3 anh em Thư đều đi làm xa nhà, ở những thành phố khác nhau. Hành trình mưu sinh chốn quê người không đơn giản chút nào. Khi đã đủ ăn, đủ mặc, anh em Thư lại hướng tới những nấc thang mới: mua nhà để an cư, đầu tư cho tương lai con cái, tích lũy để phòng thân lúc về già…

Ban đầu, cha mẹ Thư đều ủng hộ con cái ra đời đi làm đúng ngành nghề mà chúng theo học. Quê nhà chỉ có vườn tược, đâu thể chắp cánh được cho những ước mơ con bay xa. Nhưng đến khi có tuổi, bệnh tật rủ nhau tới, căn nhà rộng thênh thang chỉ có cha mẹ tự xoay xở với nhau lúc trái gió trở trời.

leftcenterrightdel
 Có con, tuổi già của cha mẹ vẫn cô quạnh (ảnh minh họa)

Ngày bố phát bệnh, đã có mẹ ở bên cạnh chăm bố nên anh em Thư cũng ít về. Thư có dặn mẹ có chuyện gì thì gọi, Thư sẽ về liền. Mẹ biết anh em Thư đều ở xa, cuộc sống còn nhọc nhằn gian khó, nên cũng không muốn bệnh của cha mẹ làm ảnh hưởng đến con.

Tuy vậy, mỗi lần nghe thông tin từ cuộc điện thoại của mẹ, anh em Thư đều tức tốc đặt vé máy bay bay về. Đặt vé gấp, bao giờ giá cũng cao hơn. Vài lần như thế, mẹ xót tiền của anh em Thư khó nhọc kiếm nơi xứ người nên những cuộc gọi của mẹ thưa thớt hơn, nếu có, cũng chỉ là những ngôn từ tích cực: "Nay bố ngồi dậy được rồi, chiều có đi mấy bước ra đến vườn hóng gió…".

Rồi bố đột ngột mất. 3 anh em Thư thất thần quay về, đớn đau vì chẳng kề cận được bố trong giai đoạn khó khăn nhất, cả cái nắm tay níu kéo chút hơi ấm cuối cùng. Trong những khoảnh khắc cuối đời, bố có thấy buồn tủi khi chẳng có đứa con nào bên cạnh? Hẳn ánh mắt của bố vẫn dõi ra cổng mong thấy bóng dáng con quay về? Mẹ nói đỡ đi, rằng bố ra đi thanh thản lắm. Nhưng đó vẫn là mất mát to lớn nhất giáng xuống anh em Thư. Tiền tài, công danh, sự nghiệp bỗng chốc biến thành vô nghĩa, khi chẳng thể nào dùng nó để níu kéo hơi ấm từ sự sống của đấng sinh thành.

3 anh em Thư nhìn nhau như thấu hiểu nỗi tâm can của những đứa con xa nhà. Đến khi mẹ nằm xuống, cô em gái Thư về thường xuyên, nỗi ám ảnh sự ra đi của cha Thư vẫn còn nguyên đó. Nhưng căn bệnh của mẹ chưa đến thời kỳ nguy hiểm, mà mỗi đứa con đều có công việc với những trách nhiệm cho gia đình nhỏ của mình, cho tương lai phía trước. Mẹ lại khuyên từng đứa con rời quê nhà để lo cho công việc, mẹ tự lo liệu, hoặc có chuyện gì đã có chú thím ở sát vách nhà. Anh em Thư lại lần lượt rời đi.

Cuộc điện thoại của thím gọi cho Thư giữa đêm, báo mẹ vừa đi rồi. Thư đau đớn khóc không bật thành tiếng. Cô trở về trong chuyến bay sớm nhất. 3 anh em gục đầu vào nhau nấc nghẹn. Cô em của Thư tự trách mình bất hiếu. Em nói rằng: “Biết vậy em bỏ hết, về quê xin việc hay buôn bán gì cũng được, để chăm cha mẹ. Chắc cha mẹ buồn anh em mình lắm, hả chị?”.

Thư nhìn lên di ảnh của cha mẹ trong làn khói trắng, lòng cô cũng rối bời không biết mình đã sai từ khi nào, trong quyết định rời quê nhà đi học xa, rồi ở hẳn thành phố.

Một người chú trong nhà hiểu tình cảm của 3 anh em Thư dành cho cha mẹ, chú khuyên 3 anh em Thư hãy sống cho phần đời của mình, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, đó đã là báo hiếu cho cha mẹ rồi. Nếu ở trong hoàn cảnh của cha mẹ Thư, chú cũng không trách giận gì con cái…

Hôm Thư chia sẻ với chị bạn đồng nghiệp. Chị ấy đã lớn tuổi, gia đình rất đông anh em, nhưng mỗi khi mẹ bệnh, một mình chị hăng hái đi chăm mẹ. Chị nói với Thư: “Chăm sóc cha mẹ già thì hãy xem mình như con một, như vậy mới vẹn toàn được”.

Đó là bài học muộn màng mà Thư nhận được. Mong sao bất cứ người con nào cũng hiểu rằng, được chăm sóc cha mẹ lúc về già là phước phần của mình, để khi cha mẹ rời cõi tạm, lòng mình sẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

Theo phụ nữ TPHCM