Hà - một đại gia lớp tôi "gãy cánh” trong cơn suy thoái kinh tế. Tôi nhắn riêng cho bạn: "Có chuyện gì cũng đừng bứt khỏi gia đình nhé".

Cách đây hơn chục năm, nhiều bạn tôi là dân xây dựng, tài chính ngân hàng. Họ kiếm tiền rất dễ dàng, trong khi lương tôi và vài người bạn giáo viên, công chức chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Mỗi lần họp lớp, chúng tôi lại được cập nhật bạn A. mua trang trại, xây biệt phủ; bạn B. đầu  tư chung cư mini cho thuê; bạn C. nay làm giám đốc truyền thông tập đoàn bất động sản rất lớn, thu nhập mỗi tháng 200 triệu đồng…

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau cơn bão của giới tài chính và bất động sản năm 2008-2010, không ít đại gia của lớp lục tục bán nhà bán xe. Một số biến mất khỏi các cuộc tụ họp của lớp. Chừng 4-5 năm, một số bạn vực lên thành công, trở lại với tinh thần rất tốt. Riêng vài bạn thì không dám làm ăn lớn nữa, chấp nhận làm thuê, nhận lương ba cọc ba đồng, vì sợ rủi ro. Ôm nặng hành trang là kinh nghiệm, họ thận trọng với bất cứ ai mời gọi đầu tư. Trong chi tiêu, họ cân nhắc tới từng xu lẻ, khác hẳn thời rực rỡ hoàng kim.

Còn một điểm chung khác: tất thảy những người trở lại đều được vực dậy nhờ vợ hoặc gia đình. Như Lãm - tôi chơi thân hồi trong ký túc xá - cũng "tay trắng làm nên đống nợ". Gia đình vợ quyết định bán căn nhà trung tâm một thị xã để chuyển ra ngoại ô sống, tiền dư đưa con rể trang trải các khoản vay. Lãm nói, nhờ nhà vợ thương con gái, thương 2 cháu ngoại nên đã giang tay… “Happy end” đã đến với gia đình Lãm khi bạn tôi vượt qua khúc quanh. Vợ của bạn là dược sĩ, cũng vật lộn với bao áp lực, nhưng chị an nhiên chấp nhận thử thách. Gặp lại Lãm, tôi đùa rằng bạn phong độ quá, gái đẹp sẽ theo. Bạn cười: “Giờ tôi chỉ thấy vợ đẹp, ông bà ngoại đẹp. Vì lúc tôi khó khăn, bạn bè thân sơ biến hết, chỉ người thân là không bỏ mình”.

Ngoài Lãm, tôi cũng biết vài bạn trong lớp từng rơi vào cảnh tuyệt vọng. Khi trong túi không một xu, hôn nhân cũng bất ổn theo, các bà vợ khóc than, trách móc, rên rỉ ngày này qua ngày khác. Như Thiện đã từng tuyệt vọng đến trầm cảm, mấy lần định lao đầu ra đường tự tử, nhưng rồi nghĩ đến những đứa con, cậu cố gắng sống, cố gắng cười mỗi ngày cho chúng vui.

Vì sợi dây níu kéo là các con, vợ mắng nhiếc giày vò cỡ nào cậu cũng ráng nhịn, không rời nhà. Cậu bám vào căn nhà như người không biết bơi, mà giữa biển rộng chỉ có một chiếc phao. Thật may, chiếc phao ấy giúp cậu sống. Bất động sản “ấm” lại, tài khoản chứng khoán bỗng nhiên sinh sôi nảy nở trong cơn tăng trưởng nóng hồi 2019-2020. Bạn tôi qua cơn nguy khốn, anh thu hồi vốn để trả nợ dần, dồn tiền thuê đất, xây dãy nhà trọ 10 phòng cho công nhân thuê.

Tôi nhắn được mấy hôm thì Hà cũng trả lời: "Cuộc sống mà, leo cao thì ngã đau. Mình vẫn hy vọng sẽ có ngày làm lại từ đầu. Còn về gia đình, mình để vợ giữ căn nhà và có chút tiền nuôi con. Mình bây giờ thế nào cũng được". Hà cảm ơn tôi vì đã nhắc anh về điểm tựa gia đình.

Quả thật, tôi nghe nhiều người nói họ cố gắng làm ăn, nỗ lực cho gia đình, mong vợ có điều kiện sống tốt hơn, con cái có tương lai xán lạn... Nhưng khi họ làm ăn thất bại thì sẽ bị quy kết chỉ vì cái tôi cá nhân, không nghĩ tới rủi ro của vợ con, cha mẹ. Chuyện này thật khó rạch ròi, vì mỗi người mỗi góc nhìn, mỗi quan điểm sống, mỗi hoàn cảnh lại có những cớ sự khác nhau. Tôi chỉ mong các bạn tôi đang khó khăn đều có thể vượt các cơn bão, để đứng dậy mà vẹn nguyên gia đình. 

Theo phụ nữ TPHCM