Không chỉ góp phần cổ vũ tinh thần cho những người lính Hồng quân đang ngày đêm chiến đấu ngoài tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc Xô-viết, bài thơ còn là biểu tượng cho lòng chung thuỷ của người hậu phương với người tiền tuyến, của người vợ đau đáu chờ chồng, của người yêu ngóng đợi người yêu.

Chỉ ít năm sau ngày xuất hiện trên tờ Pravda, "Đợi anh về" đã đến với bạn yêu thơ Việt Nam qua bản dịch bất hủ của nhà thơ Tố Hữu: "... Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về/ Vì sao anh chẳng biết/ Nào bao giờ ai biết/ Có gì đâu em ơi/ Chỉ vì không ai người/ Biết như em chờ đợi...".

Tuy nhiên, ít người biết rằng hình ảnh người con gái Nga trong bài thơ được lấy cảm hứng từ một nữ diễn viên điện ảnh có thật ngoài đời tên là Valentina Serova.

Vào những năm 1930, Valentina Serova là một diễn viên trẻ xinh đẹp, có tài và đầy triển vọng. Thế nhưng, cuộc đời chị lại không được suôn sẻ. Xây dựng gia đình với Anh hùng phi công lái máy bay thử nghiệm Anatoly Serov chỉ được hơn 1 năm, Valentina đã goá bụa sau khi Anatoly hi sinh. Khi ấy, Valentina ở tuổi 22 và đang mang thai.

Điều ít ai biết về người con gái trong bài thơ nổi tiếng 'Đợi anh về'

Diễn viên điện ảnh Valentina Serova. Ảnh: Beautifulrus

 

Trong số rất nhiều người để ý, theo đuổi người góa phụ trẻ đẹp có nhà thơ - chiến sĩ K. Simonov. Nhà thơ trẻ yêu Valentina đến si mê và chính tình yêu đó đã góp phần làm thơ ông đậm chất trữ tình. Điều trớ trêu là Valentina chưa một lần nói với Simonov từ "Yêu", làm nhà thơ trẻ phải trăn trở, buồn phiền, thậm chí có lúc tuyệt vọng.

Đúng lúc ấy, chiến tranh bùng nổ. Như bao chàng trai khác, Simonov lên đường ra trận đối mặt với cái chết. Trong khốc liệt của đạn bom, ai dám chắc ngày mai mình sẽ sống và trở về với cha mẹ, vợ con, với những cây táo, cây lê, những hàng bạch dương gió nổi? Nhưng nhà thơ có một niềm tin mãnh liệt rằng anh sẽ trở về, dứt khoát sẽ trở về nếu ở hậu phương có người yêu chung thuỷ đợi chờ. Và thế là bài thơ "Đợi anh về" đã ra đời.

 

Được in lần đầu trên báo Pravda ngày 14/1/1942, bài thơ ngay lập tức được nhân hàng triệu bản, được các chiến sĩ nơi chiến hào hồ hởi đón nhận, trở thành biểu tượng của tính cách Nga, tâm hồn Nga. Thế nhưng, cho đến lúc đó, Valentina vẫn chưa trao trái tim cho nhà thơ đa cảm. Hơn thế, trong một lần biểu diễn cho các bệnh binh là sĩ quan cao cấp, cô bị hút hồn bởi cái nhìn của vị tướng K. Rokossovsky. Tình yêu sét đánh đã đánh trúng cô, và hai người yêu nhau như chưa bao giờ yêu, dù ông hơn cô đến 21 tuổi.

Tin không vui bay đến chiến trường, Simonov như chết lặng. Nhưng anh vẫn hướng về Valentina với một tình yêu cháy bỏng và một niềm tin mãnh liệt. Cuối cùng, sức mạnh của tình yêu đã làm nên điều kì diệu: Valentina rời bỏ Rokossovsky và đến với anh. Năm 1943 hai người làm lễ cưới.

Những năm sau chiến tranh, hai người đều thành đạt trong sự nghiệp. Simonov trở thành nhà thơ lớn, các tác phẩm của ông được yêu thích và liên tục đưa đến cho ông những phần thưởng cũng như sự công nhận cả trong và ngoài nước. Valentina mới 29 tuổi đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Thế nhưng, bi kịch cũng bắt đầu khi nhà thơ hiểu ra rằng đời và thơ không phải là một. Trong khi đó, Valentina lại mắc chứng nghiện rượu, đến nỗi toà án phải xử cho cô con gái của hai người về ở với bà ngoại. Cùng với tuổi già, một đòn nữa lại giáng xuống Valentina khi người con trai với người chồng đầu Anatoly chết vì nghiện rượu. Chịu không nổi, một năm sau, năm 1975, Valentina cũng đi vào cõi vĩnh hằng, lặng lẽ, đột ngột và cô đơn. Không đến được, Simonov gửi 58 bông hoa cẩm chướng đến viếng.

Tuy hạnh phúc hai người không trọn vẹn, nhưng Valentina đã làm trọn trọng trách nghệ thuật cao cả là trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những áng thơ cao đẹp nhất. Có lẽ vì thế mà những tháng ngày cuối đời, Simonov lại nhớ đến bà da diết. Trước khi mất (năm 1979), nhà thơ yêu cầu con gái mang di vật của Valentina đến bên gường bệnh. Ông nói: "con hãy tha lỗi cho cha. Nhưng những gì đã có giữa cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất của đời cha".

Theo vietnamnet