leftcenterrightdel
 Dòng nước xiết do lũ từ thượng nguồn đổ về làm sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)

Những ngày đầu tháng 9, nước ta dồn dập những tin tức không may. Cơn bão Yagi như một trận cuồng phong quét qua các tỉnh miền Bắc ngày 7 và 8/9. Mọi người chưa kịp hoàn hồn, những ngổn ngang vẫn còn đó thì dồn dập những tin tức sáng 9/9 cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sập, núi lở ở Yên Bái, xe khách bị vùi lắp trong vụ sạt lở ở Cao Bằng...

Tôi nghẹn lòng, bần thần khá lâu với dòng thông tin trên Facebook: Dì H. sáng nay sau khi dự lễ tang tại quê nhà, trên đường trở về đi qua cầu Phong Châu vào giờ cầu bị sập. Nay đã tìm thấy xe và hành lý của dì dưới sông Hồng cách đó khoảng 10km...

Cầu sập là chuyện quá hi hữu. Trong đoạn video được quay từ camera hành trình của chiếc xe phía sau, một xe tải lên cầu và đổ ập xuống sông lúc nhịp cầu gãy. Tai họa bất thình lình xảy ra trong thời tiết trời quang đãng, không ai hình dung ra được!

leftcenterrightdel
 Người phụ nữ khóc ngất sau khi được lực lượng chức năng thông báo, cho xem hình ảnh lúc cầu sập. Chị nhận ra đúng chiếc xe người thân của mình đã rơi xuống dưới.

Tôi nhớ lại câu chuyện của gia đình mình.

3 tuần trước, một buổi trưa tôi đang chợp mắt thiu thiu thì có chuông điện thoại của con gái: “Mẹ ơi, con bị tai nạn giao thông, đang ở Bệnh viện Sài Gòn”. Tôi nghe tin mà hồn xiêu phách lạc. Hỏi ra mới biết cháu đang đi với tốc độ xe máy bình thường thì có một xe hơi đậu hơi lấn ra đường, có người trong xe mở cửa bất thình lình về bên trái, cháu không né được, tung vào cánh cửa xe và ngã xuống đường.

Gia đình người chủ xe đưa cháu vào bệnh viện gần nhất. Khi cháu gọi cho tôi là đang chờ chụp phim. Sợ tôi lo lắng, cháu trấn an: “Mẹ bình tĩnh nhen. Chỉ có chân con không đứng được thôi chứ thân thể không bị gì”.

Tự nhiên khi ấy tôi thật bình tĩnh. Đầu tiên tôi lấy tiền mặt bỏ vào bóp, lấy thêm một thẻ ATM dù điện thoại tôi có thể thanh toán tiền được. Tôi chỉ mang thêm vài thứ cần như chai nước, giấy tờ tùy thân rồi đi xe ôm vào bệnh viện. Trên đường đi trong tôi tràn ngập một sự hối hận vì tối hôm trước mẹ con có cãi nhau vài chuyện vặt vãnh. Con tôi được tính mau quên, hay bỏ qua, nhưng tôi là mẹ thì cứ băn khoăn mãi.

Thật may mắn, con tôi chỉ bị bong gân, chỉ cần đi nạng giữ thẳng chân trong 2 tuần. 2 tuần con dưỡng bệnh, tôi lại thấy có một điều may mắn khác là mẹ con cùng làm việc ở nhà, thỉnh thoảng trao đổi về tin tức hay công việc. Có nghĩa là từ cái may mắn là cháu không bị thương nặng dẫn đến cái may mắn khác là cháu làm việc ở nhà, mẹ con có cơ hội ăn uống, nói chuyện với nhau, thông cảm nhau hơn... Cũng là điều hiếm có lâu nay giữa chúng tôi.

Tôi nghĩ đến những nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu. Có thể họ đã có buổi sáng chào tạm biệt vui vẻ người thân để đi làm, cũng có thể tối hôm trước họ đã có trận cãi nhau với người thân... Mới đó mà bây giờ đã không biết cha/mẹ/anh/chị/em mình còn sống hay đã mất, có phép màu nào xảy đến hay không?

Tai họa vẫn chưa dừng lại, các bản tin chiều ngày 9/9/2024 cho hay: ngoài những tin tức về tai nạn sạt lở đất ở Cao Bằng, Lào Cai, còn có những tin về các hộ dân bị ngập nhà, đổ tường, sạt taluy, hoa màu bị ngập úng. Tai nạn sập cầu ở Phú Thọ chưa xác định được con số thương vong chính thức và miền Bắc thì tiếp tục mưa lớn, lũ các sông lên nhanh.

Biết nói thêm gì giờ đây khi mà thiên tai vẫn đang hoành hành khiến bao nhiêu người có khi chưa kịp nói lời thương yêu đã mất đi người thương yêu. Trong cuộc sống, có rất nhiều câu chuyện mà người trong cuộc kể lại với lòng hối tiếc, thương đau vô hạn.

Sống để yêu thương - thông điệp nhẹ nhàng quá, ai cũng biết nhưng thực hiện không dễ. Ai cũng hiểu rằng gia đình là nơi để nói lời yêu thương, nhưng đôi khi chúng ta để lại biết bao nhiêu ân hận...

Theo phụ nữ TPHCM