leftcenterrightdel
 Bí quyết làm nên hạnh phúc của nhiều gia đình là cảm thông, chia sẻ, tự điều chỉnh để dung hòa với nhau - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Liệu hợp nhau có phải giống hệt nhau?

Tương đồng và khác biệt trong hôn nhân

Dân cư ở khu Ehome 4 (Thuận An, Bình Dương) ai cũng biết đến anh Phương - chị Thu như một điển hình của sự khác biệt của hai vợ chồng từ ngoại hình, thói quen cho đến tính cách, nghề nghiệp. 

Anh là giáo viên một trường cấp III nên cách nói năng, giao tiếp lúc nào cũng nghiêm túc, đĩnh đạc. Còn chị là chủ vựa trái cây lớn trên quốc lộ 13 nên trang phục có phần xuề xòa, ăn to nói lớn. Hiện anh vẫn gắn bó với chiếc Dream Thái đời đầu trong khi sở thích của chị là đổi xe đời mới. 

Từ khi yêu cho đến lúc cưới những người thân quen ai cũng ái ngại trước những khác biệt quá lớn giữa anh chị. Nhưng dường như mọi thứ đến nay đều ổn thỏa và họ vẫn luôn tình tứ như thuở ban đầu dù đã ba mặt con.

Hỏi làm cách nào để được như vậy, chị Thu cười phá lên một tràng nghe thật sảng khoái rồi nói: "Có bí quyết gì đâu, cứ bình thường mà sống, cái nào khó quá thì mình cứ bỏ qua, vậy thôi!".

Nghe thật đơn giản nhưng thực tế không ít đôi vợ chồng vẫn thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn trầm trọng dù là đồng nghiệp, có chung những sở thích như gia đình anh Quốc - chị Sương (quận Tân Bình, TP.HCM). 

Cùng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do cả hai đều xuất thân từ Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Chị là diễn viên một sân khấu kịch, còn anh là diễn viên điện ảnh nên quanh năm suốt tháng rong ruổi khắp nơi theo đoàn làm phim. 

Lấy nhau chưa được ba năm đã phải ra tòa ly dị với lý do... không thể tiếp tục sống chung được nữa. Chị nói do quá hiểu nhau nên có lúc thấy nhạt nhẽo, nhàm chán chẳng còn gì là thú vị. Nhiều lúc gặp mặt cũng chẳng biết nói gì với nhau nữa. 

Còn anh thì cho rằng do đặc tính tâm lý của những người làm nghệ thuật lãng mạn, phóng khoáng cho nên đôi khi trở nên quá nhạy cảm với những lời nói, hành động của nhau thành ra cứ chuyện bé lại xé ra to là vậy. 

Đó là chưa nói đến chuyện người này ghen tuông với bạn diễn kia khi nay tình tứ với người này, mai lại âu yếm với người nọ.

Ngược lại, với đôi vợ chồng anh Nam - chị Thảo (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đồng thời cũng là đồng nghiệp của nhau ở một bệnh viện lại rất hạnh phúc. 

Tuy chuyên ngành khác nhau nhưng cùng là bác sĩ nên dễ hiểu và thông cảm cho nhau trong cuộc sống cũng như công việc. Từ chuyện đi sớm về muộn, dạy dỗ con cái cho đến việc choàng gánh công việc, trực đêm ở bệnh viện đều được họ thu xếp khá hài hòa, ổn thỏa. 

Chị chia sẻ hai vợ chồng đều cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với sự lựa chọn người bạn đời có cùng nghề nghiệp với mình như vậy.

Có thể dung hòa?

Hợp hay không cũng chỉ mang tính tương đối. Điều này ít nhiều phụ thuộc tâm lý chủ quan của mỗi người. Khó có ai có thể phù hợp hoàn toàn từ sở thích, thói quen cho đến hành vi, tính cách... 

Bởi lẽ mỗi người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong những môi trường có quá nhiều khác biệt về truyền thống, văn hóa, địa lý cùng sự phong phú, đa dạng của những phong tục, tập quán tùy theo vùng miền...

Chẳng qua là khi yêu, thấy cái gì cũng đẹp nên người ta cứ ngỡ "trời sinh ra chỉ để chúng ta thuộc về nhau" là vậy. Nếu có khác thì vẫn cố phải làm cho giống nhau từ trang phục, đồ dùng lẫn cách đi đứng, nói năng. Để rồi khi đôi ta đã về một nhà, mới hốt hoảng nhận ra những khác biệt đến mức khó có thể chấp nhận.

Khi thực sự yêu thương và mong muốn gắn kết lâu bền thì người ta đã có thể thay đổi để phù hợp với nhau ngay từ lúc còn đang hẹn hò, yêu đương chứ không phải cứ đợi sau này cưới về mới bắt đầu thay đổi. 

Và cũng lắm khi, sự thay đổi theo hướng tích cực ấy chỉ mang tính tạm thời trong một thời gian cần thiết để rồi sau ngày cưới những điều không hợp trước kia cứ "hiện hình" nguyên vẹn.

Việc tìm hiểu một cách nghiêm túc, kỹ càng về tính cách, sở thích, hành vi, thói quen của người mình yêu trước khi tiến tới hôn nhân là một điều hết sức cần thiết. Để dự liệu xem mình có chấp nhận với những khác biệt ấy khi cả hai đã về chung một nhà hay không.

Lý do mà mọi người thường lấy ra để bao biện cho tình yêu của mình khi kết thúc một cuộc hôn nhân thường là "hai người không hợp nhau". Nhất là khi cãi cọ, mâu thuẫn dẫn đến chia tay thì đa số họ lấy lý do này để che lấp cho cái tôi của mỗi người.

Hợp nhau không có nghĩa là phải giống hệt nhau, khác biệt nhau trong một số khía cạnh là điều bình thường. Thế nên, đừng vì thế mà vội kết luận mình lấy lầm người hay vội vã chia tay... 

Trên đời này, có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng thể nào gặp được một con người phù hợp với mình hoàn toàn mà không có những điểm khác. Điều quan trọng hơn là mỗi người nên bỏ bớt một chút cái tôi, mình cùng vun vén để hạnh phúc gia đình được thêm vẹn tròn, đầm ấm.

Cần sự khác biệt để thu hút và cũng cần sự tương đồng để cùng cảm thông, chia sẻ. Phải chăng đó cũng là bí quyết làm nên hạnh phúc của nhiều gia đình. Suy cho cùng ở đời chẳng có ai sinh ra đã hợp nhau, chỉ vì tình yêu mà vợ chồng dẹp bớt cái tôi để phù hợp với nhau hơn.

Theo Tuổi trẻ