Tôi nhớ, ngày tôi gọi về tâm sự nhỏ to với má rằng tôi đã có người yêu, má hỏi tôi quen ai, ở đâu, anh người yêu như thế nào… Tôi kể, anh người đất Quảng, quê ở miền núi, Quán Gò.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Má nghe “miền núi” là má lo. Má nói tôi quen chi mà xa xôi, lên đó không có đèn điện, mùa mưa đường đất bùn sình. Tôi hiểu nỗi lo này là của mọi bà mẹ khi nghe tin con gái một mai lấy chồng xa. Bà mẹ nào cũng nhọc nhằn nuôi con lớn khôn nên niềm vui của tuổi xế chiều là thấy con cái có một nơi trở về an nhiên, hạnh phúc. Tôi vội giải thích với má rằng quê anh giờ điện đã kéo vào tận nhà, đường bê tông xe chạy bon bon, không có cảnh thắp đèn dầu hay xe chạy trong ổ gà ổ voi, sình lầy như má nghĩ đâu.

Hôm ba má đi ra mắt sui gia, má thích mê phong cảnh trên đường đến nhà anh. Má ấn tượng với phong thái dung dị, mộc mạc, chất phác của ba mẹ anh - những người làm nông chịu khó dãi nắng dầm sương. Những tháng ngày thành sui gia của nhau, lúc thong thả, ưa đổi gió, tránh không khí ngột ngạt của phố phường, ba chở má trên chiếc xe Wave vượt hơn 60 cây số về quê thăm sui gia.

Mới đầu, ba má thường gọi cho ba mẹ chồng tôi báo trước vài hôm để bên sui gia sắp xếp chuyện nhà cửa, đồng áng trước đó. Nhưng sau này, ba má chọn đi thăm đột xuất, vì không muốn bên sui gia của mình phải lo cơm nước, trà tiệc phiền hà. Đường xa nắng nôi, ba má chịu khó đi thăm nhà đằng sui xa xôi nên ba mẹ chồng tôi quý vô cùng tấm chân tình này. Vì thế, cứ đến giờ chạy ngược ra phố, ba mẹ chồng gói ghém đủ thứ cây nhà lá vườn nhét lên chiếc xe máy của anh sui chục quả trứng gà, ít bọc tiêu hột, vài trái bưởi…

Mẹ chồng tôi quanh năm chăm lo vườn tược, bếp núc và đồng áng. Mẹ bị say tàu xe khi đi xa nên mỗi lần đi là một lần khó. Chứng kiến tình cảnh chị sui phờ phạc, mệt lả trong lần đầu thăm nhà sui gia, ba má tôi thấy thương và cũng không câu nệ chuyện đáp lễ giữa 2 bên gia đình. Và vì ba má trẻ hơn ba mẹ chồng nên cũng dễ chủ động tới lui hỏi thăm nhau.

Bây giờ, ba mẹ già, cần gọi ai thì bấm số gọi trò chuyện dăm ba câu hỏi han cho có tình có nghĩa. Ấy vậy, thỉnh thoảng ngơi nghỉ sau vụ mùa, ba mẹ chồng tôi lại sắp xếp thuê xe từ quê chạy ra phố, còn “đùm” theo bao nhiêu thứ quà quê thơm thảo, ngọt bùi tấm lòng. Lúc thì trái mít, khi thì con vịt làm sẵn, vài ang gạo mới vừa thu hoạch… Đi ra phố thăm ba má tôi, ba mẹ lúc nào cũng chu đáo, chỉn chu.

Ngày mẹ chồng tôi nhập viện mổ mắt. Tôi ỷ lại việc có người thân quen ở viện đã sắp xếp đâu vào đấy cho ca phẫu thuật của mẹ. Tôi đợi mẹ ra đến phòng hồi sức mới gọi báo tin cho ba má. Ba má nghe chuyện, trách tôi báo tin muộn, dở ứng xử, vì ba má luôn sẵn lòng hỗ trợ nhà sui gia khi cần kíp, nhất là những lúc ốm đau.

Mỗi lần nói chuyện với má qua cuộc gọi video, má hay khuyên tôi thỉnh thoảng phải gọi điện hỏi thăm mẹ chồng, phải quan tâm tới mẹ chồng nhiều một chút, vì má có con cháu sống cạnh bên, còn ba mẹ chồng tôi thay nhau lo cơm nước, chứ tụi nhỏ đứa sống cách cả ngàn cây số, đứa cách xa nửa vòng trái đất. Nghĩa tình sui gia giữa ba má và ba mẹ chồng cứ thế âm thầm vun bồi thêm, xây đắp thêm cho tình cảm vợ chồng chúng tôi. Nó như sợi dây vô hình gắn kết vợ chồng tôi trong những cuộc trò chuyện bên bữa cơm chiều. Nó như chất xúc tác khiến anh dễ dàng cởi mở với ba má tôi hơn, như kéo mối quan hệ giữa ba mẹ chồng và nàng dâu gần thêm nữa. Chúng tôi có thể tỉ tê với nhau những chuyện trên trời dưới đất qua các cuộc gọi từ bên kia bán cầu hay những lần đoàn viên sau chuyến xa nhà dài đằng đẵng.

Vợ chồng tôi từ ngày lấy nhau đã có thêm một mái nhà để trở về, có thêm cha mẹ để thương yêu và hơn hết là có thêm nhiều năm tháng hạnh phúc trong nghĩa tình sui gia đậm sâu.

Theo phụ nữ TPHCM