leftcenterrightdel
 Bé Sữa hay cười và chị bạn hàng xóm (con gái của tác giả)

Chị Nhi đặt ra cho mình và chồng những yêu cầu về việc phải “thay đổi kép”. Chị yêu cầu anh Hiếu khi say không được đem những chuyện mệt mỏi ngoài xã hội về nhà; không được gây gổ, to tiếng, ném đồ đạc trước mặt con. Về phần chị cũng hứa hạn chế tính càm ràm, suy diễn, đá thúng đụng nia khiến căng thẳng gia đình leo thang. Điều vợ chồng chị cần ưu tiên bây giờ không chỉ là vấn đề kiếm tiền mà còn là việc mang đến niềm vui cho bé Sữa - đứa con út năm nay vừa tròn 5 tuổi.

Sữa là đứa bé bụ bẫm, hay hát, hay cười. Bé là bạn cùng lớp mẫu giáo của con trai tôi. Hằng ngày, sau khi được đón từ trường về, bé thường sang nhà tôi chơi. Trò mà các con thích nhất, ngoài chơi đồ hàng, xếp hình, tiệc tùng (các cháu thường lấy một ít bánh kẹo và hoa, lá trong vườn, bày lên mặt sân làm thành bữa tiệc) còn là trò chơi đóng vai. Có khi các con đóng vai bác sĩ, đầu bếp, cô giáo nhưng cũng có khi tôi bật cười trước những hoạt cảnh vợ - chồng, ba mẹ - con cái đầy ngô nghê.

Bé Sữa ôm một em búp bê tóc vàng trong tay, vừa ru ngủ vừa cưng nựng dặn dò: “Con ngủ ngoan nhé, mẹ nói với ba rồi. Ba mẹ sẽ không quát mắng, đánh con; ba mẹ chỉ luôn nhẹ nhàng và yêu con thôi. Con ngoan ngủ đi nhé”.

Tôi không biết chị Nhi từng thủ thỉ những lời cụ thể gì với anh Hiếu và liệu những lời lẽ ngọt nhạt ấy có vô tình lọt vào tai con để bé bắt chước hay không, nhưng khi nhìn vẻ mặt đầy ngọt ngào, âu yếm của bé Sữa, tôi nghĩ, cháu đang được hưởng trọn những yêu thương.

Nhiều năm trước, khi bé Sữa chưa ra đời, anh Hiếu làm nghề thầu xây dựng, công trình nhận được thường xuyên. Tuy nhiên, tính anh thật thà nên bài toán kinh tế liên quan vật tư, công nợ, lương thưởng cho đội nhân công còn thiếu lanh lợi, rạch ròi. Chị Nhi kể, có mấy lần, sau khi nhận tiền từ chủ đầu tư, anh Hiếu thanh toán hết sạch cho các bên liên quan, còn bản thân không xu dính túi. Con cái thiếu thốn, hụt tiền học, gia đình chật vật, căng thẳng nên vợ chồng cắn đắn nhau thường xuyên.

Đã có những ngày anh Hiếu vì tránh mặt vợ mà đi theo tốp thợ ăn nhậu đến 2, 3g sáng mới về tới nhà. Đã có những ngày, chị Nhi bất mãn, nói năng xúc phạm chồng. Đã có những ngày vợ chồng “so găng” - ném bay đồ đạc, nồi niêu, xoong chảo ra vườn.

Và tất nhiên, khi cuộc sống hôn nhân của ba mẹ trở nên căng thẳng, nặng nề thì những đứa con trong gia đình cũng đánh rơi mất niềm vui, hạnh phúc. 2 đứa con đầu của anh chị đều đang học cấp II. Đáng lẽ đó là lứa tuổi hồn nhiên, vui nhộn, quan hệ bạn bè, song thực tế, các cháu rất rụt rè, khép kín.

Hồi dịch COVID-19 bùng phát, công ty dệt may của chị Nhi đóng cửa, chị thất nghiệp ở nhà. Số lượng công trình của anh Hiếu cũng gần như bằng 0. Thế nhưng trong nguy lại có cơ, anh chị có thời gian để điều chỉnh, bẻ lái lại con thuyền gia đình. Chị Nhi nhận ra những bất ổn trong tâm sinh lý của 2 đứa con đầu. Anh Hiếu nhận ra những lỗ hổng, những sai sót trong cách thức vận hành, quản lý đội nhóm. Chị Nhi bắt đầu ngồi xuống chăm lo, lắng nghe, chia sẻ, dành mọi ưu tiên cho các con. Anh Hiếu cũng xốc lại động lực để phục hồi, vá víu lại những lỗ hổng. Gia đình dần êm ấm, trên môi bé Sữa không ngớt những nụ cười.

Hiện tại, gia đình Sữa không còn là hàng xóm của tôi. Từ con hẻm nhỏ, ở chung với ba mẹ chồng, chị Nhi bàn với chồng thuê căn chung cư cạnh căn nhà kho cũ, vốn là nơi để máy móc, thiết bị thi công xây dựng của anh Hiếu, rồi chuyển luôn ra đó sinh sống.

Những ngày cuối tuần, bé Sữa vẫn được anh chị chở về thăm ông bà nội. Bé Sữa lúc ấy lại sang nhà tôi. Cháu ngày càng lễ phép, mạnh dạn, tự tin. Khi tôi bảo cháu ở lại ăn cơm chung, cháu hồn nhiên nhận lời, ngồi xuống ăn uống, trò chuyện rất rôm rả, nhiệt tình. Cháu khoe với chồng tôi mấy bài thơ, bài hát vừa học được. Cháu kể về nơi ở mới cùng những người bạn mới quen.

Những lúc đó, cô con gái lớn của tôi thường quay sang bàn luận với mẹ: “Em Sữa vui ghê mẹ nhỉ. Xóm có nhiều bạn, nhưng con vẫn thích chơi với em Sữa nhất. Chơi với em ấy chẳng bao giờ biết chán. Sữa hay cười, lại còn bày nhiều trò vui để chơi nữa”.

Nghe con nói, tôi càng tâm đắc, khẳng định: đối với trẻ con, cho con đồ chơi, đồ ăn ngon cũng tốt; cho con kiến thức, kỹ năng sống để con có nền tảng bước vào một tương lai rộng mở càng tốt; tuy nhiên điều tốt nhất có lẽ là hãy mang đến cho con những niềm vui, nụ cười từ ngay bây giờ.

Theo phụ nữ TPHCM