“Trong siêu thị có 2 cha con. Bé gái khoảng 3 tuổi đang khóc rấm rứt, trong khi ông bố quát qua điện thoại gọi bà vợ: "Đi đâu la cà lâu dữ, con ói tùm lum đây nè!".

Nghe bố la mẹ, con bé càng khóc to hơn. Có lẽ ông bố bực lắm nhưng ông không dám động vào đứa con (vì sợ... dính tay?). Nếu là ông bố ở trường hợp này bạn có bị động chờ vợ đến giải quyết hậu quả?”.

leftcenterrightdel
 Không phải ai cũng biết cách chăm sóc người khác (ảnh minh họa)

Đọc bài viết về câu chuyện trên, đa phần các bình luận là từ nam giới, họ cho rằng, dù có sợ bẩn đi chăng nữa, thì người bố cũng phải giải quyết, anh kia đã làm quê mặt đàn ông.

Có người lớn tiếng khẳng định tay bố này không xứng đáng làm bố, đây là chuyện nhỏ, việc nhỏ như vậy không giải quyết được phải gọi vợ thì sao làm được việc lớn? Có một phụ nữ gay gắt: “Mới thấy, mẹ muôn đời là mẹ, bố chỉ là người dưng. Chạm vào con mà sợ bẩn tay thì sao gọi là bố? Chồng kiểu này thì vợ khổ suốt đời!”

Có thể thấy, mẫu đàn ông như ông bố trẻ trong câu chuyện trên không hiếm, có thể anh ta cũng làm được việc vệ sinh cho con, nhưng là chuyện bất đắc dĩ khi không có vợ. Nếu có vợ ở đấy, thì không phải việc của ông chồng. Cho dù vợ bận bịu đến đâu, làm đến chức to cỡ nào thì vợ vẫn phải là mẹ, mà đã là mẹ thì phải lo cho con từ A đến Z...

Những bình luận trên có nặng nề quá hay không? Chúng ta đều biết, con người không ai giống ai về tình cảm, cách thức xử lý công việc, cảm xúc... Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có những người rất sợ bẩn, sợ máu... để giải thích tại sao trong gia đình nhiều anh em, nhưng có người chăm sóc được cha mẹ bệnh đau nằm một chỗ, có người không làm được, không phải họ không thương cha mẹ hay bất hiếu mà, vì họ sợ bẩn; thậm chí có người thấy bẩn là bị phản ứng, như trường hợp chị bạn tôi.

Chị bạn tôi kể, khi mẹ ốm, chị không tài nào làm vệ sinh cho mẹ được, vì thần kinh chị phản ứng quá nhanh, quá mạnh, khiến chị muốn ói và ói xối xả.

Rất may là chị có người chồng tuyệt vời. Anh thay chị việc chăm sóc mẹ. Nhưng sau đó, vì ái ngại chồng phải làm việc của mình, chị bắt đầu tập, từ từ quen dần, tâm lý sợ bẩn không còn nữa, chị chăm mẹ được mấy năm đến khi bà mất.

Mẹ chị biết điều này, bà nói: “Má thương con quá! Má biết con ngày xưa không làm được việc vệ sinh cho bọn trẻ của con, nhưng giờ con chăm sóc cho má. Má cám ơn con nhiều lắm!”. Mỗi lần kể, chị lại rơm rớm nước mắt.

Tương tự vậy, do tâm lý con người đa dạng và phức tạp, trong cuộc sống có những người không biết/dám thổ lộ lời yêu thương, dù họ rất muốn làm điều đó, dù trong lòng họ, lời yêu thương chỉ chực nói ra mà không thốt thành lời. Lại có những người không thể chia sẻ sự yêu thương bằng cử chỉ, hành động. Có những người con dù rất thương yêu cha mẹ nhưng họ không cách nào thể hiện ra bên ngoài.

leftcenterrightdel
 Một cô cháu gái đẩy xe đưa ông ra phố (ảnh tác giả cung cấp)

Một lần tôi thấy trên phố có cô gái khá trẻ đẩy xe cho một ông cụ. Vừa đi, cô vừa chồm người về phía trước nói chuyện với ông, chỉ cho ông thấy phía trước có gì hay, hỏi ông có nóng, có mệt không...

Có lẽ vì người ông lãng tai nên cô cháu phải nói thật to. Ông cụ vui lắm, ông cũng trả lời thật to. 2 ông cháu chuyện trò vui vẻ trên suốt đường đi. Tôi nghe một người đi đường nói rằng, công nhận cô cháu dễ thương thật, đã chiều ông, đưa ông đi chơi còn chịu khó chuyện trò với ông, mấy người được như vậy. Chị đi bên cạnh tán đồng: “Ừ, nhiều khi mình chăm sóc cho người thương mà còn nói tiếng nặng, tiếng nhẹ, dù trong lòng không muốn như vậy, để rồi sau đó là hối hận”.

Lại có người có tâm lý không bao giờ tỏ lời hay có cử chỉ hay ánh mắt cám ơn ai, dù trong lòng họ rất muốn làm điều đó. Bạn tôi kể, nhiều khi cô muốn nói lời cám ơn chồng vì một chuyện nào đó anh làm cho cô, nhưng không tài nào mở miệng được. Cô không hiểu tại sao lời nói và cử chỉ cám ơn lại khó thể hiện với chồng đến thế. Ấy vậy mà, nhiều khi lên mạng chém gió thả tim, bình luận lời có cánh lại dễ như không.

Theo tôi, mọi thứ đều phải tập. Tập thay đổi tâm lý, tập bỏ tâm lý e ngại, xấu hổ hay mắc cỡ khi phải hành động yêu thương với người mình thương. Không dễ đâu.

Để kết thúc bài viết, tôi kể câu chuyện của chính tôi. Hồi mẹ chồng tôi còn sống, tôi chỉ kịp nói lời cám ơn với bà, một người đã lẫn không còn nhận biết tôi là con dâu.

Theo phụ nữ TPHCM