Từ bé, tôi đã hay nghĩ, về già mình sẽ ra sao. Lúc ấy, trong mắt tôi, bà ngoại là người già nhất mà tôi biết. Tôi nhìn ngoại, nghĩ mai đây mình già chắc sẽ như ngoại - tóc bạc phơ, lưng còng, da nhăn nheo và nhiều đồi mồi, bước đi rề rà, chậm chạp. Mình sẽ hay ngồi ở cửa trông đám con cháu đi làm, đi học về như ngoại. Sáng mình dậy sớm nhóm lửa, quét sân. Chiều canh lấy áo quần phơi ngoài sào vào nhà cho con cháu…

Tôi hình dung thế bởi thấy ngoại mình như thế chứ trong lòng vẫn đinh ninh nghĩ, đời nào tôi mới già như ngoại, thậm chí là chẳng bao giờ. Tôi còn bé xíu xiu, mẹ và các dì thì vẫn còn trẻ măng vậy kia mà. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lớn lên, xê dịch nhiều nơi, tôi bắt đầu gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người già hơn. Hình dung về ngày mình già đi trong tôi đã dần đổi khác. Tôi thấy rõ, với nhiều người, tuổi tác đúng chỉ là con số. Dạy học ở thành phố, mỗi lần gặp phụ huynh, tôi thậm chí còn không phân biệt được đâu là bà ngoại đâu là mẹ của học trò. Tôi bắt đầu nghĩ, sau này già, chắc mình cũng sẽ là bà ngoại xì-tin.

Mình sẽ nhuộm tóc nâu đen để khỏi thấy bạc phơ khi đi hội họp, gặp gỡ bạn bè hay đi đón cháu. Mình sẽ vẫn trang điểm nhẹ nhàng che bớt làn da nhăn; sẽ vẫn tô son đỏ nhưng tông tối màu một chút; sẽ vẫn diện áo quần theo mùa hoặc thời trang và sắc màu tươi sáng để trẻ trung.

Tôi sẽ vẫn mặc đầm, mặc váy chứ không phải thuần áo bà ba như ngoại, chỉ là không lấp lánh sương sa hạt lựu, không ôm sát, không lộ liễu thiếu vải là được. Mình sẽ trở thành bà già chịu đi, cuối tuần tụ họp bạn già nghe nhạc, đọc thơ; thi thoảng đi du lịch, thăm thú bạn bè xa chứ không phải ngày nào cũng ngồi chờ cháu con về nơi xó cửa.

Hồi nghĩ như vậy, tuổi tôi phơi phới chưa đầy 30 và nghĩ vậy thôi chứ vẫn thấy cái ngày mình U50 hay U60 hãy còn xa lắm. Lúc ấy tôi đang tuổi lập nghiệp, kiếm tiền, sức khỏe dư đầy; ngày cặm cụi làm việc mười mấy tiếng tôi có thấy mệt gì đâu. 

Nhưng đến tuổi 40 thì khác. Chừng như cái ngày tôi già đi đã lấp ló đâu đó thật gần. Bạn bè đồng trang lứa thi thoảng gặp nhau bảo, làm như thời gian hồi này chạy nhanh hơn ngày xưa thì phải. Sao mà cứ thoắt cái hết năm, thoắt cái mình thêm tuổi. Nhiều đứa tếu táo hay đếm tuổi ngược - 42 thành 24. Hay, ta mới tròn 20 chứ mấy, chỉ là thêm mấy chục năm kinh nghiệm mà thôi. Và giờ thì tôi hình dung, cuộc sống về già của mình không còn sôi nổi như suy nghĩ của hơn 10 năm trước.

leftcenterrightdel
 Tôi mong mình sẽ già đi và vẫn vui, vẫn đẹp (ảnh minh họa)

Tuổi này, tôi đã nghe rõ những chuyển biến trong cơ thể, hiểu được điều gì là phù hợp với mình điều gì không; hiểu rằng được già đi là một điều may. Và già đi thế nào là tùy chọn lựa hay có khi không thể chọn lựa mà vẫn phải chấp nhận của mỗi người. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn luôn muốn ai cũng được già đi trong vui vẻ. 

Tôi nhớ bộ phim mình từng coi - Điệu cha cha cha làng biển - các bà già nói chuyện với nhau rằng, đôi khi cũng bất mãn lắm chứ, tâm hồn vẫn phơi phới mà tay chân xương khớp run rẩy cả rồi. Song cuối cùng, bà Gammi - nhân vật tôi rất mến yêu - nói, nhưng mà tôi thấy hạnh phúc lắm, được ăn bao nhiêu món ngon, gặp bao nhiêu người tử tế.

Đúng là chứng kiến cuộc sống vô thường, những mất mát, biến động khiến người ta nhận thức khác đi. Mỗi ngày được hít thở khí trời, được làm việc và được sống đã là một ngày vui, huống chi được già đi. Nên nếu được, tôi sẽ trở thành một bà già hạnh phúc, một bà già không phải lo vật chất thiếu thốn vì tôi đã làm việc và dành dụm cho tương lai. Tôi sẽ là một bà già đẹp đúng tuổi nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung, yêu thương khi còn có thể; một bà già sống ở nơi nào đó gần núi, có nhiều cây xanh, thời tiết mát mẻ, trong lành.

Nếu không được thì cũng sẽ là nơi cách xa trung tâm thành phố để không quá xô bồ, đủ yên tĩnh và an toàn. Nơi đó, tôi sẽ ở gần một vài người bạn cũng già như mình, cùng quan điểm sống với mình. Nơi ở không cần quá rộng, chỉ cần ấm cúng và tiện nghi, có một khu vườn nhỏ hoặc một khoảng sân. Tôi và các ông bà già sẽ dậy sớm cho ngày dài thêm ra. Sẽ tập thể dục giữ gìn sức khỏe nhưng chắc chắn một điều là sẽ phải duy trì làm việc - tự quét dọn, nấu ăn, pha cà phê, pha trà, tưới cây, chăm hoa, đọc sách, viết lách nhẹ nhàng…

Nhiều người bảo làm cả đời rồi, tiền bạc để dành đủ lo cho tuổi già rồi sao phải làm chi khổ vậy. Tôi nghĩ, nhiều người tiền chất cao như núi họ vẫn làm việc mà có thấy khổ đâu. Quan trọng là biết chọn công việc phù hợp. Tuổi già làm việc không còn vì tiền mà vì niềm vui, làm để thấy mình còn giá trị, làm để cho đôi tay giữ linh hoạt càng lâu càng tốt, đôi chân chậm thoái hóa, cho trí não còn hoạt động, bớt lẫn lộn, nhớ quên. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com


Tôi sẽ không đi du lịch đó đây như trong hình dung hồi ngoài 20 tuổi nữa; bởi tôi biết giờ đây mình đã không còn muốn di chuyển nhiều như trước. Tuổi già, thời gian còn lại không nhiều. Hay phải chăng là, khi người ta ở cái đoạn mà ngoái lại thấy đời mình phía sau đã dài hơn phía trước thì họ cẩn trọng với quỹ thời gian của mình hơn. Họ sẽ quy hoạch, nghĩ về và giữ gìn cẩn thận những ngày tươi đẹp quý giá. Họ chỉ muốn làm nốt những gì mình thích, sống bên người mình thương, ở nơi mình cảm thấy an ổn.

Nơi nào thấy bình yên, nơi đó sẽ là nhà. Họ từ chối mọi nơi, và những ai có nguy cơ đe dọa đến khoảng thời gian ít ỏi của họ. Già rồi chỉ mong mình không phiền phức đến ai và cũng đừng ai quấy rầy mình.

Được già đi là một điều may. Già đi mà còn minh mẫn, ngoại hình đẹp đúng tuổi hoặc trẻ hơn chút so với tuổi. Già đi mà tâm hồn vẫn trẻ trung. Già đi mà vẫn còn chút sức khỏe, làm được những việc nhẹ nhàng, ý nghĩa chí ít là với bản thân mình thì ai chẳng muốn được già đi như thế. 

Theo phụ nữ TPHCM