Anh Dũng - chồng chị - là tài xế xe container. Anh giỏi nghề, thu nhập tốt, nhưng anh không bao giờ có mặt ở nhà quá 2 ngày và vắng mặt trong hầu hết những tình huống ngặt nghèo nhất của gia đình.

Lần đầu ba má chị phản ứng với con rể là khi chị mang thai đứa con đầu. Thai mới 30 tuần đã dọa sinh, chị phải nằm dưỡng thai 2 tháng trời. Ba mẹ giục chị gọi chồng về. Anh cũng về, nhưng chỉ ở nhà được 1 ngày là lại sửa soạn đi tiếp.

Anh nói: “Anh nhờ Thúy (em ruột anh) lên chăm em, việc nhà mình sắp xếp được, nhưng hàng nông sản của công ty cần xuất đi đúng hẹn mà không tìm được tài xế để làm thay”. Thời đó, tài xế container đâu dễ kiếm. Chị hiểu anh, nhưng tất cả những người còn lại đều trách anh “coi công việc hơn tính mạng của vợ con”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sinh con xong, chị vẫn một mình lo liệu. Mỗi năm anh ở nhà tầm 20 ngày. Dù mỗi lần về nhà, anh đều tranh thủ lo chuyện nhà cửa, nhưng chẳng bõ bèn gì so với những ngày tháng chị một mình chăm lo, đưa đón con cái, vừa đi làm, nỗ lực, thăng tiến…

Lần đầu nhận được lời khuyên “đổi chồng” là khi đứa con thứ hai của chị gặp tai nạn. Con bé nằm viện 2 tháng, anh Dũng chỉ chăm được 10 ngày. 50 ngày còn lại anh vẫn chạy xe “vì không có ai thay”. Nhìn chị đầu tắt mặt tối, người thân lẫn bạn bè vừa thương xót, vừa bất bình. Lý lẽ của mọi người là chị còn quá trẻ, lại giỏi giang, không việc gì phải chịu đựng một cuộc hôn nhân với người chồng vắng mặt.

Mọi người hay nửa đùa nửa thật: “Bà Thủy yêu ông Dũng, còn ông Dũng thì yêu cái vô lăng”. Nhiều người cố tình mai mối cho chị gặp người này người kia, song chị không quan tâm, vẫn lẳng lặng làm việc của mình. Mỗi lần anh về, gia đình vẫn rạng ngời theo kiểu “gia đình 2 con, vợ chồng hạnh phúc”.

Ngày chia tay cơ quan để về hưu, chị gây chấn động vì lần đầu chia sẻ về những suy tư công việc, hôn nhân, hạnh phúc. Theo chị, làm nghề nào cũng có sự đánh đổi. Chị nhận mình may mắn làm nghề kế toán, một công việc khá thường thức và không phải đánh đổi nhiều. Nhưng chị biết ngay trong công ty cũng có những bạn có những chuyên môn đặc thù hơn, phải đánh đổi nhiều hơn.

Nói đến đó, chị liên hệ đến công việc của chồng mình. “Chồng tôi là tài xế đường dài, vợ chồng phải xa nhau suốt. Có lúc vất vả quá, tôi cũng muốn chồng bỏ nghề và anh đồng ý. Nhưng lúc sắp nộp đơn nghỉ việc, anh nói một câu khiến tôi thay đổi hoàn toàn: “Tài xế lái container thì thường phải trên 24 tuổi - tuổi đã có gia đình, mình nghỉ thì vẫn có những gia đình khác phải chịu cảnh xa nhau thôi, vì xã hội vẫn rất cần công việc này”.

Nghe chồng nói vậy, chị Thủy liền hỏi anh mấy câu hỏi trọng tâm, rồi kết luận rằng anh phù hợp, lại nhiệt huyết với nghề. Hơn nữa, chị vẫn có anh trong những cuộc gọi hằng đêm, vẫn kết nối với anh qua những chuyện kể, tâm tình.

Chị phân tích: “Việc nhà có vất vả thật, nhưng nhà chị thuộc nhóm may mắn khi mọi thành viên đều khỏe mạnh, con cái chăm ngoan. Nếu một người cha như vậy chê nghề lái xe đường dài thì người cha nào sẽ phải làm cái nghề đó?”.

Rồi, chị quyết định xem nghề của anh như một “nhiệm vụ cao cả”, vợ chồng cùng lên kế hoạch cho những gánh nặng gia đình, rồi ai vào việc nấy. Bằng cách đó, chị vượt qua 30 năm hôn nhân đầy phi lý trong mắt mọi người.

Chị rưng rưng khi khoe với mọi người rằng bây giờ anh cũng nghỉ hưu theo chị. Từ nay, anh chị sẽ sống đời vợ chồng son. “Hôn nhân mỗi người mỗi cảnh. Có những thứ mọi người thấy chẳng đáng để đánh đổi, nhưng chỉ cần tôi và chồng thấy xứng đáng là được” - chị nói.

Lời chia tay của chị được các đồng nghiệp trẻ bình chọn là “diễn văn nghỉ hưu xuất sắc nhất mọi thời đại”. Nó không chỉ lý giải cho công cuộc làm vợ “không thể hiểu nổi” của chị, mà còn gợi mở cho tất cả những người trẻ đang hoang mang với công việc.

Chẳng cần biết lý lẽ của chị Thủy có đúng không, nhưng có đúng hay không cũng không quan trọng nữa. Nhất là khi 2 người trong cuộc đã cùng nhau đi đến cùng niềm tin đó, để bây giờ viên mãn bên nhau. 

Theo phụ nữ TPHCM