Lộc con gái

ở một số làng quê vùng bãi ngang huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có phong tục không nhận phong bì trong đám cưới con gái. Người dân nơi đây cho rằng, tiệc cưới càng nhẹ nhàng càng ấm cúng, đỡ phiền hà. Điều đó đã trở thành nét đẹp truyền từ đời này sang đời khác.

“Trước khi con gái đi lấy chồng, nhà trai sẽ đến nhà gái nạp tài. Nhà gái coi khoản tiền này là lộc con gái đi lấy chồng, dùng để tổ chức đám cưới. Bao đời qua, hầu như đám cưới con gái trong làng không ai nhận phong bì nữa” - ông Hoàng Sỹ Huệ - 73 tuổi, trú xóm Yên Đồng, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu - nói về lý do từ chối nhận phong bì mừng ở đám cưới của cả 2 cô con gái ít năm trước.

Thực tế, khoản tiền thách cưới ở vùng quê này không lớn, dao động từ 5-15 triệu đồng, tùy hoàn cảnh từng gia đình. Chừng ấy là không đủ để trang trải cho một đám cưới tươm tất, phần lớn vẫn do nhà gái lo liệu.

leftcenterrightdel
 Bà Loan bên bức ảnh đại gia đình

Chi ra nhưng không thu vào, phần lớn đám cưới ở nhà gái thường được người dân xã Diễn Vạn tổ chức nội bộ, ít mời khách ở xa để bớt gánh nặng về tài chính. Ông Huệ bảo, cũng nhờ tục lệ này, nhiều gia đình họ nhà gái có thể tổ chức tiệc cưới cho con gói gọn trong họ hàng, bạn bè thân thiết mà không vấp phải sự trách móc của bạn bè, người quen ở xa.

“Không chỉ con gái mà đám cưới con trai nhà tôi cũng tổ chức nhỏ thôi, chỉ mời anh em, họ hàng trong làng chứ không mời rộng” - bà Trần Thị Loan (70 tuổi) nói. Lau bức ảnh đại gia đình treo ở thềm nhà, bà Loan cho hay, đã 5 lần tổ chức đám cưới cho con (3 trai, 2 gái), song chỉ 1 lần gia đình nhận phong bì mừng ở đám cưới cậu con cả. 

Những lần tổ chức đám cưới cho con tiếp theo, dù trai hay gái, vợ chồng bà Loan đều không nhận tiền mừng. Xác định không nhận phong bì, trong các đám cưới, bà Loan đều không chuẩn bị thùng bỏ phong bì, song vì đã lỡ chuẩn bị sẵn, nhiều người quen vẫn cố “dúi” tiền mừng cưới vào túi vợ chồng bà bằng được.

“Vì có 3 con trai nên vợ chồng tôi bàn chỉ nhận phong bì 1 lần thôi. Thế nhưng nhiều người vẫn muốn đưa cho bằng được. Giữa đám cưới nói nhiều thì mất hay nên chúng tôi nhận để mọi người ăn uống cho ngon miệng. Sau khi tiệc xong thì đến nhà họ cảm ơn rồi trả lại” - bà Loan nói.

Từ chối nhận phong bì mừng ở đám cưới của 2 cô con gái, song bà Vũ Thị Liên (70 tuổi) nói “không thấy thiệt thòi”. Không nhận tiền mừng, đám cưới con gái bà Liên chỉ làm 20 mâm, gọi là mời anh em họ tộc, hàng xóm thân thiết đến chung vui. “Nếu lấy tiền mừng cưới rồi tổ chức linh đình cả trăm mâm, kéo theo nhiều chi phí khéo lại mệt hơn. Mình không nhận tiền mừng, sau này đám cưới khác trong làng mình cũng không phải lo bỏ tiền mừng bao nhiêu nữa” - bà Liên cười nói. 

Điều chỉnh để đám cưới văn minh hơn


Những đám cưới ở nhà gái được tổ chức đơn giản cũng tạo nên những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đó là “trọng nam khinh nữ”. Tuy nhiên, chị Phạm Thị Hằng (32 tuổi) nói, không chỉ đám cưới ở nhà gái, nhiều đám cưới ở nhà trai nơi đây cũng tổ chức gọn nhẹ, không nhận tiền mừng. Việc tổ chức đám cưới lớn hay nhỏ, số lượng mâm cỗ ít hay nhiều chỉ là vấn đề hình thức. Ngày cưới, bạn bè ở xa của cô dâu cũng được mời đến dự tiệc, nhận tiền mừng trong ngày rước dâu như mọi làng quê khác.

Gần 10 năm trước, lúc đang là sinh viên năm cuối ở Hà Nội, chị Hằng không ít lần được bạn bè giục cưới chồng với lý do “cưới mày không phải gửi phong bì đúng không? Để bọn tao về ăn miễn phí”. Mỗi lần như vậy, Hằng chỉ cười bảo rằng: “Đúng rồi. Nhưng tao không nhận phong bì, sau này cưới tụi bây cũng không phải mừng lại”.

Với chị Hằng, tục không nhận phong bì trong đám cưới là một nét đẹp, giúp nhiều người không còn thấy gánh nặng mỗi mùa cưới. Trong khi đám cưới ở nhà gái thường tổ chức gọn nhẹ, đám cưới ở nhà trai lại thường phải tính toán rất kỹ mâm cỗ vì nhiều người dù không mời cũng tới dự tiệc. “Cái này thì thực sự chưa đẹp, nên thay đổi để đám cưới được văn minh hơn” - chị Hằng nói.


leftcenterrightdel
Chị Hằng bên con gái và mẹ chồng 

Tục không nhận phong bì mừng cưới con gái từng tồn tại ở nhiều làng quê vùng bãi ngang huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, do gây ra gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình có đông con gái nên nhiều nơi đã quyết định bỏ. Ông Trần Minh Tuấn - Bí thư xóm Yên Đồng - cho biết, trải qua hàng trăm năm, hiện phong tục này đã có một số thay đổi. Với những gia đình sinh con một bề gái, gia chủ thường nhận phong bì mừng 1 lần để vừa nhận lộc của làng, vừa giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Ông Hoàng Thiên Long - Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn - cho hay, hiện không chỉ đám cưới ở nhà gái, nhiều đám cưới ở nhà trai cũng được người dân tổ chức nội bộ, không nhận phong bì mừng. “Ngày nay, nhiều người tổ chức đám cưới cho con thường chỉ mời rộng và nhận phong bì mừng 1 lần, không kể trai hay gái. Nhà có 3 con trai thì cũng chỉ mời rộng 1 lần, những lần sau thường tổ chức nội bộ. Ngoài đám cưới, giờ người dân Diễn Vạn cũng rất hiếm khi tổ chức tiệc mừng tân gia, có chăng cũng chỉ làm vài mâm cơm mời người thân thiết thôi” - ông Hoàng Thiên Long nói. 

Nhà gái sắm đồ phòng tân hôn

Phong tục của người Thái ở Nghệ An xưa quy định, lễ nạp tài của nhà trai phải gồm 2-4 nén bạc (1 nén bạc được quy đổi tương đương 2 chỉ vàng) và 1 con trâu. Nay bạc nén không còn được sử dụng, phần thách cưới này được quy đổi thành 20 triệu đồng.

Chị Sầm Thị Trang (trú xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết, dù khó khăn đến đâu thì nhà trai cũng phải vay mượn đủ tiền để đưa cho nhà gái trong lễ nạp tài. Nếu chưa chuẩn bị đủ tiền thì phải đợi lúc nào đủ mới được làm lễ cưới. 

Nhà trai mang tiền đến nhà gái nộp. Nhà gái dùng phần lớn số tiền nạp tài để mua sắm chăn, ga, gối, nệm, chiếu và giường. Đến ngày cưới, nhà gái nhờ trai bản gánh đến nhà trai đặt vào phòng tân hôn để vợ chồng sử dụng. Trước đây, người Thái rất vất vả để chuẩn bị chăn, chiếu cho phòng tân hôn. Họ thường phải mất nhiều tháng trời đi cắt cói về phơi khô để làm chiếu, mỗi đám cưới thường phải chuẩn bị 8 cặp chiếu. Chăn được các bà mẹ người Thái tự thêu. 

Đến nay, người Thái ở Nghệ An vẫn giữ phong tục độc đáo trong nghi thức rước dâu về nhà chồng. Đó là rước dâu khi trời vừa rạng đông với quan niệm thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày là trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất. 

Theo phụ nữ TPHCM