Tôi lùi lại một bước, rồi lùi bước nữa. Cứ vậy gần 30 phút vẫn chưa chụp được bức ảnh ở vị trí đẹp.
Cũng không phải lần đầu lùi lại nhường lượt cho người sau, như cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi trong siêu thị, cửa hàng, ngoài sân bay. Nhưng có lẽ chưa lần nào tôi cảm thấy mình vui như thế này. Thậm chí nếu cứ đứng nhường mãi cũng không sao, bởi tôi đang mải mê nhìn một nhóm gần chục cụ ông, cụ bà thay phiên tạo dáng chụp ảnh cho nhau.
Tôi đứng ngắm hết cụ bà này rồi cụ bà kia. Váy áo son môi, kính râm, vòng tay chuỗi ngọc, nụ cười tươi như cái nắng dịu dàng của miền cao ngày cuối tuần. “Bà chụp tấm ảnh nào”, “Cho bà trước cái nhé”. Thấy thương yêu quá đỗi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Thiết nghĩ, người trưởng thành ít nhiều gì cũng có những vết thương. Có lẽ, để chữa lành, chí ít là xoa dịu, hay hơn cả hãy bước ra khỏi vấn đề của bản thân, soi mình vào người khác. Đặc biệt là soi vào trẻ con, người già. Soi vào trẻ con làm thức dậy những thiện lương, tin yêu trong trẻo. Soi vào người già, nhất là người già vui vẻ như thế này, sức nặng cuộc đời bỗng hóa nhẹ tênh.
Các cụ ngoài 70 kia, làn da ai không chùng nhão, đồi mồi, chi chít những vết chân chim? Khớp chân ai không đau nhức thậm chí sưng tấy mỗi lúc giao mùa? Ai chẳng có những góc khuất đau lòng với chồng vợ, con cháu? Vậy mà, họ vẫn cùng nhau đi chơi. Nói với nhau về thời của mình, về kỷ niệm đã qua. Chụp những tấm ảnh đẹp, có khi đăng lên Facebook, có khi chỉ để dành trong điện thoại. Thi thoảng mở ra, nhìn nhìn ngắm ngắm rồi tủm tỉm cười mãi nhiều ngày sau đó.
Nhìn các cụ, nghĩ đến quãng 20, 30 năm nữa mình mới đến chặng ấy. Bằng lúc mới rời ghế giảng đường, bập bõm tập làm người lớn. Một chặng dài xa nhường ấy, thương tích gì bây giờ cũng phải băng bó, gánh nặng gì bây giờ cũng phải bỏ xuống, bế tắc vướng vít gì cũng phải gỡ mà đi tiếp thôi.
Cuộc sống rốt cục có cảm giác vui vẻ là mong mỏi lớn nhất. Người ta trẻ, người ta xinh, người ta sáng như ngôi sao trên bầu trời, người tự tin vui vẻ không lạ. Ở chặng cuối hành trình đời mà vẫn cảm thấy vui tươi hớn hở mới là điều đáng quý. Khác nào giọt sương trên lá mỗi sớm mai. Niềm vui của các cụ cổ vũ lớn lao thế nào đến con cháu và người trẻ xung quanh chắc các cụ cũng không nghĩ đến hết.
Nhiều lần, tôi nói với ba mẹ mình rằng, ông bà nếu thương con cháu, tuổi này, khi năm tháng trên đời bắt đầu đếm từng ngày, từng tháng. 2 người không cần thấp thỏm lo âu khi con làm nhiều vất vả; không cần sợ cháu không có đồ ăn ngon bổ dưỡng, an toàn; không cần chắt chiu giúp đứa con này mua cái nhà, cho đứa khác đổi cái xe.
Hãy thật thoải mái. Hãy đi đâu đó với nhau, với bạn bè hoặc chị em cùng thời cùng lứa. Hãy mạnh dạn đổi ti vi đã cũ, thay chiếc bàn cái ghế không còn hợp thời... Chỉ cần ông bà thích, vui và khỏe mạnh thì đó là yêu thương con cháu. Có con cháu hiếu thảo nào không muốn thấy cha mẹ, ông bà thật vui, thật khỏe mỗi dịp về thăm?
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Đời sống của con người luôn tồn tại một hiệu ứng, tôi gọi nôm na là hiệu ứng dây chuyền hay là vết dầu loang. Khi bản thân mỗi người - bất kỳ ai - không cảm thấy vui vẻ thì tất yếu nhìn đâu, nhìn ai cũng thấy u ám, nặng nề, thậm chí xấu xa.
Khi ông bà không vui, không tự tạo niềm vui cho mình, không bước ra ngoài để kết nối với thiên nhiên, với nhiều người, trái tim chỉ quẩn quanh với mình và con cháu mình, sẽ sinh ra những giận hờn trách móc, nếu chúng không đáp ứng được kỳ vọng của mình.
Rồi đáng lẽ, những ngày cuối tuần hay lễ tết, ông bà con cháu tề tựu đông vui thì lại trở thành nghĩa vụ. Con cháu sợ về nhà vì không phải không yêu, chỉ đơn giản như nước chảy vào chỗ trũng. Đời ai cũng mưu cầu niềm vui và sự thoải mái mà. Cuối cùng, những người luôn thương yêu nhau, luôn muốn đều tốt lành nhất cho nhau, lại xa lúc nào không hay, khoảng cách ngày càng lớn. Về sau, khi có cuộc chia ly ngàn trùng thì lại tiếc nuối khôn nguôi.
Đứng lặng nghe các cụ nói về mái tóc bạch kim của cụ này, màu áo của cụ kia, đọc cho nhau những bình luận trên Facebook khi đăng ảnh, tôi mỉm cười. Thèm ghê gớm được nói lời cảm ơn các cụ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trong tưởng tượng của mình, tôi hình dung cảnh tượng, sau hôm nay, các cụ sẽ còn nói với nhau hàng tháng trời về buổi đi chơi này; sẽ bảo nhau sắm sửa thêm những bộ đầm màu sắc hoa văn tươi tắn, những chuỗi ngọc cùng màu áo, rồi hẹn nhau ăn sáng, đi họp mặt, tổ chức sinh nhật, mừng thọ cho nhau...
Ắt hẳn khi trở về nhà, nhìn chỗ nào cũng nghe thân thương, nhìn đứa con, đứa cháu nào cũng bằng ánh mắt ấm áp bao dung. Thật ra, để vui đâu có khó. Để đi qua chặng cuối đời người đâu có khó, phải không?
Theo phụ nữ TPHCM