Tôi cũng như bao anh chị khác, nhận nhiều thiệp mời, coi đám cưới như một kiểu giao tiếp bình thường của cuộc sống. Cũng là bạn bè thân, bà con họ hàng cả, mình đi dự đám cưới với tâm thế vì cô dâu chú rể, vì ba má của cô dâu chú rể, mừng cho ai đó trong đời được gặp nhau, được kết thành đôi lứa với nhau. Vì vậy, nếu có điều gì đó, mọi người cũng sẵn sàng cho qua, không để chút bực mình nho nhỏ làm ảnh hưởng đến niềm vui chung của gia đình, bè bạn.

Nhưng lâu dần, những bực mình nho nhỏ đó cứ lặp lại mãi, đến một lúc, mình không còn hào hứng đi đám cưới nữa. Niềm vui được đến dự một ngày đầy ý nghĩa của bạn bè trở thành một nghĩa vụ, không đi thì không được, mà đi thì mệt. Đôi khi cũng nghĩ tại mình không nói ra, mình chỉ khen thôi (ngày vui mà) nên cưới xin ngày càng “lậm”. Đôi lần đến dự một đám cưới mà không gặp ai quen, không nói chuyện thân mật được với ai, chỉ bỏ phong bì, ăn xong một bữa rồi về, thấy vô duyên chi lạ!

Bạn không thích gì ở đám cưới?

Đám cưới bây giờ hay đãi tiệc ở nhà hàng, nhiều nhà hàng sang trọng có khi phải đặt trước cả năm. Khách mời lắm khi lần đầu đặt chân đến một nơi có đẹp, có sang thật nhưng hoàn toàn lạ lẫm với mình. Cái chất gần gũi, thân quen, đến cả tình thân vì thế cũng giảm bớt. Với những nhà hàng tổ hợp cưới chuyên nghiệp, nhiều sảnh cưới san sát nhau, không coi kỹ tên họ chú rể cô dâu, có khi vô lầm chỗ. Sự kiện hiếm hoi “đời người có 1 lần” trở thành bình thường, đại trà, công nghiệp.

Quan khách đến dự đông đã đành, ngay cả cha mẹ cô dâu chú rể vốn là những nhân vật quan trọng cũng bị chìm trong sảnh tiệc ồn ào. Khách tới đúng giờ mệt mỏi chờ đợi vì giờ dây thun, mệt mỏi ngồi nghe những tràng câu chữ nhiều khi như tra tấn của một người dẫn chương trình xa lạ nào đó. Bài dẫn đầy lời lẽ lạ lẫm phô trương, rập khuôn và nhiều khi còn vô duyên, còn chen vào những câu quảng cáo cho nhà hàng, tiệc cưới. 

Lần anh chị Khang mời đám cưới con trai ở một nhà hàng cũng thuộc loại lớn, vợ chồng tôi đi từ chiều nhưng cơn mưa lớn quá, tới hơi trễ, đã khai tiệc. Nhà hàng phục vụ theo thực đơn, lúc ngồi vào chỗ, tiệc đã đi đến món thứ ba, những người đến trễ chung bàn chỉ được phục vụ 2 món cuối cùng rồi đứng dậy.

Trong bàn có 1 người ăn chay, nhưng gia đình chỉ đặt 1 bàn chay nên cô đành ngồi uống nước. Cách ăn và món ăn lạ lẫm. Mọi người có lẽ đều không vui, nhưng chẳng lẽ phản ứng, chẳng lẽ kiếm chủ tiệc than phiền, đòi hỏi, nên cũng đành im lặng. 

Món đặc sản trong các tiệc cưới có lẽ là món… âm nhạc. Phần nhạc nghi lễ hoành tráng và na ná nhau, có tiết mục diễn viên múa hát rước dâu, bưng quả, nhiều khi còn đóng vai dâu rể (có lẽ vì dâu rể không múa được)… tất cả nặng màu sân khấu hóa, trình diễn, không phải tiết mục nghệ thuật cũng chẳng phải đời thực. Sau đó là âm nhạc âm lượng lớn. Khi đã vô vài ly, các ca sĩ karaoke cây nhà lá vườn độc chiếm sân khấu hát cho mình nghe. Bạn bè lâu ngày gặp lại khó mà nói chuyện được với nhau trong đám cưới, phải hét vào mặt nhau may ra mới nghe được vài ba câu bập bõm. 

Vậy mà những sự kiện quá đông, quá phô trương và quá ồn ã ấy ngốn mất vài trăm triệu bạc như bỡn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepic.diller

Trả tiền cho hạnh phúc

Khi phải trả một khoản tiền quá lớn cho đám cưới, cũng dễ hiểu chuyện người ta phải tính toán, mong gỡ lại được chút đỉnh từ tiền mừng cưới. Nghe đồn nhiều đám cưới lời vài chục triệu. Cũng là lời đồn thôi chứ mấy ai biết thực hư. Nhưng nghe mà buồn. Bỏ tiền mừng cưới, phải nhìn tên nhà hàng, nhìn menu tiệc, cứ như tính toán đi ăn một bữa đắt đỏ.

Thực chất chắc cũng không mấy ai giàu vì đám cưới (trừ những đám tổ chức để lấy tiền lại quả). Nhưng cả 2 bên đều phải tốn kém. Chi phí đám cưới bị đội lên, tiền bạc trả cho những thứ ở trên: nhà hàng sang, sảnh tiệc lớn, dịch vụ sân khấu, món ăn và chi phí phục vụ tiệc - những thứ thực chất không mang ý nghĩa gì mấy ngoài cái vỏ hào nhoáng bên ngoài. 

Không ai trả tiền cho hạnh phúc, vì hạnh phúc không mua được bằng tiền, hẳn nhiên rồi. Nhưng người ta trả tiền để tỏ ra mình hạnh phúc. Ngành công nghiệp nhà hàng - dịch vụ đám cưới nắm bắt rất nhanh tâm lý này để vẽ thêm ra những hình ảnh, chi tiết thỏa mãn tâm lý “cho bằng người ta” của khách hàng. 

Nghĩ lại, việc tổ chức đám cưới ở nhà hàng đầu tiên xuất phát từ mong muốn giảm bớt vất vả cho gia đình, nhưng đã dần biến tướng, trở thành một tiêu chuẩn thể hiện tài chính của gia chủ. Vẫn biết, với điều kiện nhà cửa chật chội, khó mà tổ chức tiệc ở nhà. Cũng không thể cứ dựng rạp ngoài đường, ngồi ăn tiệc lẫn với xe cộ và người đi đường được. Nhưng để chi phí cưới không trở thành gánh nặng cho đôi trẻ, cho gia đình đôi bên, cần có sự tiết chế, cần trả nhà hàng về đúng vị trí ban đầu của nó.

Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần và vật chất đã khá lên nhiều. Cỗ cưới không còn là yêu cầu quá lớn, đám cưới không phải là dịp ăn no, mời đông, khoe giàu. Việc khơi lại, gìn giữ nét văn hóa cưới hỏi truyền thống là đúng thời điểm trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ngày càng có nhiều đôi bạn trẻ tự thiết kế đám cưới cho mình, tự tổ chức đám cưới giản dị nhưng ấm áp hạnh phúc và đầy ý nghĩa. Họ đang dần định nghĩa lại đám cưới, khởi đầu con đường hôn nhân bằng một ngày hạnh phúc thực sự của chính họ.

Đám cưới của đôi mình

Không thể ép đám cưới vào một khuôn chung. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có thể lấy câu nói của ông cha: “Ai khen đám cưới…” làm chừng mực nhất định, rằng việc hỉ khó có thể thỏa mãn, chiều ý mọi người. Đám cưới có hoành tráng, sang trọng đến mấy đi nữa cũng chỉ là… đám cưới. Đằng trước, đằng sau đó là những con người, là sống với nhau và yêu thương nhau cho đến ngày răng long đầu bạc.

Nhân vật chính của đám cưới là đôi trẻ. Đám cưới nên để đôi trẻ được quyền quyết định. Họ là nguyên do cũng là mục đích của sự kiện vui vẻ này. Cha mẹ họ hàng nên chung tay vào chăm lo cho đôi trẻ chứ không nên bắt họ phải thực hiện việc này việc kia “cho đủ lễ” theo ý mình.

Tôi tin, nếu để cho các bạn trẻ tự quyết định đám cưới theo ý mình, đám cưới của họ sẽ gọn gàng, ý nghĩa và bớt đi nhiều thứ bày vẽ. 
Đám cưới là một sự kiện thông báo với cộng đồng rằng có 2 người đã kết hôn. Sự công nhận của cộng đồng là quan trọng, bao gồm bạn bè, bà con, láng giềng, ông bà tổ tiên dòng họ…

Đám cưới hiện nay đang xa dần những không gian truyền thống, nhạt dần chất địa phương.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Pvproductions

Để đưa đám cưới trở về đúng là một sự kiện của 2 gia đình, cộng đồng địa phương cần chia sẻ: cần những không gian công cộng gắn bó với dân cư. Khi đô thị mở lòng cho hạnh phúc của lớp trẻ, những thế hệ cư dân trẻ của cộng đồng sẽ gắn bó tích cực và sâu sắc hơn với không gian sống ghi dấu những hạnh phúc của đời mình.

Đám cưới là chuyện của 2 gia đình, 2 dòng họ. Nhưng mối quan hệ này không chỉ ở đám cưới. Gia đình 2 bên là hệ giàn giáo để xây ngôi nhà hôn nhân cho đôi trẻ. Giàn giáo thực sự tốt khi rút ván cốp pha, rút thanh giằng thanh chống, ngôi nhà sẽ tự mình đứng, vững chãi.

Gia đình 2 bên nên định hướng cho đám cưới, giúp đôi trẻ tổ chức gọn gàng, tiết kiệm và tập trung vào những ý nghĩa quan trọng nhất. Khía cạnh vật chất của đám cưới có thể đơn sơ, giản dị, không cần phải chi quá nhiều tiền. Dành điều kiện cho hôn nhân, gìn giữ tình yêu và hạnh phúc cho đôi trẻ, đó mới là nền tảng vững vàng, bền chắc.

Hôn nhân là con đường dài mà đám cưới là một khởi đầu được chúc phúc. Nghe có đám cưới là thấy vui, thấy cuộc đời đơm bông kết trái. Bởi vì chính niềm vui ấy nên muốn giữ gìn, muốn nâng niu đám cưới của những người trẻ.

Để suốt con đường dài của hôn nhân, mỗi lúc mệt mỏi, vấp ngã, người ta lại có thể níu vào khoảnh khắc đẹp đẽ hạnh phúc ấy mà đứng dậy, bước tiếp cùng nhau. 

Theo phụ nữ TPHCM