“Cha à, con yêu cha”.
Con tự hỏi mình đã bao lâu rồi con chưa dành cho cha những lời yêu thương như thế? Đã bao lâu rồi con chưa dành cho cha một cái ôm thật chặt, những cử chỉ ân cần? Cả cuộc đời cha hy sinh, lo lắng cho con. Vậy mà một câu yêu thương con cũng chẳng thốt nên lời. Con thật vô tâm phải không cha?
|
|
Tác giả bên cha mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Là con gái, con gần gũi với mẹ mà ít thể hiện tình cảm với cha. Từ nhỏ, con được cha giáo dục vô cùng nghiêm khắc. Từ việc đi đứng nói cười đến việc ăn mặc đều phải theo sự chỉ đạo của cha. Cha dạy con gái phải thế này thế nọ, dù khi đó con mới là đứa trẻ chẳng biết gì. Trong mắt con khi ấy, cha là một người đàn ông gia trưởng, khó tính vô cùng.
Và con đã từng giận cha, trách cha sao lúc nào cũng bắt con phải tự nhận lỗi, trách cha lúc nào cũng nghiêm nghị, cứng nhắc, chẳng mấy khi cha vui, cha cười với con cả. Phải chăng do con là con gái, không phải là đứa con trai mà cha thầm ước ao? Con đã hiểu sai về cha. Cha ơi, con ngàn lần xin lỗi.
Ngày con bất đắc dĩ mặc áo cô dâu khi mới tròn 18 - cái tuổi vẫn còn hồn nhiên, ngốc nghếch - con đã nhất quyết không đồng ý chàng rể mà cha chọn. Con khóc thật nhiều. Con đã từng nghĩ cha chẳng thương con. Nhưng rồi sau nhiều năm trôi qua, con thầm cảm ơn cha đã chọn cho con một người chồng tốt. Anh ấy tuy chẳng lãng mạn, cả đời chẳng bao giờ biết nói lời yêu thương, nhưng anh sẽ là người đàn ông thứ hai sau cha yêu thương con vô điều kiện. Anh sẽ che chở, bảo vệ cho con gái cha suốt cuộc đời. Và con hiểu, cha chỉ cần có thế.
Con nhớ ngày sắp sinh cháu đầu lòng, con về thăm cha. Không hiểu sao mà con bị đau bụng lâm râm cả buổi. Cha lo lắng, lấy xe đạp cũ chở con đi 15km giữa trưa nắng gắt để đến bệnh viện. Vậy mà con chẳng thể nói một lời cảm ơn cha. Con gái đi lập nghiệp nơi xa, năm nào gần tết con gọi điện về, cha cũng hỏi: “Bao giờ con về ăn tết?”. Con cứ viện đủ lý do để cha thông cảm. Con cứ ngỡ rằng, con gửi biếu cha ít tiền xài tết là cha vui. Con đâu hiểu rằng thứ cha cần không phải những đồng tiền con gái vất vả kiếm được mà là cần nhìn thấy con cháu trở về nhà sum họp. Cha ơi, con đã sai rồi.
Mỗi lần về thăm cha, đường xa nên con hay về không đúng bữa. Con đã dặn cha mẹ ở nhà ăn cơm trước, con về ăn sau. Vậy mà cha nhất quyết đợi con. Có lần lỡ chuyến bay, con về nhà lúc nửa đêm, cha thức canh cả đêm không ngủ. Nghe tiếng chó sủa là cha biết con về. Cha lật đật ra tận cổng kéo vali cho con. Lần nào cha cũng bảo “sao gầy thế con”. Và trên bàn, cha đã luộc sẵn mấy trứng gà để con gái ăn cho lại sức. Con ngồi ăn, đối diện khuôn mặt thương yêu gầy hóp, nhiều vết nhăn khắc khổ hằn sâu, con giật mình nhận ra mái tóc cha đã bạc trắng tự khi nào. Con thảng thốt nhìn hàm răng của cha nay cái còn cái mất. Những món ăn bình thường cha rất thích, nay cha không thể ăn được nữa rồi. Cha à, con thương cha nhiều lắm.
Giờ đây, khi con gái của cha đã gần 40 tuổi, đủ trưởng thành để hiểu ra những vất vả, hy sinh thầm lặng của cha khi xưa. Nếu không có những nghiêm khắc ngày xưa ấy, đã không có con ngày hôm nay. Con gái của cha đã độc lập, kiên cường vượt qua bao khó khăn, thử thách nơi đất khách quê người, không có cha bên cạnh. Nhưng trong mắt cha, con mãi mãi là đứa trẻ năm nào.
Con thấy mình thật may mắn khi giờ đây vẫn chưa phải là quá muộn để con nói những lời yêu thương, chưa quá muộn để con làm tròn chữ hiếu. Con sẽ thường xuyên về thăm cha, cùng cha ăn bữa cơm đoàn viên. Con sẽ gọi điện về trò chuyện với cha nhiều hơn. Mỗi lần gọi về, con sẽ nói những lời con chưa từng nói: “Cha à, con yêu cha”.
Theo phụ nữ TPHCM