Cha gã có một chiếc rương gỗ, đã rất cũ. Nói theo kiểu của các nhà buôn đồ cũ, rương có “ngoại hình tàn phai theo năm tháng”. Đối với gã mà nói thì đó chính xác là một thế giới bí mật về gia đình mình, mỗi khi mở ra là một lần gã biết thêm nhiều thứ hoặc ngẫm lại nhiều điều.

Mẹ gã giữ chiếc rương ấy kỹ lắm nên dù đi qua khói lửa chiến tranh, qua bao lần chuyển nhà, thuê trọ, nó vẫn an nhiên nằm cạnh đầu giường ba mẹ, thường chỉ được mở vào những dịp quan trọng.

leftcenterrightdel
 

Ngày gã còn bé, chiếc rương là vật cấm kỵ, tuyệt đối không được đụng tới nên luôn phải chờ đến khi có dịp, mẹ kéo rương ra, gã sẽ xáp lại cạnh bên để được “nhòm ngó gia tài” của ba mẹ bên trong. Đương nhiên, không có tiền hay vàng gì trong đó cả, mà dẫu có thì thằng bé thôn quê thuở ấy cũng đâu biết dùng. Trong rương cũng chẳng có đồ chơi hay bánh kẹo, chỉ là những xấp giấy đã rất cũ, nhiều chỗ loang lổ.

Mẹ lấy ra tờ giấy khai sinh của chị Hai - tờ giấy đã rách nát sau khi bị gấp làm 8 và có lẽ từng bị ướt, giờ được ép nhựa cẩn thận. Rồi mẹ kể, ngày đó, chị mới biết bò, bò loanh quanh nhà và bị điện giật đến tím tái. Mẹ chỉ kịp ôm chị chạy ra đường, vừa khóc vừa vẫy đại mọi chiếc xe. May nhờ có chiếc xe nhà binh chạy ngang đã đưa thẳng mẹ và chị vào viện quân y và chị đã được cứu sống. Đến nay đã hơn 50 tuổi, trên lưng chị vẫn còn nguyên vết sẹo của tai nạn điện giật thuở nào.

Nhưng rồi cũng tờ giấy khai sinh ấy, vào một dịp khác, mẹ sẽ lại kể câu chuyện khác về chị Hai. Trong kho ký ức của mẹ, từng sự kiện của mỗi đứa con đều vẹn nguyên qua năm tháng.

Cầm tờ giấy ra viện của gã, mẹ kể hồi đó gã bị phù thũng, phải nằm bệnh xá cả tháng trời, ngày nào cũng có y tá tới chích kim vô đùi, rút bớt dịch ra. Riêng đoạn ký ức này thì gã cũng nhớ - nhớ ngày ấy đùi mình toàn vết kim, lấm tấm đen; nhớ cả cảnh ông anh đến thăm nhưng không được vào, vì không có người lớn đi kèm. Anh đứng ngoài cổng rào lưới B40 bệnh xá, luồn tay qua mắt lưới, nắm tay gã thật chặt, nói: “Ráng mấy bữa nữa là em được về thôi, đừng có sợ!”.

Album ảnh gia đình cũng được lưu trữ trong rương, sau mỗi bức ảnh đều có bút tích của ba ghi chú về sự kiện ấy hoặc đôi khi là một câu thơ như lời nhắc nhở con. Tỉ như tấm ảnh 2 anh em - anh của gã - chụp trong Thảo cầm viên Sài Gòn, mặt sau đề: “Tình ruột thịt muôn vàn thắm thiết/ Nghĩa đệ huynh muôn thuở nào phai”. Ồ, trong chuyến đi chơi ấy, ba còn lưu tấm ảnh của gã - một chú bé gương mặt bầu bĩnh, đội cái mão giấy, ngồi trên lưng sư tử đá trông thật ngầu, thật khác xa với gã hôm nay. Mẹ cười: “Hồi đó dễ thương chứ ai như con bây giờ - ốm nhách, dài thòng”.

Dù từng được xem nhiều “gia tài” ba mẹ cất trong rương, duy có một thứ mẹ vẫn cấm tiệt không cho gã đụng đến - cuốn sổ to khổ A4, bìa cứng bọc vải xanh rêu. Mẹ nói: “Chừng nào con lớn, mẹ cho coi”.

Gã đã chờ rất lâu, rất lâu cho đến khi mình lớn và… tự xem nội dung trong đó mà không đợi “mẹ cho coi”. Nó không giống nhật ký mà là những ghi chép của ba - chuyện thời chiến tranh ba đã bị bắt, tù đày như thế nào, chuyện ngày xưa ông bà nội dắt ba đi coi mắt vợ ra sao và cả chuyện ba đã sắp xếp… hậu sự cho mình, dặn dò các con mỗi đứa sẽ làm gì làm gì. Gã ngồi đọc từng chữ. Ba đã viết vào thời điểm gã chưa xuất hiện trên đời, dặn các anh phải làm đám tang thật đơn giản, đừng bày vẽ chi rình rang.

Gã vừa có 2 cô con gái song sinh. Cầm nguyên tập hồ sơ dày cộp của con gồm giấy khám thai, phiếu kết quả siêu âm, kết quả xét nghiệm máu, giấy ra viện, đơn thuốc… gã quyết định sẽ sắm cho con mỗi đứa một cái rương “gia bảo”, lưu lại hành trình con đến với cuộc đời này và trưởng thành. Gã sẽ cất vào đấy ảnh con sơ sinh - da kề da với mẹ, lần đầu được hộ lý tắm… và chắc chắn sẽ còn nhiều nhiều thứ nữa, như bình sữa con từng dùng, đôi vớ sơ sinh, ảnh con vào lớp Một...

Ít nhất, gã nghĩ, mai này nhìn lại, chắc con sẽ vui lắm. Hơn thế, gã mong các con mình mai này sẽ yêu thương nhau, như luôn có nhau trong từng kỷ niệm gã đã giữ lại.

Theo phụ nữ TPHCM