Chỉ sau hai tiếng đồng hồ, máy bay đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, cậu bé Hà Nội mới 9 tuổi vừa chạy theo bố vừa ngơ ngác thấy cái gì cũng lạ. Cậu hỏi luôn miệng hết câu này đến câu khác. Bố không hề khó chịu khi phải trả lời quá nhiều câu hỏi bởi vì hôm nay bố đang vui.
Ảnh minh họa
Gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên. Mái tóc bố đen dày bồng bềnh. Hàm râu quai nón mới cạo xanh mờ mờ trên má. Bố chất hành lý lên chiếc xe đẩy ra cửa phòng chờ. Trên vai ông đeo một cái cặp to và mỏng, bên trong kẹp mấy bức tranh mới vẽ.
Nghĩa bất giác nhận ra bố mình rất đẹp, trông bố mới nghệ sĩ làm sao.vNghĩa vừa lăng xăng chạy theo bố vừa thấy trong lòng xốn xang niềm tự hào.
Nghĩa hiểu vì sao hôm nay bố vui thế. Vì từ hôm nay bố thoát khỏi người phụ nữ mà bố cho là đeo bám cuộc đời bố bấy lâu nay. Bố cũng không bao giờ còn phải trở về căn phòng nhỏ bé ở Hà Nội mà bố gọi là “nhà tù”.
Có cái gì nhói lên trong tim Nghĩa. Bởi người phụ nữ ấy chính là mẹ Nghĩa và cái “nhà tù” ấy là nơi Nghĩa đã sinh ra và lớn lên trong vòng tay nâng niu của mẹ.
Và mới chỉ trước hôm hai bố con ra đi, mẹ còn ngồi gói ghém từ tuýp kem đánh răng đến cái bàn chải nhỏ xíu, mấy cái lọ con con đựng các thứ thuốc mà Nghĩa hay dùng. Khi mẹ cúi xuống nắn nót ghi tên từng loại thuốc vào những mẩu giấy nhỏ để dán vào mỗi lọ, Nghĩa nhận ra một giọt nước mắt mẹ ướt nhoè nét chữ...
Bỗng một tiếng reo mừng rỡ cắt ngang dòng hồi tưởng của Nghĩa:
- Anh Tiến! Em đây mà!
- Liên!
Bố cũng reo lên, mừng rỡ đi về phía tiếng gọi. Hai người ôm choàng lấy nhau. Nghĩa thẫn thờ nhìn người phụ nữ trẻ hơn mẹ đến chục tuổi đang áp đầu vào ngực bố, hai mắt đỏ hoe có lẽ vì quá xúc động. Một lát sau bố như bừng tỉnh quay lại nói dịu dàng:
- Nghĩa lại đây chào... cô đi con!
Người phụ nữ rời bố ra cúi xuống nhìn vào mặt Nghĩa vẻ thân thiện:
- Trời con trai xinh quá, giống bố như đúc.
Nghĩa mấp máy môi lí nhí:
- Cháu chào... cô ạ!
Cô Liên gọi một chiếc taxi. Trong dòng người xe nườm nượp, chiếc xe chở bố con Nghĩa và cô Liên chạy êm ru, tiếng nói cười sang sảng của bố mà ở Hà Nội, Nghĩa không thấy bố vui như thế bao giờ.
Xe đỗ trước một khu chung cư cao tầng. Căn hộ ở đây khá rộng. Nghĩa ở một phòng, bố với cô Liên ở một phòng. Nơi rộng nhất dành làm xưởng vẽ của bố. Hàng ngày bố chỉ đến cơ quan một lúc lại về nhà mải miết vẽ tranh và cô Liên dẫn khách về mua. Có hôm bán được nhiều tiền cả nhà đi ăn hàng. Bố vừa ân cần gắp cho cô Liên vừa gắp cho Nghĩa. Bố bảo :
- Ăn đi, món này ngoài Hà Nội không có đâu con ạ!
Bố biết đâu rằng chính câu nói đó làm Nghĩa không thể nào nuốt được. Hai tiếng “Hà Nội” gợi lên trong trái tim non nớt hình ảnh mẹ. Giờ này mẹ làm gì? Chắc là mẹ đang ngồi ăn một mình bên chiếc bàn tròn có ba cái ghế. Nghĩa nhớ cả cách ăn của mẹ, bao giờ cũng thong thả, như vừa ăn vừa suy ngẫm điều gì chứ không cười nói luôn miệng như người phụ nữ đang ngồi trước mặt Nghĩa. Và trong khoảnh khắc, gương mặt mẹ hiện lên rất rõ. Đôi mắt mẹ buồn và những giọt nước mắt lăn dài trên làn da trắng xanh xao.
Trước khi ly hôn, bố mẹ phải ra toà đến ba lần. Lần nào bố cũng đem Nghĩa đi theo. Bố bảo:
- Con cần có mặt ở toà, rồi lớn lên con sẽ hiểu.
Trước toà, giọng bố rất ôn tồn, bố nói đâu ra đấy. Còn mẹ nói rất nhỏ và ấp úng có lúc nghẹn lại không nói được. Theo những gì Nghĩa hiểu thì hình như bố mẹ căng thẳng nhất là chuyện ngoại tình. Mẹ nói không thể chấp nhận được người chồng như bố, vì mẹ có bằng chứng là những bức ảnh chụp cảnh bố cùng người khác đi vào "nhà nghỉ".
Bố cũng có bằng chứng là những tin nhắn chứng tỏ mẹ ngoại tình và nhiều lần bố bắt được quả tang nhưng vì bất ngờ nên không kịp chụp ảnh. Mẹ nói là bố bịa đặt một cách trắng trợn.
Nghĩa nhớ rõ phiên toà thứ hai, trong khi Nghĩa đang gục xuống đau đớn vì tia hy vọng cuối cùng đã bị dập tắt thì bỗng giật nảy mình vì không biết bố vừa nói câu gì mà mẹ như quát lên:
- Bịa đặt khốn nạn đến thế là cùng!
Quan tòa phải lắc đầu vì không thể hòa giải được nữa.
Tối hôm đó, bố dẫn Nghĩa ra công viên gần nhà. Hai bố con ngồi trên ghế đá. Bố nói rất nhiều về mẹ. Nghĩa chỉ khóc vì theo lời bố kể thì mẹ là một người đàn bà hư hỏng mặc dù Nghĩa thấy ai cũng quý mến mẹ. Bố buộc phải ly hôn để làm lại cuộc đời. Bố sẽ mang Nghĩa theo và sẽ tạo cho Nghĩa một tương lai tươi sáng. Nghĩa sẽ theo nghề bố vì Nghĩa có năng khiếu hội họa. Còn mẹ chắc chắn sẽ sống với gã kia. Một gã đàn ông mà theo bố, đủ mọi tật xấu trên đời, mặc dù Nghĩa chưa bao giờ nhìn thấy người đó và cũng chẳng biết là có thật hay không?
Đến phiên thứ ba, trước khi toà tuyên bố xử cho bố mẹ ly hôn, người ta hỏi Nghĩa muốn ở với ai? Nhớ lời bố dặn đi dặn lại nhiều lần, Nghĩa cúi đầu nói lí nhí:
- Cháu muốn ở với… bố.
Sau câu nói của Nghĩa, mẹ nhìn con sững sờ. Mẹ chới với ngã ngồi xuống ghế. Nghĩa ôm lấy mẹ mếu máo:
- Con cũng muốn ở với mẹ...
Sống ở Sài Gòn được độ hai năm hình như tranh của bố bán không được. Có lần bố cãi nhau với cô Liên, Nghĩa nghe tiếng cô ấy nói:
- Con người như anh không thể nào hoà nhập được với cái “gu” của Sài Gòn.
Tiếng bố tức tối gầm lên: “Trật tự đi”.
Những cuộc cãi vã ngày một nhiều, có hôm xen lẫn tiếng đổ vỡ loảng xoảng. Rồi một hôm vào khoảng 3 giờ sáng, Nghĩa giật mình tỉnh dậy thấy bố mặt đỏ gay cầm cái ghế phang vào mấy bức tranh treo trên tường và cuối cùng là một tiếng “bốp”. Cô Liên chỉ kêu “Ối” một tiếng, ngã vật ra sàn. Trong tiếng khóc nức nở của ngườì phụ nữ, không hiểu sao Nghĩa lại nghe thấy một câu giống hệt như mẹ nói ở toà án:
- Khốn nạn đến thế là cùng! .
Và ngay trong đêm đó, cô Liên nhét bừa những quần áo, tư trang vào chiếc vali, lặng lẽ kéo đi, không nói với Nghĩa một lời nào.
Từ hôm đó bố uống rượu thường xuyên hơn. Bạn bè của bố toàn những người thích nhậu và tranh luận ầm ầm, Nghĩa không thể nào học hành gì được. Những lúc ấy hình ảnh mẹ lại hiện ra.
Càng lớn lên Nghĩa càng thương mẹ. Nghĩa chỉ dám gọi điện cho mẹ những khi bố vắng nhà. Nghe Nghĩa nói mẹ chỉ khóc. Mẹ bảo con hãy trở về đây với mẹ, lúc nào mẹ cũng nhớ con và Nghĩa cũng khóc. Nhưng khi Nghĩa nói muốn ra Hà Nội bố lại quát ầm lên.
Chỉ hai tháng sau lại có người phụ nữ khác đến sống với bố. Nhưng bầu không khí chỉ êm ả được độ một tháng đầu rồi lại căng thẳng như hồi trước. Cho đến một hôm điện thoại réo. Nghe bố nói chuyện, Nghĩa biết là mẹ gọi vào. Chắc mẹ xin được đón Nghĩa ra Hà Nội. Đúng lúc Nghĩa nhận ra mình càng lớn lên càng trở thành vật cản trong cuộc sống chung của bố với người tình. Sau mấy lần nói chuyện với mẹ, bố hỏi Nghĩa có muốn ra Hà Nội không? Nghĩa rơi nước mắt khẽ gật đầu.
Ảnh minh họa
Thế là sau ba năm, hôm nay Nghĩa lại ngồi trên máy bay trở về với mẹ. Vừa nhìn thấy Nghĩa bước ra, mẹ nhào đến ôm chầm lấy con nước mắt rưng rưng:
- Ôi con mẹ lớn quá.
Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Cổ họng Nghĩa cứ nghẹn tắc lại không nói được câu nào. Đến bây giờ Nghĩa mới hiểu trên thế gian này không có nơi nào ấm áp bình yên hơn lòng mẹ.
Theo giadinhonline.vn