Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, từ ngày 15/9/2024, Việt Nam sẽ chính thức tắt sóng 2G để phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân.

Nhiều người con ở xa mua smartphone tặng cha mẹ ở quê, nhưng cha mẹ lại xài không quen. Để kết nối tình thân, nhiều người già ở quê chọn mua các dòng điện thoại đơn giản, dùng được sim 4G, nhưng chỉ có chức năng nghe - gọi.

Xôn xao trước giờ tắt sóng 2G

Một ngày đầu tháng 8/2024, bà Năm (66 tuổi, Long An) tá hỏa vì chiếc điện thoại của mình xài hơn chục năm qua bỗng dưng trở chứng, không gọi được cho con trai ở TPHCM.

leftcenterrightdel
 Nhiều người lớn tuổi ở quê không quen dùng điện thoại thông minh, chỉ thích điện thoại “cùi bắp” với chức năng đơn giản - ảnh minh họa: Thành Vũ

“Rõ ràng chiều tối qua nó gọi, tui còn bắt máy nghe được, bây giờ lại không gọi được; tiền vẫn còn, hay máy bị hư rồi?” - bà Năm cầm điện thoại chạy sang nhà hàng xóm hỏi thăm. Sau một hồi mò mẫm, người hàng xóm chợt nhớ ra: “Thôi, tui hông biết điện thoại của cô hư chỗ nào, nhưng khỏi sửa đi cô, vì điện thoại của cô đang dùng sóng 2G, mà sóng này chuẩn bị cắt, ra tiệm mua điện thoại thông minh thôi cô ơi”.

Chứng kiến câu chuyện, bà Nguyễn Hồng (60 tuổi) nói chen vô: “Khoan ra tiệm mua, để tui gọi cho thằng cháu làm ở nhà mạng. Nghe nó nói có điện thoại kiểu “cùi bắp” này mà đời mới, xài được 4G nè; ngoài tiệm giá 720.000 đồng, nó bán hữu nghị 650.000 đồng thôi, lại giao tận nơi”.

Khoảng 15 phút sau, anh Liêm - cháu bà Hồng - chạy xe máy tới trước cửa nhà, bưng một thùng điện thoại 4G giá rẻ, chức năng nghe gọi là chủ yếu. “Máy cao nhất giá 1,5 triệu đồng, có chức năng chụp hình, còn máy rẻ 650.000 đồng, cô lấy loại nào?” - anh Liêm hỏi. “Lấy tui loại sáu trăm rưỡi thôi, mà giống y chang như máy cũ nha, chứ bàn phím không giống, tui xài không được” - bà Năm nói. Cùng chung nỗi niềm, bà Hồng nói theo: “Tui cũng vậy. Máy mới giống y chang máy cũ, khỏi học cách xài, khỏi cần chụp hình gì hết, nghe - gọi là được”.

“Đập hộp” 2 chiếc máy mới, anh Liêm lắp pin, tháo sim, chép danh bạ từ máy cũ qua máy mới rồi hướng dẫn: “Máy này giống y như máy cũ luôn nè, mấy cô nhìn vô là biết xài liền ha, đơn giản lắm”.

Sau một lúc thao tác khi nhận máy mới, bà Năm nhờ hướng dẫn vào mục danh bạ, vì “máy cũ nó nằm chỗ này, bây giờ không thấy đâu”. Anh Liêm tỉ mẩn chỉ, khi thấy hiện lên tên và số điện thoại của con trai đang ở xa, bà Năm mới yên tâm.

Còn bà Hồng, sau khi đổi điện thoại mới, thấy xài cũng đơn giản nên quyết định mua thêm 1 cái cho chồng, vì vợ chồng bà đều không biết xài điện thoại thông minh, vừa tốn tiền, vừa khó sử dụng, mà người già lại hay quên.

Điện thoại nào cũng được, miễn là má vui

Anh Trần Tâm (27 tuổi, đang làm việc ở TPHCM) kể, tết năm rồi, anh kêu thợ lắp đặt wifi, trả tiền cước trước 1 năm, rồi mua tặng má chiếc smartphone để mỗi tối má con gọi video thấy mặt nhau cho đỡ nhớ.

Trong mấy ngày nghỉ tết ở nhà, anh tập cho má xài điện thoại thông minh. Nào là cách nhận cuộc gọi, cách nhắn tin gõ tiếng Việt có dấu. Anh còn tạo một tài khoản Facebook để má đăng bài, nhắn tin; chỉ cho má cách vào YouTube xem mấy bộ phim Việt Nam má thích.

Sau mấy ngày học xài điện thoại thông minh, má anh nhất định đòi con trai lắp sim vào lại máy cũ, vì “má xài điện thoại cùi bắp quen rồi con ơi, máy mới cứ quẹt tay vô là nó nhảy tùm lum, khó quá!”.

Đợt về thăm nhà gần đây, anh mua cho má chiếc điện thoại “cùi bắp” dùng sóng 4G, giá chưa đến 1 triệu đồng. Anh Tâm thuyết phục lắm, bà mới chịu giữ lại để coi phim, coi cải lương, nhưng với điều kiện phải có thằng cháu ngoại đang học lớp Sáu ở gần đó qua mở máy giùm.

Cùng chung nỗi niềm, chị Thúy Anh (32 tuổi, quê Tiền Giang) từ ngày theo chồng về TPHCM sinh sống đã rất muốn má ruột xài điện thông minh để thấy mặt khi gọi điện. Chị háo hức mua tặng má chiếc smartphone, cẩn thận lấy quyển sổ nhỏ ghi chép, vẽ hình các biểu tượng (icon) và ghi rõ chức năng từng hạng mục, nhưng cuối cùng bà vẫn “không quen xài”.

Chị nói: “Má lớn tuổi, mắt kém, tay run nên không gõ tin nhắn được. Có lần wifi ở nhà lỗi kết nối, tôi phải nhờ bà chị họ qua giúp”. Trầy trật một thời gian, cuối cùng chị Thúy Anh cũng chấp nhận một sự thật là người già không thích hợp xài thiết bị thông minh.

Nhìn má loay hoay, căng thẳng, khổ sở với chiếc điện thoại; chị không ép bà nữa mà gửi tiền về quê nhờ đứa em mua cho má loại điện thoại 4G chỉ có chức năng nghe và gọi.

Chủ động nạp tiền điện thoại cho má

Anh Trần Tâm kể, má anh ở quê có buôn bán nhỏ ngoài chợ. Bây giờ bạn hàng chủ yếu dùng smartphone để gọi, nhắn tin qua Facebook, Zalo cho đỡ tốn tiền. Chỉ có má anh vẫn chuộng dùng điện thoại “cùi bắp” nên khi cần liên lạc, vẫn phải nhắn tin SMS hoặc gọi điện.

Muốn nạp tiền, bà phải ra tiệm điện thoại gần nhà nhờ người nạp mỗi lần 20.00-30.000 đồng. Thương má, anh Tâm cứ áng chừng khi điện thoại má gần hết tiền là lại nạp cho bà vài trăm ngàn đồng. Từ ngày có con trai nạp tiền từ xa, má anh cũng thoải mái xài điện thoại hơn.

Anh Tâm chia sẻ: “Má tôi già rồi. Thay vì ép bà làm quen với công nghệ thì thôi cứ chọn cách mà má thấy vui vẻ, thoải mái nhất là được”.

Theo phụ nữ TPHCM