Má tôi bị cao huyết áp, phải nằm viện theo dõi vài ngày. Thông thường mỗi người bệnh sẽ có một người nuôi, một người chạy vòng ngoài để tiếp tế đồ ăn thức uống, mang quần áo về giặt. Con cái tự phân công nhau nuôi cha mẹ. Đứa con ở nhà cũng không yên bụng, liên tục điện hỏi ba (mẹ) sao rồi, bác sĩ nói sao… Được con cái quan tâm, cha mẹ cũng đỡ buồn lòng.
Tủ đầu giường người bệnh nào cũng đầy sữa, nước yến, trái cây… Má tôi than với dì bên cạnh: “Tụi nó nhè lúc mình đau ốm, không ăn uống gì được là xách của ngon tới, ép mình ăn”. Dì “ờ” rồi nhìn lảng sang chỗ khác.
Tôi nhìn tủ đầu giường chỗ dì nằm, chỉ 1 chai nước suối. Có người nhận ra dì là bà chủ tiệm vàng ở thị trấn. Dì là phụ nữ đơn thân, không có chồng con nên nhận cháu ruột làm con.
“Người ta nói dì uổng công xúc tép nuôi cò đó con”, dì mở lời kể với tôi bằng giọng nghẹn ngào. Dì kể từng mơ ước được làm cô giáo, nhưng đang học năm thứ hai thì má dì đổ bệnh, ba lại không rành chuyện mua bán nên dì nghỉ học, thay ba má gánh gồng cả nhà.
Ba má dì khởi nghiệp từ việc gia công đồ tranh sức, rồi tập tành mua bán vàng. Dì làm thêm việc cầm đồ, khuyếch trương tiệm vàng ngày càng lớn. Má dì mất, dì càng nặng gánh vì mấy đứa em.
Đứa em thứ ba lấy vợ, dì nhường em tiệm vàng của ba má, mua căn nhà khác để mở tiệm mới, gầy dựng lại từ đầu. Đứa em thứ tư qua đời đột ngột khi con gái mới 2 tuổi. Dì mua nhà cho em dâu, cấp vốn để em mở tiệm tạp hóa. Thằng em út thì có tiệm đồng hồ… Quanh đi quẩn lại, dì đã qua mất tuổi xuân.
|
Tuổi già, mẹ cha chỉ mong được con cháu quan tâm (ảnh minh họa) |
Người em thứ ba nói sẽ "cho" dì thằng con út để làm con nuôi. Dì cưng cháu từ thuở lọt lòng, nên nghe con gọi tiếng “mẹ”, dì đã rất mãn nguyện.
Cậu con trai dì nuôi học sự phạm, ra trường làm giáo viên. Anh đi dạy một buổi, buổi còn lại về coi tiệm vàng phụ dì. Vợ của cậu ta cưới về cũng nhanh chóng thông thạo việc mua bán. Dì nghĩ, mai này có giao tiệm cho vợ chồng con cũng yên tâm.
Con trai bàn với dì sửa nhà, viện lý thủ tục nhiêu khê, dì phải sang tên căn nhà cho vợ chồng con, mọi việc cậu ta lo. Dì thấy hợp lý nên làm theo. Nhà mới rất đẹp, quầy kệ sang trọng, nhưng dì không có cơ hội đứng ở đó vì con dâu thuê thêm 3 cô gái phụ việc. Con dâu nói bây giờ buôn bán khó khăn, cạnh tranh nhiều, người đứng bán phải tươi mát, xinh đẹp, nhanh nhẹn, má già rồi, lo nghỉ ngơi đi.
Dì không già tới mức cả ngày ngồi im như tượng trước tivi, nhưng hễ ló mặt ra tiệm là con dâu nguýt. Con trai cũng càu nhàu: “Má ra đây làm chi cho vướng tay vướng chân”…
Rồi bữa, con dâu dặn người làm dọn cơm trong phòng để dì ăn riêng. Dì trệu trạo ăn một mình.
Bệnh của người già kéo tới, con trai đưa dì tới bệnh viện rồi nói: “Má còn đi đứng được thì tự lo giúp con. Con lu bu lắm”… Dì ở đây đã mấy ngày, con trai lẫn con dâu đều không thấy mặt, cũng không điện hỏi thăm, mấy đứa em cũng biệt dạng…
Má tôi nhắc tôi mỗi ngày nấu thêm phần cháo cho dì. Sữa và trái cây cũng san sẻ cho dì. Dì nghẹn ngào: “Tôi từng là chủ một cơ ngơi, vầy mà giờ phải nhờ vào tình thương của người lạ”. Tôi cầm bàn tay dì, bàn tay chỉ còn xương với da. Dì cầm tay các em, tay con trai dắt đi trên đường đời. Giờ bàn tay ấy mỏi mệt, nhưng chẳng ai nắm lấy…
Sáng nay bác sĩ xem hồ sơ bệnh án của dì, chợt hỏi: “Nếu phải ký giấy phẫu thuật, chúng tôi sẽ gọi cho ai?”. Dì giật thót, nước mắt chầm chậm lăn xuống: “Tôi cũng chưa biết gọi ai...”.
Theo phụ nữ TPHCM