bán ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông là Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, nằm kế chợ Cái Răng trên bờ. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời về phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600 mét.

Cái Răng là tên gọi xuất phát từ câu chuyện thời xa xưa khai hoang, lập ấp. Tương truyền, vùng sông nước này có một con cá sấu dạt vào đây với trạng thái răng đang ghim sâu vào bờ đất. Từ đó, người ta gọi quen dần và dùng tên Cái Răng để đặt cho chợ nổi.

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 5.

Một đoạn sông đông đúc ghe thuyền những ngày tháng 9.2023. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 6.

Khung cảnh tấp nập dù cho trăm năm đã vắng đi rất nhiều. BÙI VĂN HẢI

Không giống những khu chợ trên đất liền, hầu hết các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ họp khi tờ mờ sáng. Tầm 3 giờ sáng, những ánh đèn theo ghe lớn nhỏ, vỏ lãi, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược chở hàng lấp loáng theo những kênh rạch quây quần tại chợ nổi.

Chợ bắt đầu với những thanh âm rộn rã tiếng chào hàng hỏi thăm nhau từ người bán, người mua. Những ghe tàu không chỉ từ trong vùng, tại chợ nổi Cái Răng có nhiều thuyền bè của những lái buôn từ Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng đổ dồn về đây cùng họp chợ. Sau khi nhận hàng thì ghe, thuyền tỏa theo các ngả, thường tới 10 giờ sáng là vãn chợ.

Vì thế, đi chợ nổi mọi người nên có mặt thật sớm, mua vé thuyền tham quan chợ từ bến Ninh Kiều, bến phà Xóm Chài hay chạy thẳng ra chợ nổi Cái Răng đều được. Giá vé dao động trên dưới 200.000 đồng/người tùy đi nhiều hay ít.

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 7.

Xuồng bán trái cây xuôi theo dòng nước trên chợ nổi. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 8.

Hàng hóa đa dạng trên các xuồng, ghe. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 9.

Mua bán hàng hóa từ thuyền lớn đến ghe nhỏ. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 10.

Những ghe hàng với đặc trưng nhận biết là cây bẹo phía trước. BÙI VĂN HẢI

Đối với những ai đến chợ nổi lần đầu chắc chắn đều cảm thấy tò mò và thích thú bởi hình ảnh cây bẹo được treo trước mỗi đầu ghe. Mục đích sử dụng cây bẹo là để quảng cáo mặt hàng mình cần bán, thường bán thứ gì sẽ treo lên cây bẹo thứ đó. Cây bẹo thường được làm bằng tre, bẹo càng dài, trang trí càng đẹp càng dễ thu hút người mua nhận biết mà tìm tới. Đây là phương thức mời chào mua hàng đơn giản, gần gũi và rất đặc trưng của vùng sông nước.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể thuận lợi treo trên cây bẹo, ví dụ những con cá nhỏ sẽ khó thấy từ xa, hay như những trái dừa, trái sầu riêng... nặng thường sẽ để trước mũi ghe.

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 11.

Những chiếc ghe chở du khách đông đúc vào sáng sớm. BÙI VĂN HẢI

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 12.

Du khách đến để khám phá nét độc đáo của cách buôn bán riêng biệt ở miền Tây. BÙI VĂN HẢI

Đến với chợ nổi, mọi người nên chuẩn bị cho mình một cái bụng đói để thưởng thức bữa sáng thật ngon ngay trên xuồng, ghe. Rất nhiều món ăn được phục vụ tận chỗ như bún riêu, bún mắm, bún nước lèo, bánh canh, hủ tiếu, cơm tấm, bánh tằm, bánh mì thịt… nóng hổi, thơm phức và có cả cà phê, nước trà, nước trái cây, dừa tươi… để mọi người tha hồ lựa chọn.

Người bán ngồi lọt thỏm giữa ghe tay thoăn thoắt cho ra tô bún riêu, tô hủ tiếu nóng hổi, ngon lành cho thực khách. Còn gì bằng khi ngồi trên ghe dập dềnh buổi sớm mai, thưởng thức một tô hủ tiếu, làm ly cà phê sóng sánh ngắm cảnh thuyền qua lại râm ran cả một vùng.

Ngoài ra, bạn còn có thể ngồi trên ghe thưởng thức trái cây, từ những loại trái cây như xoài, ổi, mận, chuối được cô năm, dì bảy chào bán trên những chiếc ghe tam bản.

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 13.

Du khách thưởng thức bữa sáng trên ghe ở chợ nổi. BÙI VĂN HẢI

Chợ chỉ họp buổi sáng đến tầm 9 - 10 giờ thì vãn. Lúc này, ghe, thuyền tỏa đi các hướng khác nhau, để lại khung cảnh sông nước tĩnh lặng, đến sáng sớm hôm sau mới nhộn nhịp trở lại.

Những chiếc ghe thương hồ khác sẽ tấp vào bờ chuẩn bị cho phiên sáng ngày hôm sau. Những người rày đây mai đó gắn bó với chiếc ghe con nước, họ là người đi buôn chuyến đường sông, cuộc sống của họ, giản dị trên các ghe thuyền đầy nông sản.

Chợ nổi Cái Răng - nét duyên của vùng đất Nam Bộ - Ảnh 14.

Toàn cảnh chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao. BÙI VĂN HẢI

UBND TP.Cần Thơ vào tháng 6 vừa qua đã ký ban hành quyết định về việc thành lập Ban quản lý (BQL) nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch.

Theo Thanh niên