Sắp cưới, con gái có những câu hỏi kiểu như “Làm sao má biết ba thích gì?”.
Hỏi vậy là trong lòng mong muốn chọn được món quà thật đúng ý người mình thương, chị vuốt tóc con và nhớ lại thời trẻ trung của mình. Là cô gái xinh đẹp được săn đón chiều chuộng nên chị đâu cần biết người ta thích gì, có biết chăng là người ta thích nhìn thấy chị cười vui và thấy chị hài lòng với những món quà mà người tặng ra công tìm kiếm sao cho độc đáo…
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sau khi cưới, vai trò dần đảo ngược. Đến bữa, trong mâm có món nào khiến chồng ngon miệng mà bới thêm chén cơm thì chị nhớ để mà hay nấu món đó. Dù không dặn lòng chú ý nhưng cứ tự nhiên mà nhớ những gì khiến chồng xuýt xoa. Như là cái áo nào khiến chồng mở to mắt thì chị hay mặc. Trước đây, chị hay mang giày cao gót để trêu chọc chiều cao của chồng, nay thì chị mang giày bệt để chồng có cảm giác vợ cần che chở…
Nhớ sinh nhật đầu tiên của chồng sau ngày cưới, chị chọn cái cà vạt sọc đỏ bởi anh hay nhắc tới loài hoa dâm bụt mọc bờ rào quê nhà. Sinh nhật kế tiếp, chị chọn cái áo sơ mi màu xám xanh vì có lần anh nói màu xanh giúp người ta giảm bớt căng thẳng… Vậy, chị lắng nghe và nhớ để biết anh thích gì. Thế rồi tình cờ đọc một bài báo viết về ngày 8/3 người vợ òa khóc vì nhận được món quà chồng tặng là cái máy giặt, chị giật mình nhận ra cà vạt và áo quần là việc đương nhiên phải sắm sửa, đâu đợi đến dịp này kia để gọi là quà.
Biết tặng gì bây giờ?
***
Thật khó giải thích thành lời. Ừ, hồi đó sao chị đoán được anh thích gì…
Rồi thì chị nhận ra chồng mình thích khoe vợ. Anh hay kiếm cớ gọi chị khi nhà đang có khách mà chị thì bận tay trong bếp. Nhiều khi chị bực mình lắm vì 2 tay đang dính gia vị vẫn phải vội lau chùi để đi lên phòng khách mà chẳng vì lý do gì, chỉ là anh muốn khách nhìn thấy mình có cô vợ thật xinh.
Rồi thì chị nhận ra anh muốn vợ mình chiều chiều đón anh trước cổng nhà, cho hàng xóm biết anh được yêu và được chờ mong, rằng một ngày xa cách thật là dài!
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Chiều ý anh nghe đơn giản vậy nhưng chị phải tính toán thời gian thật chi li. Văn phòng công ty vừa reo chuông báo hết giờ là chị đứng lên ngay chứ không nấn ná tám chuyện, ngay cả khi cái máy tính bị trục trặc đang phải sửa và cậu nhân viên nói “Chị đợi tí, còn xíu nữa là xong” mà chị đành phải nói thôi để mai làm tiếp khiến cậu nhân viên nhìn chị như kiểu người gì mà chi li tính toán từng giây. Đành chịu tiếng xấu thôi.
Chị phải về tới cổng nhà mình trước anh vài ba phút, sao cho hàng xóm nhìn thấy chị nấn ná đợi chồng, sao cho từ xa anh đã nhìn thấy mình được chờ mong… Nhiều khi, nhìn miệng cười hạnh phúc của anh, chị so sánh với mình thời thơ dại mong mẹ đi chợ về và thấy chồng mình sao quá trẻ con.
Chị giấu kín ý nghĩ này trong lòng vì anh xứng đáng để chị chiều chuộng. Anh rất chăm chỉ làm việc để chị không phải vất vả, ngay cả chuyện muộn có con anh cũng giành phần lỗi về mình và phân bua với nội ngoại một cách hài hước là chính anh muốn kéo dài thời trăng mật.
Đến khi có thai, chị vui mừng mà cũng buồn lắm vì da mặt chị bị thâm nám tệ hại, nhất dáng nhì da mà dáng thì đã sồ sề… “Chắc anh không còn muốn em chờ đón trước cổng nữa đâu phải không?” - chị hỏi với chút tủi thân. Anh ôm choàng chị vào lòng, nếu em chịu vác bụng bầu tới tận công ty đón anh thì hay quá.
***
Em bé ra đời, thời trăng mật kéo dài chấm dứt. Không còn chờ đợi nhau trước cổng nữa vì đi làm về chị phải lao ngay vô bếp mới kịp cả cơm lẫn cháo, còn anh thì kiếm việc làm thêm bằng cách dạy tiếng Anh.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Nhà nội mong cháu trai nên hững hờ bé gái, sự quan tâm thăm nom chỉ là cho có, đôi khi còn bóng gió xa xôi thúc hối chị mau có bầu lần nữa. Nếu cũng là bé gái thì sao? Chị tự hỏi, buồn bực và trút nỗi buồn bực thành những cơn cau có gắt gỏng. Anh mệt mỏi giữa vợ con và cha mẹ nên hay kiếm cớ ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên về trễ với lý do nhận dạy thêm vài ca buổi tối cho nhóm bác sĩ tại bệnh viện.
Lẽ ra là bảo vệ hạnh phúc của mình thì chị đẩy anh ra xa để rồi ôm con khóc.
Chiều hôm đó, em bé lẫm chẫm tập đi. Bước cuối cùng, em bé té nhào, chị bế con lên dỗ dành: “Nhìn kìa, đẹp chưa kìa”, là chị nói giàn hoa giấy rực rỡ bên kia đường rung rinh trong gió chiều. Ngờ đâu đúng lúc anh chạy xe về tới, nghĩ là mình được 2 mẹ con chào đón, anh nhanh chóng nhảy khỏi xe và bế bổng em bé lên rồi ôm choàng luôn cả vợ, tươi cười rạng ngời.
Vậy đó, người đàn ông trụ cột gia đình của chị sau bao năm vẫn rất thích được chào đón sau mỗi ngày đi làm về. Và chị vẫn giấu kín ý nghĩ chồng mình trẻ con quá.
Chị âm thầm ghi nhớ giờ giấc những ca dạy của anh để ngay cả khi anh về nhà lúc 9g30 tối sau ca dạy cuối cùng của ngày thì chị đã bế con ra cổng từ trước đó vài phút. Anh hỏi bằng giọng hồ hởi: “Sao em không dỗ con ngủ trong phòng mà ra đây làm gì?”.
Chị trả lời: “Anh chưa về nên con chưa chịu ngủ”. Anh nhanh nhảu nhảy xuống xe, cười rộng miệng dang rộng 2 tay đón lấy em bé và hít hà: “Ba về rồi đây, ngủ ngon đi con”.
“Vậy những ngày mưa thì sao hả má?” - con gái thắc mắc.
Mưa, à…, có một đợt gió mưa. Lúc đó con học lớp Bảy và nhà mình đã có thêm bé Bi. Trong nhóm bác sĩ học tiếng Anh, có một cô… Bữa đó, ba con bị viêm họng, cô ấy kê toa thuốc, rồi cô ấy tặng kẹo ngậm ho. Đàn ông đôi khi xiêu lòng chỉ vì mấy viên kẹo bọc đường…
Những ca tối nào dạy ở bệnh viện thì ba thường về trễ, khi các con đã ngủ say và má đã sợ là ba không về nữa.
Tức giận, má thôi không bế bé Bi ra cổng chờ đón người đàn ông bội bạc nữa. Má lặng lẽ chuẩn bị cho sự ra đi. Nhưng vào buổi tối trước ngày định ra đi, má bế bé Bi ra cổng. Chắc con không nhớ, tối đó con đang ngồi học thì má nói con ngừng một chút để cùng ra cổng với má và em Bi, con đã nổi cáu là ba không về mà má chờ đón làm gì.
Má đã hy vọng là ba con về đúng giờ lần cuối cùng trong ngôi nhà từng hạnh phúc tràn trề này. Nhưng quá giờ rất lâu mà ba con vẫn chưa về, má vẫn bế bé Bi đứng đợi, nỗi đau trong lòng nhân gấp bội mà má vẫn tâm niệm đây là lần cuối cùng cho nên trễ đến mấy cũng đành.
Rồi thì ba con cũng xuất hiện, ngạc nhiên và ngượng ngùng khi nhìn thấy má bế bé Bi đứng đợi vào lúc 12g đêm. Má nói “Con đợi anh lâu quá nên ngủ mất rồi”, chợt giọng con vang lên ngay sau lưng má: “Con vẫn còn thức đây mà”. Má muốn mình thật cứng cỏi và kiêu hãnh mà vừa nghe con nói xong thì má sụp người xuống, bé Bi giật mình mở mắt nhìn quanh ngơ ngác còn con thì òa khóc. Má bật khóc theo con.
Tay này ba ôm con, tay kia ba bế bé Bi. Rồi ba cũng khóc…
***
Vậy đó, món quà ba con thích nhất là được chờ đón và má từng coi đó là điểm yếu của ba, nên mỗi khi đụng chuyện thì má trừng phạt bằng cách không thèm chờ đón nữa. Má đâu biết sự không thèm chờ đón lại khiến ba nghĩ là đã hết thương yêu.
Có những món quà nhìn thấy ngay ở hàng quán, có những món quà phải lùng tìm mới được và cũng có món quà do chính mình “làm ra”. Ừ, không dễ… Nhưng với lòng yêu thương chân thành, rồi con sẽ biết được người mình thương thích gì.
Theo phụ nữ TPHCM