leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngân Hà xinh đẹp và đặc biệt trong mắt mọi người, vì luôn làm được những thứ cô thích. Sơn hồng căn bếp, mua một lần vài đôi giày mới, cuối tuần hẹn nhóm bạn ra biển cắm trại, picnic… - những việc chẳng có gì bất thường nhưng lại khó thực hiện ở ngưỡng tuổi 40, khi người ta đã có một mái ấm với bao lo lắng, bộn bề.

Hà có chồng, 2 con - 1 trai, 1 gái, đang tuổi cần chăm sóc, đưa đón, kèm cặp chuyện bài vở. Thế mà bạn vẫn tạo được một nhịp sống thú vị, luôn tràn đầy năng lượng mới mẻ.

Tôi tự hỏi, phải chăng do Hà giỏi, tài chính mạnh, luôn được chồng con yêu thương, hỗ trợ, tạo điều kiện hay do chúng tôi - những người cũ kỹ, chây ì - sau khi lấy chồng đều mặc nhiên chấp nhận lối suy nghĩ tụt hậu. Chúng tôi tin rằng, một phụ nữ đã có gia đình thì bản thân thế nào cũng được, miễn là con khỏe, chồng vui.

Tôi và Hạnh tâm sự với Hà: “Bọn tui luôn làm hết việc nhà, không nhận lịch đi công tác xa, nấu cơm canh nóng hổi, nhưng rồi gia đình vẫn không có nhiều ngày vui. Vợ chồng vẫn thường xuyên mâu thuẫn. Các con càng lớn càng khó dạy, giữ khoảng cách”.

“Có lẽ vì luôn vất vả, bận rộn nên các bạn đã không vui. Bầu năng lượng mệt mỏi, không thoải mái ấy như những hạt bụi mịn trong không khí, dù không nhìn thấy nhưng chúng luôn có mặt. Nó khiến cả gia đình đều bí bách, khó thở. Ở nhà tui không vậy” - Hà bộc bạch.

Mấy lần ghé nhà Hà chơi, tôi thấy mái ấm của bạn tỏa ra một nguồn năng lượng hài hòa, tươi mới. Giữa các thành viên luôn có sự yêu thương, tôn trọng để vừa quấn quýt, vừa được tự do thể hiện bản thân. Chồng bạn có phòng riêng, dàn máy tính riêng để thoải mái chơi game những lúc cần giải trí. Con gái bạn có góc đọc sách để bày bừa những cuốn truyện tranh đang đọc dở. Còn cậu con trai út, với sở thích tìm tòi, tháo lắp các loại máy móc, được ba mẹ cung cấp những vật dụng đủ an toàn để mặc sức theo đuổi đam mê.

Bữa ăn ở nhà bạn trôi qua chậm rãi và nhẹ nhàng. Ở đó, bạn sẽ vào vai bếp trưởng để chốt thực đơn bao gồm những món gì. Khi mâm cơm được dọn ra, các thành viên sẽ tùy ý lựa chọn món và cách ăn. Món gì thích thì ăn nhiều, thích vừa thì ăn ít, không thích thì không ăn.

Không khí gia đình bạn khiến tôi nhớ đến những chia sẻ của chị trưởng phòng ở cơ quan. Chị kể, ở nhà chị, ai cũng được tôn trọng, có không gian, thời gian được ở một mình. Chồng chị không tác động hay phản đối những kết nối ảo trên mạng của chị. Chị tự do tham gia các hội nhóm cây cảnh, làm vườn, khiêu vũ, các lớp học chữa lành, đầu tư tài chính… Chị kể cho chồng nghe về những điều thú vị chị học hỏi được. Chị nhận về từ anh những chia sẻ, lời khuyên. Chị cũng không càm ràm, xâm phạm không gian, quỹ thời gian riêng của chồng, miễn anh dành nó cho những điều lành mạnh.

Chị bảo: “Trước khi sống chung, ai cũng có một thời gian dài sống với những sở thích của mình. Được riêng tư, được làm điều mình thích chính là cách để mỗi người quay vào bên trong, tái tạo năng lượng để trở nên khỏe mạnh, tươi mới hơn”.

Tôi quay về “rà soát” lại bản thân. Đã bao lâu rồi tôi chưa lắng xuống để làm điều mình thích. Những điều tôi muốn cũng chỉ nhỏ bé, đơn giản như cách cậu út nhà tôi vẫn lựa chọn những viên kẹo ngọt, lắp con robot, vạch chiếc lá để dõi theo một chú sâu xanh.

Tôi thích nhâm nhi trà vào lúc sáng sớm, thích mùa hè ăn canh chua, thích giăng mùng ngủ ngoài hiên những đêm trời có trăng, thích bổ sung vào kệ giày một đôi sandal màu sắc sặc sỡ. Tôi cũng muốn tìm cách để kết nối lại với vài người bạn cũ thân thiết, thích cuối tuần rủ chồng và con ra ngoại ô, tìm đến một quán ăn chay, đắm mình giữa vườn cây xanh đầy hoa trái…

Làm điều mình thích, không phải là một ý niệm chỉ để đặt ra những giả định, giả tưởng trong đầu, càng không phải là điều nên quá cân nhắc, lần lữa. Đó là một hành động cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Như lời Ngân Hà bạn tôi từng nói: “Nếu đã là gia đình thật sự thì không lý gì khi có thêm một người được vui vẻ, những người khác lại mất vui. Mỗi cá nhân hạnh phúc, khi tham gia đời sống chung, chính họ cũng sẽ mang đến những món quà”.

Theo phụ nữ TPHCM