Suốt thời thơ ấu, chị em tôi không ở nhà mà ở khu tập thể UBND huyện - nơi mẹ làm việc.
Thật “oan nghiệt” khi cơ quan giao cho mẹ giữ tủ bánh trong khi 3 chị em tôi là chúa ăn vặt, thời xưa lại thiếu thốn triền miên. Tối tối, 3 chị em thi nhau nhìn xuyên thấu qua lớp kính, đứa xí cái này, đứa xí cái kia trong thòm thèm, tưởng tượng...
Khỏi nói cũng biết chị em tôi mừng thế nào khi cơ quan có khách đến thăm. Chúng tôi khấp khởi khi khách đứng dậy, chào ra về. Chúng tôi giả bộ dạo qua dạo lại trong khu vườn nhỏ trước sân phòng khách như thể tìm ổ chim, bắt con cào cào, châu chấu hoặc chơi đùa bên những con voi bằng đá (thực ra là để… nghe ngóng tình hình).
|
Mẹ tôi viếng lăng Bác và tham quan miền Bắc vào năm 2019 |
Để rồi thế nào chúng tôi cũng được mẹ hoặc mấy dì ngoắt vào đưa cho mẩu bánh vụn còn sót lại sau khi đãi khách. Mẩu bánh ngọt ngày ấy sao mà thơm mà béo. Bỏ vào miệng, sau vài tiếng rào rạo thì nó tan chảy, thấm sâu vào lưỡi rồi bằng cách nào đó, mẩu bánh ngọt nó “lọt đến xương”. Ký ức mê tơi nhất của 3 chị em tôi đều liên quan đến bánh ngọt và tiếng lách cách của chiếc chìa khóa nhỏ mẹ tôi mở ra một trời hoa mộng - cái tủ bánh luôn ắp đầy những loại bánh thơm ngon, kiểu cọ, màu sắc hấp dẫn.
Là người hảo ngọt nhưng mẹ không mê bánh như chị em tôi. Thứ mẹ mê lại là tấm vải bông tím đậy tủ bánh.
Ngày cơ quan giao tủ bánh vào căn phòng tập thể của mấy mẹ con, mẹ đã "kết" tấm vải ấy. Mẹ khen tấm vải có nền trắng, điểm bông tím, lá xanh sao mà ngọt ngào, nền nã. Mẹ hỏi các dì đồng nghiệp chỗ bán tấm vải để mua về may cho các con gái mỗi đứa một cái áo mặc tết. Nhưng khi mẹ tìm ra sạp thì kiểu vải này đã bán hết.
Vài năm sau, 3 chị em tôi đã bớt thèm bánh, chị hai vào tuổi dậy thì nên sợ mập, bắt đầu có ý thức kiêng ngọt. Còn mẹ thì vẫn thích tấm vải ấy dù theo thời gian, những thớ vải ít nhiều ngả màu. Ngày nghỉ hưu, mẹ đắn đo, phân vân mãi rồi cuối cùng cũng đã lấy tấm vải cho riêng mình. Mẹ gói tấm vải vào giấy báo, để lẫn lộn trong giỏ bên cạnh gối, mền, nồi niêu xoong chảo... chở về nhà.
Một ngày, có đồng nghiệp cũ ghé nhà mời mẹ về cơ quan họp. Mẹ xanh mặt, nghĩ ngay đến chuyện đã tự ý “chiếm dụng” tấm vải. Nếu không phải là vậy thì sao mẹ đã nghỉ hưu rồi mà vẫn phải triệu tập về họp. Mẹ thử hỏi ý kiến ba xem phải làm sao, ém luôn hay là thú thật. Ba cười xòa: “Chuyện đó... nhỏ như con thỏ, hơi đâu bà bận tâm làm gì!”.
Đến ngày họp, mẹ không quên mang theo xấp vải. Đến trưa, mẹ về nhà trong tâm trạng vui vẻ, phấn chấn. Từ ngõ, thấy tôi đang chơi nhảy lò cò với tụi hàng xóm, mẹ đã gọi tên tôi thật lớn và cười tít mắt.
Hóa ra là cơ quan mời mẹ về ngôi nhà chung để dùng cơm thân mật và cảm ơn những đóng góp của mẹ suốt thời gian dài công tác. Khi mẹ nhắc đến tấm vải, chú thủ trưởng rướm nước mắt nói: “Trời ơi! Thương chị quá! Chuyện chỉ vậy có đáng gì đâu để chị cứ phải ôm trong lòng rồi bồn chồn, day dứt này kia. Chị cứ yên tâm giữ tấm vải làm kỷ niệm, tấm vải cũ có còn giá trị bao nhiêu đâu. Miễn chị thích là tụi em vui rồi”.
Mẹ tôi đen đúa, nhỏ con, mẹ không sắc nước hương trời nhưng mẹ đẹp ở nhân cách liêm chính, ngay thẳng, không tư lợi. Một lỗi lầm nhỏ, một lần thỏa hiệp với đam mê ấy chỉ khiến mẹ cao đẹp, lồng lộng hơn nữa trên cái nền tinh khôi, thanh bạch (ít nhất là trong mắt của ba và các chị em tôi).
|
Mẹ và 3 chị em tôi đi đám cưới |
Báo chí vẫn đăng tải một số vụ án công chức, viên chức tham nhũng, rút ruột của công với số tiền thiệt hại khổng lồ mà nếu bớt đi một vài con số 0 thì người ta vẫn còn ngỡ ngàng. Mẹ với cách sống chân tình, không tham lam, không thu vén cá nhân đã dạy cho chị em tôi con đường thẳng nhất để bước đi trong đời.
Theo phụ nữ TPHCM