Câu chuyện tôi sắp kể ra đây được tôi “quên“ gần 10 năm nay và sẽ giữ nguyên trong ký ức một người làm cha nhưng bất chợt thấy có cuộc thi viết về “Cha và con gái" trên báo điện tử Gia đình Việt Nam đang được các tầng lớp bạn đọc háo hức tham gia… tự dưng tôi lại muốn viết, không phải để thi thố; mà chỉ muốn gửi một bài học đến với các bậc làm cha khi con gái rượu của mình… trót dại.
Thú thực, trong cuộc đời làm cha, làm mẹ, ai không mong cho con cái được học hành chu đáo, có cuộc sống ổn đinh, có hạnh phúc gia đình. Kết thúc của tuổi trưởng thành phải là tấm bằng Đại học cho được “bằng anh, bằng em". Nhà tôi có hai người con, một trai (1992) và út gái (1994). Nhà ở ngay trung tâm thành phố nên có điều kiện để các cháu đến trường. Vợ chồng tôi chăm chỉ lao động để nuôi các cháu ăn học và luôn căn dặn “bố mẹ chỉ còn biết trông vào sự học của các con", ý muốn các con phải chăm chỉ học tập để sau này đỡ vất vả.
Năm 2010, anh đầu bước chân vào Đại học, năm 2012 em gái ra Hà Nội vào giảng đường cùng anh, gia đình tôi trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc xen chút tự hào. Giờ phút con gái tôi nhận tin báo đủ điểm vào đại học, có lẽ tôi không bao giờ quên. Cháu đang ngồi trên máy tính, tự nhiên hét lên một tiếng thất thanh rồi ngã xuống sàn nhà, vợ tôi lo lắng chạy lại ôm con tưởng có mệnh hệ gì… nhưng không, con gái tôi vừa khóc, vừa nhoẻn miệng cười "Con đỗ đại học rồi". Cả nhà tôi vui lắm, vỗ tay reo hò, mong đến ngày cuối tuần để đi tắm biển, mừng con gái đổ vào đại học.
Gia đình con gái út
Thế rồi, theo học được hơn hai năm ở Trường Đại học Kỹ thuật và Công nghiệp Hà Nội, một ngày tháng 4 năm 2014, con gái tôi bất ngờ nhắn tin cho mẹ: “Mẹ ơi, con đã trót dại, xin bố mẹ tha thứ…". Vợ tôi như chết lặng, cú sốc nặng về tinh thần làm cho vợ suy sụp... Ngày đó, tôi đang theo một đoàn Cựu Chiến Binh Hà Tĩnh về thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khi đang ở địa danh đồi A1, tôi nhận được cuộc gọi của vợ “Bố bình tĩnh nghe mẹ nói… Phương Anh có bầu rồi…”.
Tôi không tin nổi đây là tiếng nói của vợ, đầu óc tôi mụ muội, cảm giác hụt hẫng. Đoàn đi tham quan tự nhiên thấy tôi ít nói, thần sắc cũng biến đổi trên gương mặt, nhiều người đặt dấu hỏi.
Đêm hôm đó, tôi quyết định lên gặp đồng chí trưởng đoàn, xin không tiếp tục cuộc hành trình đi các tỉnh mà trở về nhà có việc hệ trọng. Sau khi nghe tôi trình bày, vị trưởng đoàn vỗ về: "Con dại cái mang, chú cứ bình tĩnh, về lúc này cũng không giải quyết được vấn đề, sự cũng đã rồi, sợ đi lại không an toàn".
Cả đêm hôm đó tôi không sao ngủ được, quẩn quanh với câu hỏi ai là tác giả của câu chuyện không mong muốn này, nếu là sự thật thì ước mơ tốt nghiệp Đại học của con gái sẽ chấm hết, phí công bao năm đèn sách. Tôi nhớ mỗi khi có bạn của con đến nhà, tôi luôn dặn các cháu “Lo mà học hành đã nhé", thấy tụi nó cứ dạ dạ, vâng vâng nên cũng có chút yên lòng, ai dè giờ như quả bom nổ ngay trong nhà. Tôi thật sự chao đảo, quá thất vọng về con gái. Điều lạ kỳ là chưa hề thấy cháu có bạn trai, vậy thì ai là người gây ra hậu quă, bao nhiêu câu hỏi vừa xoáy, vừa xoay làm tôi không tài nào ngủ được…
Mãi tới ngày hôm sau, con trai tôi mới dám tiết lộ “chú rể“ là một cậu ấm kém em gái một tuổi, chưa khi nào đến nhà chơi. Tôi cũng chưa bao giờ có cuộc đi xa trở về nhà trong tâm trạng nặng nề đến vây. Biết sẽ phải đối mặt với người bố khó tính, ở nhà đã chuẩn bị sẵn một kịch bản nhằm “xoa dịu" tình hình. Con gái tôi từ Hà Nội về, kể lại tỏ tường sự việc cho mẹ, hy vọng tìm sự chở che của mẹ và bàn phương án “đối phó" với bố. Con gái không dám gặp tôi, chỉ có vợ tôi là lựa thời cơ để làm dịu tình hình, vợ tôi cung cấp đầy đủ hoàn cảnh gia đình “chú rể", tôi cũng rất bất ngờ khi nghe vợ nói “chú rể" muốn xin gặp bố...
Dưới ánh điện sáng trong gian phòng tiếp khách, một thanh niên mặc áo trắng dài tay xuất hiện với giọng nói lí nhí: "Cháu chào Bác". Dù đang vô cùng tức giận nhưng tôi cũng dịu giọng: "Cháu ngồi xuống". Tôi nhìn kỹ chàng rể còn rất trẻ, da trắng, đẹp trai. Anh ta chưa dám mở đầu câu chuyện, ánh mắt tỏ vẻ sợ sệt, không dám nhìn thẳng vào tôi. Tôi bắt đầu tra khảo “chú rể từ trên trời rơi xuống": cháu tên gì, con nhà ai, ở đâu, gia đình có mấy anh, chị em… cứ như thế cho đến khi đi vào vấn đề trọng tâm "Các cháu có yêu nhau thật không". Câu hỏi dường như đánh vào tâm trạng rối bời của “chú rể" làm anh ta bối rối.
Đột nhiên con gái và vợ tôi từ trong nhà chạy ra lập mưu tìm phương án trợ giúp. Chú rể lấy hết sức bình sinh mới nói được: "Dạ, chúng cháu yêu nhau thật lòng ạ". Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, vừa như trút được gánh nặng, mọi lo toan nghi ngờ dần được sáng tỏ. Quen nhau chỉ mấy tháng mà tình yêu đã được cụ thể hóa bằng cái thai trong bụng, thật như đánh đố bố mẹ. Chú rể mạnh dạn nói với tôi rằng anh ta đã báo cho cả gia đình bên đó biết, bố mẹ và các anh, chị đều khuyên tổ chức lễ cưới.
Những diễn biến sau đó đã thành sự thật, gia đình nhà trai vào chơi, nhận hết mọi trách nhiệm cho con cái, đồng thời xin bàn chuyện tổ chức lễ cưới thật đàng hoàng. Ngày bên nhà trai làm lễ rước dâu, tôi đứng một góc không cầm nổi nước mắt, thương con, yêu con biết nhường nào nhưng lại trách con vội vã, dại dột; một sinh viên đại học đột ngột đi làm dâu thiên hạ, cuộc sống của con sẽ như thế nào…???
Ấy vậy nhưng trời thương các bác ạ, dù yêu nhau chớp nhoáng nhưng tình yêu của hai cháu về sau càng chín muồi. Từ một chú rể được coi là từ trên trời rơi xuống trở thành đứa con ngoan ngoãn, lễ phép và thương yêu vợ con, đặc biệt được sự ủng hộ của hai bên gia đình, chú rể chịu khó nuôi con để vợ tiếp tục con đường học hành và tốt nghiệp Đại học. Mỗi lần có dịp cụng li, tôi lại hay đùa chú rể: "Con tính toán điểm rơi hơi bị chuẩn". Cả nhà cười vui vẻ.
Giờ đây, các cháu đã có hai mặt con, một trai, một gái. Chị Su và em Bop lớn lên trong vòng tay yêu thương của cả gia đình hai bên nội, ngoại. Riêng ông Nội, mỗi khi quấn quýt bên cháu, vẫn không quên câu chuyện chị Su đã ra đời như thế nào, và tự nhắc nhở mình bớt nóng giận, biết kiềm chế, bao dung, độ lượng và sẵn sàng tha thứ thì tất cả mọi viện trên đời này đều kết thúc có hậu.
Theo giadinhonline.vn