Chiều 30 tết, bà vùi mấy trái bồ kết vào than củi đỏ hồng. Đến khi bồ kết dậy mùi thơm, bà sẽ lấy ra, đập bỏ phần cháy và cho vào nồi nước. Trong nồi đã chuẩn bị sẵn lá sả tươi, vỏ bưởi phơi khô, cây hương nhu và vài lát gừng.

Chiếc nồi gang 40 đen bóng muội than được đặt lên bếp củi. Bà khơi lửa nấu nước sôi, sau đó để than hồng ủ thêm 20-30 phút. Trong lúc chờ nồi nước gội đầu “ngấm”, bà chuẩn bị đầy đủ thau nhôm, gáo, khăn, lược. Ông nội giúp bà xách một thùng đầy nước sạch, thường là nước mưa trữ trong bể chứa. Có năm hanh khô kéo dài, nước mưa chỉ dành để nấu ăn. Không nỡ để bà cháu tôi dùng nước giếng khoan gội đầu, ông cất công ra tận giếng khơi của làng, mang về những xô nước vừa ngọt vừa trong.

leftcenterrightdel
 Tác giả và bà nội. Nay bà đã đi xa, để lại hương thơm nước gội đầu cho cô cháu gái

Nhà tôi ngày ấy còn nghèo, chẳng có nhà tắm kín gió với bình nóng lạnh hiện đại như bây giờ. Bà cháu tôi thường gội đầu ngay cạnh bếp lửa cho ấm. Ông cũng ngồi đó nấu nước pha trà, chờ đổ giúp bà những chậu nước đã dùng xong. Bà quàng vào cổ tôi chiếc khăn mặt ngăn nước chảy xuống làm ướt áo. Để tôi ngồi vào chiếc ghế gỗ thấp, bà dùng lược răng thưa cẩn thận chải tóc cho tôi đến khi mái tóc mượt mà chẳng còn nút rối.

Chiếc vung gang nặng trịch vừa mở ra, khói trắng trong nồi bốc lên nghi ngút, ngào ngạt hương thơm. Tôi nhớ rất rõ mùi hương ấy, tưởng chừng tôi có thể cảm nhận được bằng cả xúc giác, thị giác chứ không chỉ là khứu giác. Hương bồ kết dân dã, hòa với mùi hương nhu, vỏ bưởi, thêm chút nồng của sả, gừng vô cùng thanh sạch, dễ chịu.

Tôi cúi đầu, bà chải tóc tôi ra phía trước, hứng vào thau nước đã pha sẵn và bắt đầu gội đầu. Thau nước đầu tiên, bà pha rất đặc: 1 gáo nước gội đầu - 1 gáo nước mát. Tôi thích màu nước nâu cánh gián, sóng sánh hương thơm. Tôi yêu cảm giác làn nước ấm chảy tràn lên mái tóc rồi thấm vào da đầu. Bà cẩn thận xoa, gãi cho sạch hết bụi bẩn. Tôi tinh nghịch chỉ cho bà chỗ này, chỗ kia còn ngứa để được gãi thêm một chút cho “đã”.

Ngày nhỏ, tóc tôi vừa dài vừa dày. Con nít nhà quê đầu thường lắm chí. Bà phải chải bằng lược mau (lược bí) để những con chấy rơi ra. Vậy mà bà vẫn xuýt xoa khen: “Tóc cháu bà vừa mềm vừa mượt, sau này cuộc sống sẽ an nhàn”. Tôi nghe tai nọ qua tai kia, nào có biết đấy là ước nguyện của bà. Bà chẳng cầu tôi giàu sang, phú quý, chỉ mong cho tôi được hạnh phúc, bình yên.

Chậu nước thứ hai, thứ ba, bà pha loãng hơn: 1 gáo nước gội đầu - 3 gáo nước mát. Màu nâu cánh gián nhạt đi nhưng hương thơm vẫn đượm. Bà xả tóc tôi thật kỹ rồi lấy khăn thấm khô, chải lại thật gọn gàng. Mái tóc tôi thấm đẫm hương thơm bồ kết, thoảng thêm chút hơi ấm của bếp lửa và bàn tay bà ân cần chăm sóc.

Ngày nhỏ, tôi nào biết tắm gội thật sạch ngày cuối năm là nghi thức gạt bỏ muộn phiền năm cũ, đón chào năm mới; chỉ biết mê mải hít căng đầy lồng ngực hương thơm dịu dàng của nồi nước thảo mộc, rồi thấy vui vẻ hơn rất nhiều.

Tôi vui vẻ ê a hát: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng, màu trắng như mây”. Bà cười, mắng yêu: “Tóc bà nào đã có sợi bạc mà con bảo trắng như mây”. Ông tôi bị nặng tai, tôi chắc chắn ông chẳng nghe thấy bà cháu tôi nói với nhau điều gì, chỉ nhoẻn miệng cười theo. Hương thơm, hơi ấm của nồi nước gội đầu xua tan giá lạnh chiều cuối năm. 

Theo phụ nữ TPHCM